Thứ Năm, 5/10/2023, 10:53
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kiện doanh nghiệp hạt điều- chuyện buồn cười(?!)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiện doanh nghiệp hạt điều- chuyện buồn cười(?!)

Xuất khẩu hạt điều đang khó khăn do các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại bất khả kháng ở trong nước lẫn khâu dự báo giá thế giới – Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Xung quanh câu chuyện hàng chục nhà xuất khẩu hạt điều bị đối tác nước ngoài dọa kiện vì cho rằng đã gây thiệt hại cho họ gần 10 triệu đô la Mỹ,  ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), đã dành cho TBKTSG Online cuộc trao đổi về việc này.

Thưa ông, chuyện các doanh nghiệp hạt điều thua lỗ, giao hàng chậm gây thiệt hại cho đối tác nước ngoài có phải là do công tác dự báo của các doanh nghiệp và Hiệp hội cây điều Việt Nam (Vinacas) quá yếu?

Vinacas và các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều rất cố gắng trong khâu dự báo, từ mua thông tin của nước ngoài, tham khảo giá hạt điều thế giới qua mạng, các thị trường giao dịch. Tuy nhiên, việc dự báo giá lên giá xuống thì có lúc đúng lúc sai, các nhà nhập khẩu cũng vậy chứ đâu riêng gì nhà xuất khẩu như chúng tôi.

Chẳng hạn năm 2005, dự báo của cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu đều sai nên mới có chuyện một vài tập đoàn kinh doanh hạt điều trên thế giới than lỗ cả tỉ đô la Mỹ. Cũng đâu có ai nghĩ rằng giá điều 2,1 đô la Mỹ/pound (0,45 kg) cho loại W320 vào đầu năm ngoái, còn nay là 3 đô la Mỹ.

Đó là chuyện dự báo giá thế giới. Còn giá cả ở trong nước, như năm nay thì nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, chẳng ai dự báo được cả. Không một doanh nghiệp nào ngờ rằng ngân hàng hạn chế cho vay vốn, giá điều thô từ 12.000 đồng vọt lên 18.000 đồng/ki lô gam, lãi suất vay ngân hàng thì tăng tới 80%, công lao động cũng tăng mạnh.  

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – trong cuộc họp với Vinacas bàn chuyện doanh nghiệp điều bị dọa kiện hôm 13-5 tại TPHCM – tỏ ý chưa hài lòng về việc đánh giá không đúng vai trò, ảnh hưởng của thông tin trong kinh doanh và việc dự báo kém của doanh nghiệp và Vinacas.

Những biến động bất thường này nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp không chỉ của ngành điều mà gạo hay cà phê cũng tương tự. Do vậy, một số chuyên gia nói chúng tôi yếu trong khâu dự báo là hoàn toàn không đúng.

Và những biến động đó đã tác động tới việc giao hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều?

Đúng là chúng tôi có khó khăn, vì có doanh nghiệp càng giao hàng thì càng thua lỗ nhưng không tới mức quá đáng như báo chí gần đây phản ánh. Những doanh nghiệp nằm trong danh sách mà công ty luật nước ngoài là Clyde&Co dọa kiện đa phần là các doanh nghiệp xuất khẩu điều có uy tín.  

Các doanh nghiệp này ký với khách hàng nước ngoài thường là hợp đồng có thời hạn giao hàng 3 đến 6 tháng sau. Giữa người bán và người mua có quan hệ làm ăn sâu sắc từ nhiều năm qua, thân thiện lắm mới ký theo phương thức như vậy. Bộ máy và kinh nghiệm của họ đủ sức dự báo mới tồn tại lâu dài và có uy tín, nhưng nay vấp phải một số tình huống bất khả kháng nên mới chậm giao hàng.

Khi các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam gặp khó khăn, hai bên ngồi lại với nhau bàn bạc để tháo gỡ sao cho thấu tình đạt lý chứ chẳng có nhà nhập khẩu hay nhà xuất khẩu nào muốn tranh tụng làm gì.

Cho tới giờ, theo tôi biết, chưa có hợp đồng nào tới mức hai bên thương lượng không thành công. Thương lượng ở đây là nhằm giãn thời gian giao hàng chứ không phải không giao hàng hay xù hợp đồng như một số người và một số tờ báo có nói. Chính các nhà nhập khẩu thấy nhà xuất khẩu khó khăn, nên khi đàm phán họ đã đề nghị chúng tôi giãn thời gian giao hàng.

Cả hai bên mua bán và nhà môi giới cùng ngồi lại với nhau và thương thảo, hợp tác với nhau. Trên thực tế, chúng tôi đã làm vậy trước tai nạn nghề nghiệp này. Và cả ba bên cùng nhau chấp nhận giảm một ít tỷ lệ lợi nhuận. Và hầu hết nhà nhập khẩu đều chia sẻ khó khăn chung của các nhà xuất khẩu bằng cách giảm lợi nhuận của mình xuống.

Đầu năm ngoái, giá điều thô 2,1 đô la Mỹ/pound, nay tăng lên 3 đô la Mỹ, tức lời gần 1 đô la Mỹ, chúng tôi chứng minh là họ lời nhiều, nếu không chia sẻ thì có khả năng một vài doanh nghiệp nào đó – nếu giao hàng đúng cho nhà nhập khẩu – có thể sẽ phá sản. Mà nhà cung cấp phá sản thì nhà nhập khẩu cũng chẳng sướng ích gì, có khi mất nguồn cung. Và họ cũng đồng ý, kinh doanh ở đâu cũng vậy thôi.

Thế còn chuyện công ty luật nước ngoài gửi công văn dọa kiện các doanh nghiệp hạt điều?

Ông Nguyễn Văn Chiểu

Đây mới là chuyện tức cười. Công ty tôi (ông Chiểu là Tổng giám đốc Công ty Lafooco, một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam – NV), cũng có trong danh sách bị dọa kiện mới là chuyện lạ. Bởi khách hàng với công ty tôi không có vấn đề gì, mọi chuyện đều đã giải quyết êm thắm; hai bên tay bắt mặt mừng như tôi đã nói vậy mà vẫn có tên trong danh sách bị dọa kiện.

Nhiều đơn vị trong số 38 doanh nghiệp bị họ dọa kiện cũng nói với tôi là tương tự; tức là đã giải quyết êm thắm. Vậy mà đùng một cái, thấy có tên trong danh sách bị dọa kiện.  

Công ty Luật Clyde&Co là đơn vị đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, dọa kiện các doanh nghiệp điều Việt Nam đã làm cho Centa (Hiệp hội hạt ăn được châu Âu) mà Clyde&Co được ủy quyền, thiệt hại gần 10 triệu đô la Mỹ. Nhưng điều tức cười là Clyde&Co chỉ mất có 5-10 phút viết một văn bản gửi cho Thủ tướng thì các bộ ngành và các doanh nghiệp chúng ta lại mất mấy cuộc họp bàn thảo giải quyết vấn đề.  

Ý ông là Clyde&Co sai khi dọa kiện các doanh nghiệp điều Việt Nam?  

Trước hết, Clyde&Co không trưng ra được bằng chứng là được Centa ủy quyền để làm việc này, đơn giản là công ty luật này chỉ gửi một văn bản dọa kiện. Thứ hai, giả định Centa có ủy quyền đi chăng nữa thì việc mua bán hay tranh tụng là giữa hai bên mua và bán; Centa là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi đâu có mua bán gì với họ.

Tức cười nhất là Lafooco của chúng tôi là một hội viên của Centa nhưng tôi chưa từng nhận văn bản nào của Centa thông báo là Centa sẽ kiện hay ủy quyền kiện các doanh nghiệp điều Việt Nam.

Có thể một doanh nghiệp nào đó là hội viên của Centa đã nhờ công ty luật dọa kiện theo kiểu “rung cây nhát khỉ”. Ở các nước, việc doanh nghiệp nhờ công ty luật gửi văn bản khuyến cáo đối tác là chuyện bình thường, thậm chí thấy cần thì kéo nhau ra tòa là chuyện cơm bữa.

Tôi nghĩ, chuyện làm ăn trong thời hội nhập này phải để cho doanh nghiệp hoạt động theo luật và theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn hợp đồng đổ vỡ, hai bên mua và bán có thể ra trọng tài quốc tế hay ra tòa án tùy theo quy định trong hợp đồng, chứ đâu tới mức các cơ quan quản lý nhà nước “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp.

Nhưng nhiều người sợ ảnh hưởng tới uy tín chung của ngành xuất khẩu điều và nông sản Việt Nam?

Có ảnh hưởng tới uy tín ngành điều hay không thì bản thân thị trường điều thế giới đã biết, Việt Nam trong hơn chục năm qua đã buôn bán điều như thế nào. Từ một quốc gia chẳng ai biết trên thị trường điều thế giới, giờ chúng ta xuất khẩu hàng đầu thế giới; từ vài chục đơn vị xuất khẩu điều, nay có 217 doanh nghiệp và trong cả chục năm qua, chỉ có 3 doanh nghiệp bị phá sản.

Đâu phải vì một lá thư dọa nạt của một công ty luật (lại không biết họ đại diện cho ai) mà chúng ta mất uy tín. Hơn nữa, làm ăn trên thế giới ngày nay, chuyện dọa kiện hay tranh chấp kiện tụng là chuyện bình thường.

Quan điểm của Vinacas rất rõ ràng là yêu cầu các doanh nghiệp hội viên tôn trọng hợp đồng, chủ động đàm phán đối tác giải quyết các tranh chấp, nếu có.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới