Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích đúng cầu để tăng trưởng kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích đúng cầu để tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch của EuroCham ông Alain Cany đề xuất gói kích cầu tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng tốt, và các doanh nghiệp giúp đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì và tạo ra việc làm. Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam ông Alain Cany cho rằng chính phủ có thể bơm tiền cho các tổng công ty nhà nước nếu họ thực sự sử dụng tiền hiệu quả và giúp kinh tế phát triển.

Ông Cany đã nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online như trên sau buổi hội thảo về chủ đề “Khủng hoảng tài chính toàn cầu và triển vọng của Việt Nam trong năm 2009 và các năm tiếp theo” do EuroCham tổ chức vào ngày 18-12 tại TPHCM.

Phải sử dụng tiền hiệu quả

Ông Cany nói điều mà ông và nhiều chuyên gia khác quan tâm là chính phủ thực hiện gói kích cầu như thế nào để thực sự kích thích tăng trưởng kinh tế hơn là cần phải chi bao nhiêu để có thể giúp doanh nghiệp và người dân và cũng để đạt được mục tiêu kích cầu.

Đồng tình với quan điểm của ông Cany, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói tại buổi hội thảo rằng điều quan trọng là số tiền dự kiến cho kích cầu sẽ được chi tiêu như thế nào, và cần chi tiêu một số tiền hợp lý với tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ông Konishi đã đưa ra ý kiến trên để trả lời cho câu hỏi tại buổi hội thảo: liệu số tiền 6 tỉ đô la Mỹ có là quá lớn so với tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Việt Nam hiện nay? Ông Konishi là diễn giả duy nhất tại hội thảo do EuroCham tổ chức và thu hút khoảng 100 chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Cany đặt vấn đề về khả năng có thể huy động và phân bổ một cách hiệu quả số tiền lên đến 6 tỉ đô la Mỹ trong tình hình hiện nay. Tiền cho gói kích cầu này dự kiến sẽ được huy động từ nhiều nguồn bao gồm từ phát hành trái phiếu Chính phủ và cũng bao gồm cả số tiền 1 tỉ đô la Mỹ mà Chính phủ đã công bố trước đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Cany nói: “Tôi tin là gói kích cầu trị giá 2 – 3 tỉ đô la Mỹ phù hợp thực tế hơn so với GDP của Việt Nam”. Ông nói thêm rằng tốt hơn là chính phủ nên giải ngân từ từ và cẩn trọng để xem số tiền này có thực sự mang lại hiệu quả như thế nào trước khi quyết định giải ngân tiếp.

Ông Cany cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu số tiền bị chi tiêu một cách lãng phí. Do vậy, ông đề xuất tiền kích cầu này cần được bơm cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tốt như cầu đường, cảng… và được thực hiện nhanh chóng, chứ không phải các dự án kéo dài nhiều năm hay các dự án quá lớn không phù hợp với phát triển của kinh tế Việt Nam.

Ông cũng đề xuất tiền cần cho các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp mà có thể giúp tăng trưởng xuất khẩu, duy trì và tạo các việc làm mới. Tuy nhiên, ông Cany cũng cảnh báo rằng, chính phủ cũng phải có những chính sách tăng trưởng kinh tế hài hòa, tránh tăng trưởng quá nóng vì như thế có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Ông Konishi nói hạn chế về nguồn cung (cơ sở hạ tầng, lao động tay nghề cao…) có thể khiến lạm phát ở Việt Nam tăng trở lại, và đây là một trong các vấn đề chính mà Việt Nam phải giải quyết để đảm bảo kinh tế tăng trưởng bền vững.

Ông Cany nói lạm phát ở Việt Nam đang giảm vì giá cả các mặt hàng giảm, nhưng “đây chưa phải là phần kết của một câu chuyện”. Theo ông, viễn cảnh kinh tế thế giới trong năm 2009 sẽ rất khó khăn và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Dự báo tăng trưởng sẽ chậm hơn

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam (trái) đang trao đổi với các lãnh đạo của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại cuộc hội thảo diễn ra tại TPHCM ngày 18-12. Ảnh: Mộng Bình

Dù đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 ở những thời điểm khác nhau, nhưng cả ADB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đưa ra con số 5% là mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau buổi hội thảo, ông Konishi nói rằng ADB đã đưa ra mức dự báo trên vào tháng 11-2008 sau khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn 6% mà cũng chính ADB đưa ra vào hồi tháng 9.

Cũng ba tháng trước, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm 2008, thấp hơn mức tăng 6,7% mà Việt Nam nhắm tới trong năm nay và bằng với mức tăng được kỳ vọng cho năm tới. Tuy nhiên, trong bản thông cáo mới nhất IMF đưa ra mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2008 là 6,25%.

Ông Ben Bingham, Đại diện cao cấp của IMF tại Việt Nam, giải thích trong thông cáo báo chí rằng, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Năm 2007, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8.5%, và là một trong các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất.

Theo IMF, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại là do ảnh hưởng của kinh tế thế giới hiện nay khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm tại các thị trường trọng điểm, ảnh hưởng đến lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.

Ông Cany cho rằng qua các cuộc nói chuyện với các doanh nghiệp xuất khẩu thì họ dự báo rằng lượng hàng xuất khẩu của họ có thể sẽ sụt giảm 30% trong các tháng đầu năm tới, nhất là sau tết là lúc mà kinh doanh thường đi xuống.

Ông Cany nhận định nếu Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng ở mức 5% trong thời gian dài thì là quá thấp, nhưng mức này không phải là đáng lo nếu chỉ cho một năm rồi sau đó kinh tế Việt Nam bật trở lại để phát triển mạnh hơn và bền vững hơn.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: ADB sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức thế nào trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay?, ông Konishi nói rằng phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo là những ưu tiên của ngân hàng này.

Ông Konishi cho biết trong các năm tới ADB dự kiến sẽ hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để giúp phát triển và giải quyết vấn đề liên quan đến thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Ông nói kinh tế Việt Nam có triển vọng phát triển rất mạnh nếu xét về trung hạn, và lúc này cũng là cơ hội để Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến thiếu hụt nguồn cung.

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới