Kiếm tiền từ ứng dụng miễn phí
Minh Hà
(TBVTSG) – Làm thế nào để cạnh tranh với Facebook trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay? Nhiều nhà khởi nghiệp trong thế giới trực tuyến đã nghĩ đến việc phát triển các ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí, hay còn được gọi là ứng dụng OTT (Over The Top). Có thể nói, OTT đang trở thành một trào lưu mới trên thế giới, với mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, và thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Theo ghi nhận của Thời báo Vi tính Sài Gòn, ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều ứng dụng OTT được cung cấp miễn phí cho người sử dụng, phần lớn đến từ các nhà cung cấp nước ngoài như LINE, Viber, Kakao Talk, WhatsApp, WeChat… Các doanh nghiệp trong nước cũng phát triển một số ứng dụng OTT như Zalo, Wala, FPT Chat…
Cơn sốt ứng dụng OTT
Hồi đầu tháng 3 này, Công ty NHN Việt Nam vừa công bố thông tin LINE đã đạt cột mốc 1 triệu người sử dụng ở Việt Nam. Theo doanh nghiệp này, đây là tín hiệu đáng mừng vì LINE chỉ vừa gia nhập thị trường chưa đầy năm tháng.
LINE không phải là trường hợp duy nhất gặt hái thành công ở thị trường Việt Nam. Kakao Talk, hiện cũng đã chạm cột mốc 1 triệu người sử dụng hoặc Zalo của VNG cũng đã đạt 1 triệu thành viên vào đầu tháng 3 đang dẫn đầu bảng xếp hạng các ứng dụng cho điện thoại iPhone ở thị trường trong nước.
Khi nói về các ứng dụng OTT có lượng người sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến Viber. Trang web Techinasian.com đã đưa ra số liệu thống kê rằng ứng dụng này đang có khoảng 3,5 triệu thành viên ở thị trường hơn 80 triệu dân này.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, cho rằng nhờ vào sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng 3G ở Việt Nam, các ứng dụng OTT đang trở thành một phương thức liên lạc mới của người sử dụng thiết bị kỹ thuật số. “Đây là một xu hướng phát triển tất yếu, và Việt Nam mới chỉ ở điểm khởi đầu của cuộc cách mạng Internet di động”, ông Khải nói.
Câu hỏi đặt ra là các nhà phát triển ứng dụng OTT sẽ được lợi gì khi cung cấp miễn phí đến nhiều người sử dụng. Theo tìm hiểu của Thời báo Vi tính Sài Gòn, Kakao và LINE hiện cung cấp một loạt tiện ích cho người sử dụng như trò chơi, thiệp điện tử, các biểu tượng cảm xúc… và dựa vào đó kinh doanh các vật phẩm “ăn theo”. Viber hiện đang cung cấp dịch vụ gọi điện thoại quốc tế với cước phí rẻ nhằm cạnh tranh với Skype. WhatsApp cho biết người sử dụng sẽ được miễn phí trong năm đầu và đóng phí 0,99 đô la Mỹ/năm cho những năm tiếp theo. Còn Zalo, có nhiều khả năng ứng dụng này sẽ đi theo định hướng của VNG trước nay là xây dựng nền tảng và thu hút các nhà phát triển nội dung tham gia.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại về tính bền vững của các ứng dụng OTT khi chúng đang là nguyên nhân chính làm các mạng viễn thông sụt giảm doanh thu. Theo một chuyên gia, trên thực tế các nhà phát triển ứng dụng OTT là đối tác kinh doanh tiềm năng của các nhà mạng trong nước. Đại diện một số doanh nghiệp phát triển ứng dụng OTT cũng cho biết họ đang tính chuyện hợp tác với các mạng viễn thông lớn tại Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Ông Nguyễn Phong Lộc, Giám đốc về phát triển trò chơi và di động của NHN Việt Nam, cho rằng việc liên kết sẽ giúp hai bên cùng có lợi.
Mở rộng thị phần
Đằng sau câu chuyện tạo doanh thu để tồn tại, các nhà phát triển ứng dụng OTT còn có một mối lo ngại rất lớn đến từ sự cạnh tranh của người khổng lồ Facebook. Cụ thể, gần đây Facebook đã chính thức gia nhập vào sân chơi này.
Cuối tháng 1 vừa qua, Facebook đã tuyên bố trở thành một công ty di động. Sau thương vụ mua lại WhatsApp không thành, mạng xã hội này đã liên tục nâng cấp ứng dụng Facebook Messenger với chức năng đăng nhập bằng số điện thoại, gửi tin nhắn thoại và mới nhất là ứng dụng gọi điện thoại trực tiếp đang được thử nghiệm ở Mỹ và Canada.
Giới chuyên gia công nghệ cho rằng trước áp lực cạnh tranh kể trên từ Facebook, các nhà phát triển ứng dụng OTT chỉ có khoảng 6-9 tháng sắp tới để xác định thị phần. Về phần mình, các nhà phát triển đang mạnh tay tiếp thị các ứng dụng OTT trên các kênh truyền thông, kho ứng dụng.
Ông Khải của VNG dự kiến Việt Nam sẽ có khoảng 8 triệu thiết bị chạy các hệ điều hành iOS và Android vào cuối năm nay. Về phân khúc điện thoại phổ thông, hiện VNG là đối tác độc quyền của Nokia để tích hợp sẵn ứng dụng Zalo trên điện thoại Asha tại Việt Nam. Công ty cũng thiết kế để ứng dụng này có thể chạy tốt trên môi trường mạng 2G và 2,5G.
“Một lợi thế khác của Zalo là đội ngũ nhân sự trong nước có thể lắng nghe phản hồi của người sử dụng để cải thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian ngắn”, ông Khải nói.
Đối với các nhà phát triển đến từ nước ngoài, nhiệm vụ nặng nề là phải thu hút nhiều người sử dụng ở bất cứ phân khúc thị trường nào trong một thời gian ngắn. Hiện tại, hàng loạt nhà phát triển ứng dụng OTT đã công bố lượng thành viên của mình, một số còn tiết lộ một phần chiến lược sắp tới tại Việt Nam.
Theo thông tin từ NHN Việt Nam, cuối tháng 2 vừa qua, tại cuộc Triển lãm Công nghệ di động thế giới MWC, Nokia đã công bố dòng điện thoại Nokia Asha tích hợp ứng dụng nhắn tin miễn phí LINE Messenger. Dòng điện thoại này đã được nhập về Việt Nam trong tháng này.
Khá kín tiếng về các kế hoạch sắp tới, đại diện truyền thông của Kakao Talk trong nước cho biết, doanh nghiệp này đang là đối tác của công ty giải trí SM của Hàn Quốc. Do đó, những người hâm mộ K-Pop ở Việt Nam sẽ là khách hàng tiềm năng của Kakao trong kế hoạch phát triển thị phần trong thời gian tới.
Tương tự, trong thư điện tử (e-mail) trả lời phỏng vấn của Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Talmon Marco, Giám đốc điều hành của Cyprus (thuộc Viber), cho biết có nhiều khả năng công ty sẽ tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm nay. Ông cũng kỳ vọng rằng câu chuyện hợp tác giữa Viber và các mạng viễn thông trong nước sẽ diễn ra suôn sẻ.