Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiểm tra chuyên ngành trong nông nghiệp còn chồng chéo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiểm tra chuyên ngành trong nông nghiệp còn chồng chéo

Thuỳ Dung

Kiểm tra chuyên ngành trong nông nghiệp còn chồng chéo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: TD

(TBKSG Online) – Dù đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành cũng như thủ tục hành chính nhưng theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực này vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan trong bộ và chồng chéo với các bộ khác.

Ngày 25-10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ông và đoàn công tác đã đi khảo sát trực tiếp tại các cửa khẩu, từ đó cho thấy những bất cập liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể là tình trạng chồng chéo, một mặt hàng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, dẫn đến quá trình kiểm tra trùng lặp. Thậm chí, nhiều mặt hàng phải chịu các hình thức quản lý, kiểm tra khác nhau của nhiều đơn vị thuộc bộ. Như kén tằm, côn trùng vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm dịch thực vật. Một số sản phẩm khác cũng “chịu chung số phận” như động vật tươi sống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, sản phẩm thủy sản…

Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm cũng được Tổ công tác điểm tên là phải chịu kiểm tra chuyên ngành của hai hay nhiều bộ, ngành khác nhau như nhóm mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa; sữa chua, sữa bột, phô mai; thức ăn gia súc; nguyên liệu làm bánh kẹo có nguồn gốc động vật; men sống; cà phê, ca cao, ngũ cốc; máy kéo nông nghiệp…

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa hiện nay đang chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Theo đó, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì quản lý kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra.

Nói về những thành quả mà Bộ NN&PTNT đã đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, qua rà soát các luật, pháp lệnh và nghị định trong ngành nông nghiệp cho thấy có tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.

Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm phương thức kiểm tra trước và giảm hợp lý dung lượng lấy mẫu kiểm định, kiểm nghiệm, trước hết là đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, thuốc thú y nhập khẩu, giống thủy sản nhập khẩu. Các mặt hàng này được kiểm tra theo tần suất dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoặc thừa nhận kết quả kiểm tra của quốc gia đối tác theo thông lệ quốc tế. Hầu hết các mặt hàng được phép đưa về kho của doanh nghiệp để chờ kết quả kiểm tra, giảm chi phí lưu kho bãi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền. Bộ NN&PTNT đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỉ đồng; kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỉ đồng.

Đối với kiểm tra chuyên ngành, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, bên cạnh việc cắt giảm thời gian, thủ tục, chi phí, vẫn phải coi kiểm tra chuyên ngành với nhập khẩu nông sản hàng hoá như một công cụ điều tiết quan hệ thương mại quốc tế trong trường hợp cụ thể.

Đàm phán để xuất khẩu một loại thực phẩm vào quốc gia khác thường mất 3-7 năm và cũng phải đối xử với nông sản nước khác nhập khẩu cũng như vậy. Pháp luật vẫn phải quy định theo hướng giảm nhưng không bỏ hoàn toàn mà phải dùng nó trong những trường hợp cần thiết. “Việt Nam không thể và không bao giờ để thị trường trong nước là chợ nông sản của thế giới. Chúng ta phải bảo vệ nền sản xuất của chúng ta", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Mời đọc thêm:

Bộ LĐTB&XH có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới