Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích cầu thị trường, có cần mở “room”?  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích cầu thị trường, có cần mở “room”?  

Thị trường chứng khoán có nên mở rộng thêm cửa cho nước ngoài tại thời điểm này? Trong ảnh là nhà đầu tư giao dịch trên sàn chứng khoán TPHCM -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm 2008 chứng kiến ba phiên đi xuống liên tiếp, ngược với sự kỳ vọng của nhà đầu tư trong và ngoài nước, và của cả các doanh nghiệp niêm yết. Thị trường hiện đang chờ một giải pháp.  

Nhiều lý do được đưa ra, từ việc bất động sản hút vốn, lượng cung tiền đồng không đủ, rồi đến cung hàng hóa tăng mạnh so với mức cầu của thị trường… Các kiến nghị, phương án cũng đang được các nhà quản lý thị trường xem xét, ví dụ như việc giãn bớt các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp lớn để tạo sự cân bằng về cung cầu cho thị trường…     Nhiều nhà đầu tư sau những phiên ảm đạm của thị trường hiện vô cùng do dự trước việc có nên đổ tiền vào chứng khoán nữa hay không. Nhiều người cũng đang trong tâm trạng chờ xem động thái mới từ cơ quan quản lý thị trường giúp cho thị trường bớt trầm lắng. Một trong những điều được đề cập từ cuối năm ngoái, với suy nghĩ rằng sẽ thúc đẩy thị trường khởi sắc, đó là nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam (room). Mới đây, một lần nữa chuyện mở room lại được xới lên.  Vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi một văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc mở rộng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nước ngoài trong các ngân hàng nội địa từ 30% hiện nay lên 35% hoặc 37%. Theo giải thích của VAFI thì đề nghị này nhằm để tăng cường huy động vốn vào thị trường chứng khoán và vào hệ thống ngân hàng thương mại, đồng thời tạo nên sự hấp dẫn về hàng hoá cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên liệu đây là một biện pháp có lợi cho thị trường về lâu về dài hay chỉ là một giải pháp tình thế trong tình hình thị trường hiện nay?  

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, cho rằng mức 5% đến 7% này nhằm vào các nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thuộc lĩnh vực ngân hàng, hoặc không là nhà đầu tư chiến lược mà các ngân hàng sẽ bán cổ phần sau khi thỏa thuận. Ông nói nên tạo một cơ hội cho những tổ chức này được giữ cổ phần của các ngân hàng.  

Tuy nhiên, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét, kích cầu cho thị trường bằng việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một biện pháp kích cho giá cổ phiếu tăng lên, chứ không phải biện pháp căn cơ để thị trường phát triển bền vững. Ông nói: “Nếu sau đó hết room, không lẽ tiếp tục mở nữa và sẽ mở đến khi nào? Các nhà đầu tư trong nước đừng nên tự ru ngủ mình bằng cách mời nước ngoài vào mua nhằm làm cho giá cổ phiếu lên”.  

Cũng theo vị giám đốc ngân hàng này, nếu mở room, liệu các ngân hàng hay liệu thị trường chứng khoán có sẵn sàng đón tất cả các loại nhà đầu tư nước ngoài chưa? Nếu là nhà đầu tư dài hạn, họ sẽ nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài, nhưng đối với những quỹ đầu cơ chuyên nghiệp nước ngoài với mục đích rõ ràng là tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, thì liệu các ngân hàng nội địa có đủ sức đón nhận họ hay chưa?  

Vấn đề ở đây là các ngân hàng phải nâng giá trị nội tại của mình lên, và cơ quan quản lý nhà nước cần phải có các biện pháp nâng cao tính thanh khoản của thị trường, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư hơn. “Nhà quản lý cần đặt cho mình câu hỏi, họ muốn thị trường như thế nào, phát triển một cách vững mạnh hay chỉ muốn giá chứng khoán được đẩy lên nhanh chóng? Từ đó mới có thể đưa ra những biện pháp đúng đắn cho thị trường”, vị giám đốc ngân hàng nói trên nhận định.  

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lâu năm tại Việt nam cho biết ông không quan tâm tới việc mở room hay không, vì mở room thì hiện giờ chỉ có thể áp dụng cho hai ngân hàng đang niêm yết. Còn các ngân hàng cổ phần hiện chỉ giao dịch trên thị trường OTC, dù muốn lắm, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng không làm gì được vì Nhà nước không cho phép. Ông kiến nghị hãy đối xử với các ngân hàng bình đẳng như với các doanh nghiệp khác của Việt Nam, điều đó sẽ hấp dẫn nước ngoài hơn.

Mời bạn đọc xem thêm bài viết: Mở “room”, điều gì xảy ra? 

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới