Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiềm chế nhập siêu: nhiệm vụ bất khả thi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiềm chế nhập siêu: nhiệm vụ bất khả thi?

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) – Tổng kim ngạch nhập siêu trong ba năm gần đây đã lên tới 45 tỉ đô la Mỹ, tác động tiêu cực không chỉ đến cán cân thanh toán quốc tế mà cả những cân đối vĩ mô của nền kinh tế nước ta. Mục tiêu “trói con ngựa bất kham” này ở mức 20% trong năm nay là hết sức cần thiết.

Các nhà quản lý đã tiếp cận mục tiêu này từ hai hướng. Vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa hạn chế nhập khẩu. Bởi như dự kiến của Bộ Công Thương, mục tiêu tăng xuất khẩu trong năm nay sẽ không phải là 6% như chỉ tiêu đã được Quốc hội định hướng, mà là 7%, nên mức phấn đấu sẽ là 60,777 tỉ đô la Mỹ (kết quả thực hiện năm 2009 đã được điều chỉnh lên 56,801 tỉ đô la Mỹ). Với việc “chốt” tỷ lệ nhập siêu ở ngưỡng 20%, “hạn ngạch” nhập khẩu trong năm nay sẽ là 72,932 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch nhập siêu sẽ là 12,155 tỉ đô la Mỹ, tức là sẽ giảm 719 triệu đô la Mỹ so với năm 2009.

Tuy nhiên, số liệu ước thực hiện tháng 1-2010 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tuy mức nhập siêu tuyệt đối đã giảm mạnh so với bốn tháng cuối năm 2009, nhưng tỷ lệ nhập siêu vẫn còn quá cao so với mục tiêu đã đề ra, do xuất khẩu mặc dù đã tăng rất mạnh, nhưng nhập khẩu vẫn tăng mạnh hơn.

Cụ thể, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,9 tỉ đô la Mỹ, tuy tăng 28,1%, so với cùng kỳ 2009, nhưng nhập khẩu đã lên đến 6,2 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 86,6% nên nhập siêu vẫn ở mức 1,3 tỉ đô la Mỹ, và tỷ lệ nhập siêu vẫn lên tới 26,53% so với kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu kiềm chế ở ngưỡng 20% như đã nói trên.

Hẳn nhiên, xét về lý, đây mới chỉ là “bước khởi động”, có thể còn nhiều thời gian để điều chỉnh, nhưng trên thực tế, cũng có đủ căn cứ để cho rằng, có nhiều khả năng nhập khẩu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, còn xuất khẩu sẽ tăng chậm hơn nhiều. Như vậy việc không thực hiện được mục tiêu kiềm chế nhập siêu là có thể diễn ra.

Việc tăng cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu cùng bị “cộng hưởng” của hai yếu tố tăng về lượng và tăng về giá, nhưng các yếu tố này trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” lớn hơn nhiều so với trong “rổ hàng hóa xuất khẩu”.

Cụ thể, ước thực hiện xuất nhập khẩu các mặt hàng có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị (9 mặt hàng xuất khẩu, 11 mặt hàng nhập khẩu) tháng 1 vừa qua cho thấy, trong khi nhập khẩu tăng tổng cộng 95,82%, trong đó 41,1% là do giá tăng và 54,5% là do lượng tăng thì yếu tố giá tuy khiến xuất khẩu tăng tới 45,24%, nhưng thực tế xuất khẩu chỉ tăng tổng cộng 37,43% vì lượng giảm 7,81% do có một lượng lớn dầu thô được tập trung cho “đứa con đầu lòng” của ngành công nghiệp hóa dầu nước ta.

Chắc chắn, trong thời gian tới, tuy các sản phẩm hóa dầu “made in Vietnam” sẽ thay thế cho lượng hàng lâu nay vẫn phải nhập khẩu, nhưng rõ ràng là đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế nói chung sẽ vẫn tăng mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu.

Nhận định này dựa trên cơ sở xu thế biến động giá khác nhau rất xa của các nhóm hàng trên thị trường thế giới, cũng như tương quan cũng rất chênh lệch của chúng trong hai “rổ hàng hóa” nhập khẩu và xuất khẩu của nước ta.Về yếu tố giá cả thế giới, thực tế cho thấy, dù tăng hay giảm, bao giờ giá của nhóm hàng chế biến và chế tạo cũng biến động ít hơn so với giá của nhóm hàng nguyên liệu. Còn ở thời điểm hiện tại, theo dự báo của IMF, thay vì ước giảm 31% trong năm 2009, giá nguyên liệu thế giới năm nay sẽ tăng khoảng 16%, trong khi cặp số liệu này của nhóm hàng chế biến và chế tạo là -9,1% và +3,1%.

Trong điều kiện giá cả thế giới như vậy, cơ cấu của cả hai “rổ hàng hóa” xuất và nhập khẩu của nền kinh tế nước ta lại đều thuộc loại “nhạy cảm”. Sở dĩ như vậy là vì hai lẽ. Một là, bình quân trong ba năm gần đây, “rổ hàng hóa nhập khẩu” lớn hơn gần 22,5% so với “rổ hàng hóa xuất khẩu”. Hai là, trong khi tương quan đã như vậy, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu lại chiếm khoảng 65% trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta trong khi nhóm hàng thô và sơ chế trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” chỉ chiếm khoảng 46%. Do vậy, lượng hàng hóa của nước ta bị giá cả thế giới tác động rất mạnh trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” hiện lớn gấp 1,7 lần so với trong “rổ hàng hóa xuất khẩu”.

Do cơ cấu khác biệt quá lớn như vậy, trong điều kiện sốt lạnh giá cả thế giới như năm 2009, “rổ hàng hóa nhập khẩu” đã “co lại” nhiều hơn so với “rổ hàng hóa xuất khẩu” (13,68% so với 9,39%). Ngược lại, “rổ hàng hóa nhập khẩu” trong năm nay sẽ phải “nở ra” mạnh hơn so với rổ hàng hóa xuất khẩu.

Chính vì vậy, thay vì giảm trong điều kiện sốt lạnh như năm 2009, tỷ lệ nhập siêu sẽ tăng trong năm nay, khi giá cả thế giới sẽ nóng trở lại, giống như kịch bản đã quá quen thuộc trong những năm qua.

Nói cách khác, muốn hạn chế nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu, chúng ta không thể không tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng công cuộc này lại đòi hỏi không ít thời gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới