Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiện CBPG gà Mỹ: Mất thời gian cũng phải kiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiện CBPG gà Mỹ: Mất thời gian cũng phải kiện

T.Thu – Ngọc Hùng

Kiện CBPG gà Mỹ: Mất thời gian cũng phải kiện
Đùi gà được bày bán tại siêu thị Việt Nam. Ảnh minh họa: TL TBKTSG.

(TBKTSG Online) – Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, hôm 29-7 cho TBKTSG Online biết rằng hiệp hội biết rõ kiện chống bán phá giá thịt gà Mỹ là một vụ kiện mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, hiệp hội sẽ vẫn theo vụ kiện này.

Ông Ngọc cho biết hiệp hội mới gởi đơn đề nghị lên Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên vẫn chưa biết phản ứng của hai bộ này như thế nào. Về nguồn kinh phí cho vụ kiện (nếu có), theo ông Ngọc, hiệp hội sẽ huy động sự đóng góp của các trang trại, công ty chăn nuôi trong và ngoài hội viên.

Vị này giải thích thêm, không phải tự dưng hiệp hội mới có công văn gởi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ mà nguyên nhân là do đề nghị của các trang trại, công ty chăn nuôi là hội viên của hiệp hội.

“Chúng tôi ở trong ban chấp hành hiệp hội và khi nhận được ý kiến của các hội viên về việc muốn Việt Nam điều tra bán phá giá gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ, chúng tôi sẽ tiến hành gởi công văn đến các cơ quan quản lý có liên quan để đưa ra ý kiến của mình”, ông Ngọc cho biết qua điện thoại.

Ông Ngọc cho biết, lý do để hiệp hội đồng ý với đề xuất của các hội viên là do hiện nay, trên thị trường, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ quá rẻ, tính ra, giá 1 kg thịt gà nhập khẩu có ghi dòng chữ “nhập khẩu từ Mỹ” rẻ hơn cả giá một kg thức ăn chăn nuôi hiện đang bán trên thị trường.

Theo hiệp hội này, điều bất hợp lý là giá nhập khẩu và bán đùi gà Mỹ nhập khẩu ở Việt Nam rẻ tới mức chỉ chưa tới 1 đô la Mỹ/kg (20.000 đồng/kg) thì không công ty hay người chăn nuôi trong nước nào có thể cạnh tranh nổi. Trong khi đó, giá bán đùi gà tại các siêu thị Mỹ rất cao ở mức 50.000-80.000 đồng/kg (2,5-4 đô la Mỹ/kg). Như vậy, cùng một chủng loại hàng hóa mà giá bán tại Mỹ lại cao gấp 2-4 lần giá bán tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng các hội viên của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ đã có 3.000 trang trại nuôi gà công nghiệp với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng. Tính cả nước số tiền mà nông dân vay ngân hàng để đầu tư trại gà lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Toàn bộ tiền đầu tư đều vay vốn ngân hàng trong điều kiện kinh doanh có lời. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh hoạt động nhập khẩu đùi gà, ngành chăn nuôi trong nước sẽ có nguy cơ phá sản hàng loạt, theo hiệp hội này.

Trong khi đó, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang làm việc với các bên liên quan, như hải quan, để tìm hiểu thông tin về vụ việc liên quan đến đề nghị của Hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ về điều tra chống bán phá giá gà nhập khẩu đông lạnh từ Mỹ.

Theo một người am hiểu về việc này tại Cục Quản lý Cạnh tranh, hiện cơ quan này đang tìm hiểu thông tin cho vụ việc. Theo người này, từ rất lâu rồi, doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cũng từng muốn kiện gà nhập khẩu, nhưng khi ấy thông tin chỉ sơ bộ, dừng lại ở mức nghe ngóng, nhưng hiện nay thông tin từ doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đã đầy đủ hơn.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành ba vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, gồm kính nổi, dầu thực vật, và thép không gỉ cán nguội. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới áp dụng thuế tự vệ cho mặt hàng dầu thực vật, và thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước tại châu Á.

Theo công ty luật Mayer Brown JSM, để tiến hành một vụ kiện chống bán phá giá, bên yêu cầu điều tra (tức nguyên đơn) phải chuẩn bị một số thông tin để chứng minh được sản phẩm bị kiện được bán với giá thấp hơn giá bán các sản phẩm tương tự tại nước thứ ba (hay thị trường nước xuất khẩu – PV), thấp hơn chi phí sản xuất.

Ngoài ra, bên yêu cầu điều tra phải có dữ liệu chứng minh được có thiệt hại kinh tế cho ngành sản xuất nội địa (dữ liệu của 3 năm trước cho thấy số lượng nhập khẩu vào Việt Nam tăng và giá giảm). Nguyên đơn phải chứng minh được thiệt hại kinh tế này là do giá bán phá giá gây ra, và phải loại bỏ được các nguyên nhân khác khiến ngành sản xuất trong nước gặp khó khăn, như suy thoái kinh tế, đổ vỡ thị trường, chất lượng của sản phẩm.

Được biết, trước đó, vào năm 2009, doanh nghiệp kính nổi tại Việt Nam cũng đã kiện tự vệ mặt hàng kính nổi nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á, nhưng vụ kiện này đã không thành công vì kết quả điều tra cho thấy doanh nghiệp thiệt hại chủ yếu do suy giảm kinh tế toàn cầu 2008-2009, và sự biến động của giá dầu F.O.

Bên cạnh đó, theo một tài liệu về chống bán phá giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh việc thu thập các dữ liệu cần thiết, bên đi kiện phải chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực cần thiết cho việc theo kiện (cả về tài chính và con người), bởi vì một vụ kiện thường kéo dài, với những đòi hỏi cao về bằng chứng, lập luận,…

Xem thêm

Doanh nghiệp chăn nuôi đề nghị hạn chế nhập khẩu thịt gà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới