Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiềm chế lạm phát: Cần tập trung vào những nguyên nhân chính yếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiềm chế lạm phát: Cần tập trung vào những nguyên nhân chính yếu

Lê Văn Tứ

Các công trình đầu tư công kém hiệu quả là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát cao hiện nay. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Trong khi Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát được công luận hoan nghênh và các ngành các cấp đang tích cực triển khai, thì chỉ số giá tiêu dùng bốn tháng đầu năm liên tục tăng nhanh, đã lên tới 9,64%, vượt qua chỉ tiêu năm 2011 là 7%.

Đó là “trớn” tăng giá mấy tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011, cộng hưởng với tác động của đợt điều chỉnh với mức độ cao giá những mặt hàng quan trọng, diện tác động rất rộng như xăng dầu, điện, tỷ giá… một việc nằm trong dự kiến Nghị quyết 11 nhưng lại rơi vào thời điểm nhạy cảm.

Thêm nữa, cũng cần thấy rằng lạm phát là hậu quả mất cân đối tích lũy từ nhiều năm, Nghị quyết 11 lại mới bắt đầu triển khai, nhiều chủ trương còn đang được cụ thể hóa thành những chính sách, biện pháp cụ thể. Cho nên chưa thể xoay chuyển được tình thế.

Tuy nhiên vấn đề được nói đến nhiều là cách triển khai nghị quyết chưa tập trung vào những trọng điểm, mà còn phân tán, dàn trải, nên kết quả thì chưa rõ nhưng đã gây ra những ngộ nhận, do cách hiểu về nguyên nhân lạm phát quá rộng: nào là kinh tế thế giới khủng hoảng, giá thế giới tăng cao, nhập siêu lớn, rồi đến buông lỏng quản lý thị trường ngoại tệ và vàng, đến cả thiên tai, thời tiết, rồi đến những bức bách như tăng giá xăng dầu, điện… nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa… Nguyên nhân nội ngoại có đủ.

Muốn xác định những sự kiện trên đúng là nguyên nhân lạm phát, phải tìm ra mối liên hệ nhân quả giữa chúng với lạm phát. Trong trường hợp không tìm được mối liên hệ nhân quả này, mà đã quy nó thành nguyên nhân, e có phần khiên cưỡng. Thí dụ, giá thế giới và giá trong nước có nhất thiết cùng lên cùng xuống không? Trả lời: chưa chắc, bởi tuy cùng là giá, thậm chí giá cùng một mặt hàng, nhưng chúng lại không nằm trong cùng một bình thông nhau, giữa chúng luôn có những “hố ga điều chỉnh”: các chính sách quốc gia về giá cả, về sản xuất và xuất nhập khẩu, về ngoại hối, về an sinh xã hội… Giá ngoại đâu có trực tiếp chuyển thành giá nội.

Một số người thường giải thích nguyên nhân tăng giá (xăng dầu chẳng hạn) là do giá thế giới cao, giá trong nước thấp so với những nước xung quanh. Tình hình có thể đúng như thế, nhưng nếu chỉ có vậy mà phải tăng giá thì lại không đủ thuyết phục, vì không tính tới các chính sách quốc gia. Ai cũng biết, mỗi nước đều có xuất nhập khẩu. Cho nên khi nói về giá hàng nhập phải gắn với giá hàng xuất, bởi tổng giá hàng nhập và tổng giá hàng xuất của mỗi nước luôn bù trừ cho nhau.

Có thể nêu thêm một thí dụ khác để chứng minh nhiều sự kiện nêu trên không có mối liên hệ nhân quả với lạm phát. Liệt kê chúng thành nguyên nhân lạm phát là quá rộng. Và điều quan trọng là rộng nhưng vẫn không vạch rõ được nguyên nhân chính yếu để tập trung giải pháp xử lý vào đó. Cách liệt kê như vậy cũng không phân rõ được nguyên nhân chủ quan (những yếu kém trong quản lý) với nguyên nhân khách quan (những tình huống bất khả kháng). Có làm rõ được những nguyên nhân chủ quan, mới xác định được đúng giải pháp, một mặt thể hiện tinh thần tự phê bình, mặt khác thể hiện ý thức trách nhiệm và thực sự quyết tâm chống lạm phát đến cùng.

Nguyên nhân lạm phát đã ghi rõ trong giáo khoa thư kinh tế: thị trường mất cân đối cung – cầu, biểu hiện trực tiếp trong mất cân đối tiền – hàng, trong đó hàng (với một mức giá xác định) đại diện cho cung, còn tiền (giấy) đại diện cho cầu. Ở đây cầu không có nghĩa chỉ là sự cần thiết, mà còn phải có tiền để mua, nói đầy đủ là cầu có khả năng thanh toán, thể hiện trong tổng số tiền mà xã hội (gồm tổ chức và cá nhân) có để mua hàng. Khi tiền đã nhiều hơn hàng, có nghĩa là cung – cầu đã mất cân đối. Khi đó theo quy luật, tiền sẽ mất giá, hàng sẽ tăng giá. Giá hàng tăng không phải do giá trị hàng tăng, mà do giá trị tiền giảm, đó là lạm phát.

Giá cả sẽ tăng tới khi tổng giá cả hàng tính theo giá mới (đã tăng lên) cân bằng với tổng số tiền đang có trên thị trường. Khi đó một mặt bằng giá mới hình thành, một cân đối cung – cầu hay tiền – hàng mới xuất hiện. Quy luật tự khắc phục mất cân đối của thị trường đã phát huy tác dụng. Với Nghị quyết 11, Chính phủ đã hạ quyết tâm chủ động mở một chiến dịch mới kiềm chế lạm phát trên cơ sở vận dụng những quy luật thị trường và sử dụng quyền lực nhà nước, trong đó hai giải pháp chính yếu nhất là i) thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và ii) thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, mục tiêu là điều tiết tổng cầu, thu hồi tiền thừa trong lưu thông, thiết lập cân đối tiền – hàng mới. Kiềm chế lạm phát không phải là quay trở lại mặt bằng giá cũ, mà là hình thành một mặt bằng giá mới.

Bởi vậy trong nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu… một mặt nhằm khắc phục những bất hợp lý trong mặt bằng giá tồn tại nhiều năm nay, mặt khác cũng góp phần điều tiết tổng cầu, hình thành mặt bằng giá mới. Các loại giải pháp khác (thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền) cần coi là những giải pháp hỗ trợ nhằm che chắn tác dụng phụ có thể phát sinh trong quá trình triển khai nghị quyết.

Trong các nguyên nhân lạm phát, rất cần làm rõ và nhấn mạnh những nguyên nhân chủ quan. Như đã phân tích ở trên, một khi xảy ra mất cân đối cung cầu giữa tiền và hàng, tiền nhiều hơn hàng nên tiền mất giá. Nhận thức rõ nguyên nhân chủ quan như vậy có ý nghĩa đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát.

Mặc dù kiềm chế lạm phát đã là một nghị quyết của Chính phủ, song cần nhớ rằng lạm phát là một thực trạng kinh tế không đơn giản và không thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Nghị quyết 11 đã đề ra sáu loại giải pháp, trong đó các giải pháp kinh tế và hành chính kết hợp và hỗ trợ nhau.

Nhìn tổng thể, giải pháp kinh tế giữ vai trò chủ yếu. Song cần chú ý rằng trong khu vực nhà nước, đặc biệt trong thực hiện chủ trương giảm đầu tư công, giải pháp hành chính phải giữ vai trò quyết định. Kiềm chế lạm phát tuy cấp bách, nhưng nó dường như đã trở thành bệnh mãn tính, rất nặng lại nhạy cảm, cho nên cần tránh nôn nóng, vội áp dụng những giải pháp có thể gây sốc. Nghị quyết 11 cần được triển khai trong tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng theo một lộ trình được nghiên cứu chu đáo với liều lượng giải pháp được điều chỉnh dần trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới