Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiểm soát dự án FDI để phát triển công nghiệp nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiểm soát dự án FDI để phát triển công nghiệp nội địa

Lan Nhi

(TBKTSG Online)- Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045. 

Kiểm soát dự án FDI để phát triển công nghiệp nội địa
Chính phủ ưu đãi rất nhiều các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghệp chế tạo và sản xuất ô tô. Nhưng đến nay, các chính sách thu hút FDI vào ngành này đều thất bại Ảnh: TL


Theo Chương trình hành động của Chính phủ, để tạo ra chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN,tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%…, chính phủ sẽ ban hành đồng bộ các chính sách để hỗ trợ công nghiệp trong nước phát triển.

Kèm theo đó, là yêu cầu Bộ KH-ĐT ban hành các chính sách ưu đãi theo nguyên tắc, mức độ và thời gian cho các dự án FDI (phụ thuộc vào mức độ tạo ra giá trị gia tăng trong nước và các chế tài kèm theo). Đi cùng với việc kiểm soát liều lượng và giá trị các dự án FDI là xây dựng các cơ chế, chính sách nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu, chính sách về tín dụng, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao…
Chương trình hành động về định hướng phát triển công nghiệp nội địa thống nhất với Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài dến 2030 (Nghị quyết 58/CP ban hành hồi tháng 5/2020). Các văn bản đều thống nhất việc xác định lại quan điểm về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng: không thu hút và ưu đãi đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời chuyển quan điểm: “thu hút đầu tư” sang “hợp tác đầu tư”.
Tại Nghị quyết 58, Chính phủ sẽ đề ra các quy định về việc không xem xét mở rộng đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng sẽ tạo ra những cơ chế cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút các dự án công nghệ cao, đặc biệt các dự án có thực hiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Các dự án FDI mới sẽ được đánh giá trên cơ sở: mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao. .. Các doanh nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách, thực hiện tốt các cam kết, nhất là liên kết với các doanh nghiệp trong nước sẽ được ưu tiên hơn.
Các cơ chế ưu đãi đầu tư sẽ gắn kèm theo điều kiện hậu kiểm. Nếu nhà đầu tư không đáp ứng cam kết, sẽ bị yêu cầu bồi hoàn.
Một điểm rất mới trong thu hút FDI là sẽ đánh giá việc thực hiện tuân thủ pháp luật cạnh tranh của Việt Nam liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ tại Việt Nam.
Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực FDI tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đầu tư trên nền tảng công nghệ, không/hoặc có hiện diện thương mại tại Việt Nam đã tiến hành một số cuộc mua bán, sát nhập(M&A) vi phạm các quy định về tập trung kinh tế nhưng luật pháp Việt Nam chưa xử lý được đến nơi. Còn trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo, quy mô và giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chi phối.
Box:
Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030: tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới