Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích ở đầu cầu khác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích ở đầu cầu khác

Ngọc Lan

Gói kích cầu thứ nhất đã mang lại hiệu quả tích cực nhưng cũng có những tác dụng phụ mà nếu tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế mới thì cần cân nhắc kỹ. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Nhiều doanh nghiệp đã nhận được những hiệu quả tích cực từ gói kích cầu thứ nhất, tạo đà phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhưng “tác dụng phụ” của nó – lượng hàng tồn kho công nghiệp sáu tháng đầu năm lên tới 34% – là một lý do làm nhiều nhà phân tích cho rằng cần cân nhắc thêm về địa chỉ tiếp nhận nếu có những gói kích thích kinh tế bổ sung.

Những cơ hội đã được tạo ra

Bà Nguyễn Thu Hà, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, cung cấp những số liệu cho Ủy ban Kinh tế Quốc hội về dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 7 vừa qua là 403.448 tỉ đồng. Trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn là xấp xỉ 360.000 tỉ (chiếm 92,1%), cho vay trung và dài hạn khoảng 30.000 tỉ (chiếm 7,75%). Trong số này, dư nợ của ngành thương nghiệp chiếm 32,01%, công nghiệp chế biến chiếm 32,5%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,9% và ngành xây dựng chiếm 9,36%.

Ở một báo cáo khác, công bố hôm 7-9, bà Đào Dung Anh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cho biết tính đến ngày 31-7, số dự án vay vốn tín dụng đầu tư được hỗ trợ ở ngân hàng này là khoảng gần 100 dự án với số lãi suất hỗ trợ khoảng 1.472 tỉ đồng. Có 37% dự án công nghiệp thuộc diện hỗ trợ lãi suất nêu trên.

Bà Anh đánh giá chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ góp phần quan trọng trong việc phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. “Đặc biệt chi phí giá thành giảm do lãi suất cho vay đầu tư hiện nay tại Ngân hàng Phát triển đang ở mức 6,9%/năm và khi nhận được hỗ trợ, lãi suất chỉ còn 2,9%/năm”, bà Anh cho biết.

Bà Nguyễn Thu Hà, trích dẫn báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã đạt được mục tiêu là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn khoảng 30-40%, giảm giá thành từ 2,5-6%, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo được việc làm cho người lao động. Đến 91% số doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SME) cũng có chung nhận xét như lãnh đạo các ngân hàng. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch SME, nhận định các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn đã tìm kiếm được cơ hội duy trì sản xuất, đổi mới công nghệ, giảm chi phí, tăng sản lượng.

Hàng tồn kho lại tăng

Nhưng ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong cuộc trao đổi với báo giới cuối tháng 8 đã cho biết rằng, lượng hàng công nghiệp tồn kho sáu tháng đầu năm tăng 34%, trong khi nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho ngành này chiếm một phần ba các dự án được hỗ trợ: “Điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi chật vật, chưa bền vững”, ông nói và đặt câu hỏi về vấn đề cần hiểu rõ nền kinh tế của ta tăng trưởng thực chất đến mức nào.

Đặc biệt, ông cho rằng phải xem xét sự phục hồi giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp vừa qua dựa trên tiêu thụ sản phẩm cuối cùng hay trên cơ sở tiêu thụ hàng tồn kho từ trước, tăng trưởng sản phẩm hay làm ra rồi để tồn kho.

Những cảnh báo mà ông Thúy nêu ra là có cơ sở. Và nếu xét rộng hơn, nó có thể là “tác dụng phụ” ở gói kích cầu thứ nhất, khi các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, tạo ra sản phẩm nhờ được bơm nguồn vốn rẻ, nhưng lại không tìm được đầu ra. Vấn đề này phải được nhìn nhận một cách cụ thể để gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo, bất kể được định hình theo cách thức nào, cũng rút được bài học kinh nghiệm.

Một phần của gói kích cầu thứ nhất là hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho công nghiệp chế biến. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ An Giang, cho hay là từ cuối quí 1-2008 đến nay, hầu hết thời gian, người nuôi cá tra bán dưới giá thành.

Hơn nữa, tồn kho hàng hóa (cá quá lứa), doanh nghiệp mua để cứu nông dân, tính đến 31-5-2009 là 33.770 tấn. Mặt hàng số một trong ngành xuất khẩu chế biến thủy sản đã giảm 3% về kim ngạch xuất khẩu qua sáu tháng càng làm nặng thêm gánh trên vai doanh nghiệp và người nuôi. “Ước cả năm 2009, xuất khẩu cá tra, cá ba sa chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm 2008” – bà Tuyết cho biết.

Tình hình tồn đọng thực tế như thế, cộng với cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu rất hạn chế khiến cho kênh dẫn vốn này thực tế không được khả quan.

“Khác với cơ chế hỗ trợ lãi suất ngay cho doanh nghiệp vào các kỳ thu lãi hàng tháng mà hiện các ngân hàng thương mại đang áp dụng, ở Ngân hàng Phát triển chỉ hỗ trợ lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn cung cấp bộ chứng từ hàng xuất phù hợp, nhằm mục đích chứng minh mục đích sử dụng vốn là xuất khẩu”, bà Anh nói về đường ra của đồng vốn này, cũng như cho biết thêm điều đó giải thích tại sao dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Phát triển rất lớn nhưng số tiền hỗ trợ lãi suất đến nay chưa phát sinh nhiều.

Chính phủ cũng có cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất cơ khí trọng điểm. Theo bà Anh, phía Ngân hàng Phát triển đã tích cực triển khai theo hướng góp phần kích cầu ngành chế tạo cơ khí trong nước, phối hợp với tập đoàn Vinashin rà soát danh mục các dự án thuộc đối tượng, theo đó dự kiến sẽ có khoảng 20 dự án được vay vốn với số vốn đề nghị vay gần 19.000 tỉ đồng.

Hay như các dự án mua sản phẩm cơ khí trọng điểm của Công ty Cơ khí Quang Trung, ngân hàng đã thẩm định 12 dự án với số vốn chấp thuận cho vay xấp xỉ khoảng 1.000 tỉ. Tuy nhiên lại có vấn đề ở khâu tiêu thụ. Nếu tính riêng ở các loại máy cơ khí, nông cụ hỗ trợ cho nông dân, báo Sài Gòn Tiếp thị cho biết là tỉnh Hậu Giang đến nay mới có 16 máy gặt đập liên hợp được mua theo chương trình kích cầu.

Hoặc ở Cần Thơ, đến trung tuần tháng 8, mới có năm khách hàng vay được nguồn vốn hỗ trợ mua máy móc, do điều kiện thẩm định vốn vay của ngân hàng vẫn rất chặt và chủ yếu là thế chấp sổ đỏ (mà người dân đã thế chấp để vay các nguồn vốn khác từ trước nên không có).

Cân đối ở đầu cầu còn lại

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Khoa học – Tài chính và Giá cả (Bộ Tài chính), nói với TBKTSG rằng, cần nhìn nhận đúng về hiệu quả và điểm dừng của gói kích cầu thứ nhất. Khi nó đã phát huy được tác dụng, hiệu quả tích cực đối với một nhóm đối tượng (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất) và nhóm này là đối tượng thụ hưởng chủ yếu thì không đồng nghĩa với việc mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người (tiêu dùng).

Như thế, dù biện pháp hỗ trợ lãi suất mang tính tình thế và đúng đắn, thì cũng phải gọi là kích cung. Khi cung được đẩy lên mà cầu không theo kịp hoặc vướng mắc trong khâu thực hiện, thì cầu sẽ không cân đối và chuyện tồn kho hàng công nghiệp, dù là con cá chế biến để xuất khẩu hay các sản phẩm cơ khí là chuyện dễ hiểu.“Đã đến lúc cần có một hệ thống các biện pháp kích cầu theo các hướng khác”, ông Ánh nói.

Ông gợi ý gói hỗ trợ lần này, nếu ra đời thì phải hướng đến đối tượng người tiêu dùng chứ không phải người sản xuất và kể cả có hướng đến nhà sản xuất thì cách triển khai cũng không nên phân biệt đối tượng doanh nghiệp. Với đối tượng tiêu dùng, phải hướng đến kích giá (làm cho giá rẻ đi để kích sức mua) và nâng thu nhập cho người tiêu dùng thì họ mới có điều kiện mua hàng.

“Có thể giúp doanh nghiệp bán hàng ra giá thấp qua việc giảm thuế”. Ông cũng lưu ý khi dùng biện pháp kích cầu, ví như tăng thu nhập cho người mua có thể đẩy mặt bằng giá đi lên, dẫn đến lạm phát, do vậy luôn phải chú ý đến liều lượng và cần điều chỉnh linh hoạt, thường xuyên. Hoặc không bơm thêm tiền vào lưu thông và không tăng chi tiêu Chính phủ để tránh lạm phát.

Ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thì cho rằng do gói kích cầu thứ nhất, cơ cấu vốn vay để ổn định sản xuất hay tái cơ cấu nền kinh tế chưa thể hiện rõ trong cơ chế thực hiện, do đó có thể sự hỗ trợ từ Nhà nước đưa ra dễ với đối tượng này nhưng khó với đối tượng khác, dẫn đến nhiều chỗ “tắc”.

Gói kích thích tiếp theo phải giúp doanh nghiệp và người dân hiểu được tính chất tái cơ cấu kinh tế trong dài hạn thay cho thời kỳ cần ổn định sản xuất thì doanh nghiệp dễ hoạch định chiến lược hơn và không lao vào vòng sản xuất ồ ạt nếu không nhìn thấy đầu ra sản phẩm mang tính dài hơi.

Ông Cao Sỹ Kiêm thì nói rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp SME mới dừng ở mức trụ lại để vượt qua khó khăn bước đầu. Họ còn thiếu vốn dài hạn, công nghệ, nguồn lực và trình độ quản trị kinh doanh.

Trước mắt họ cần những đề án, hệ thống giải pháp từ Nhà nước, kể cả việc phân tích tình hình đi kèm với gói kích cầu thứ hai (với yếu tố và thời gian thích hợp) thì mới hoạch định được các chiến lược mang tính dài hơi hơn cho thị trường và người mua, thay vì chỉ chạy theo các giải pháp chờ hỗ trợ mang tính thời điểm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới