Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiên Giang, Cà Mau ‘đồng loạt’ muốn Chính phủ làm giai đoạn 2 dự án Cái Lớn- Cái Bé

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiên Giang, Cà Mau ‘đồng loạt’ muốn Chính phủ làm giai đoạn 2 dự án Cái Lớn- Cái Bé

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tỉnh Kiên Giang và Cà Mau 'đồng loạt' kiến nghị Chính phủ sớm cho triển khai giai đoạn 2 dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé trong bối cảnh xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt.

Cần 2.500 tỉ đồng đầu tư dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2

Kiên Giang, Cà Mau ‘đồng loạt’ muốn Chính phủ làm giai đoạn 2 dự án Cái Lớn- Cái Bé
Kiên Giang, Cà Mau muốn làm giai đoạn 2 dự án Cái Lớn- Cái Bé. Trong ảnh là dự án Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1 được khởi công mới đây. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào chiều nay, 8-3, ở tỉnh Bến Tre, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ sớm cho triển khai giai đoạn 2 dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé.

Theo ông Hồng, việc đầu tư giai đoạn 2 của dự án nêu trên nhằm giải quyết tình trạng xâm nhập mặn cho vùng Bán đảo Cà Mau. “Vùng Bán đảo Cà Mau thiếu nước ngọt, tôi muốn thực hiện giai đoạn 2 dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé để chuyển nước về cho vùng này”, ông cho biết và nói rằng Kiên Giang kiến nghị việc này để Chính phủ bố trí nguồn vốn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.

Trong khi đó, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, có dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé (giai đoạn 1), thì Kiên Giang cảm thấy an tâm. “Nhưng, báo cáo hội nghị, cá nhân tôi thấy Kiên Giang chưa thể yên tâm được”, ông nói và giải thích: nếu như ở Cà Mau, chạy dọc theo trục kênh Chắc Băng chưa có hệ thống thủy lợi khép kín, thì nước mặn từ phía Cà Mau vẫn có thể xâm lên các huyện của tỉnh Kiên Giang, tức ranh mặn, ngọt sẽ tiếp tục dịch chuyển.

Theo ông Sử, ranh mặn, ngọt hiện đã dịch chuyển từ sông Quản Lộ- Phụng Hiệp về kênh Chắc Băng và tương lai sẽ còn tiếp tục dịch chuyển lên phía Bắc (về hướng tỉnh Kiên Giang). “Như vậy, nếu công trình phân ranh mặn, ngọt chậm thực hiện, thì có thể phá vỡ quy hoạch này (dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1- PV)”, ông cho biết và kiến nghị Chính phủ sớm cho triển khai giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé.

Trước đó, vào ngày 3-1-2020, thông tin được thể hiện trong báo cáo về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2 cần đến 2.500 tỉ đồng để đầu tư.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2 nhằm mục tiêu cùng với các công trình cống Cái Lớn- Cái Bé (cống Cái Lớn- Cái Bé thuộc dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, giai đoạn 1 đang được thi công- PV), âu thuyền Ninh Quới và các công trình khác trong khu vực để kiểm soát mặn, lợ, ngọt cho các vùng sản xuất thuộc 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Về quy mô, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ xây dựng một số cống ven biển Tây nhằm khép kín vùng An Minh- An Biên; các cống dọc kênh Chắc Băng để phân ranh mặn, ngọt cho phía bắc tỉnh Cà Mau và tây tỉnh Bạc Liêu; nạo vét hệ thống các kênh trục để tiếp nước từ sông Hậu trên địa bàn Thành phố Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang.

Cụ thể, sẽ nạo vét các kênh, gồm KH 6 (rộng 35 mét, dài 55 km); KH 7 (rộng 12 mét, dài 25 km); KH 8 (rộng 12 mét, dài 25 km); KH 9 (rộng 12 mét, dài 25 km); kênh Giữa (rộng 12 mét, dài 8 km); kênh Thốt Nốt (rộng 50 mét, dài 47 km) và kênh Ô Môn (rộng 40 mét, dài 45 km).

Trước đó, vào ngày 9-11 năm ngoái, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công xây dựng.

Thông tin từ Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10- chủ đầu tư dự án- thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) là trên 3.309 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là trên 2.144 tỉ đồng; chi phí thiết bị là trên 223,5 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133,7 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án trên 20 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 165,5 tỉ đồng; chi phí dự phòng trên 399 tỉ đồng và chi phí khác là trên 221,7 tỉ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (giai đoạn 2017- 2020) là 3.300 tỉ đồng; vốn ngân sách nhà nước tập trung (giai đoạn 2010-2016) là 9,5 tỉ đồng. Thời gian thục hiện dự án là phải hoàn thành trước ngày 31-12-2021.

Về quy mô đầu tư dự án, trong giai đoạn 1, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng cống Cái Lớn với cấp độ công trình là cấp I; cống Cái Bé (cấp II) và xây dựng đê nối nối hai cống với quốc lộ 61 (cấp III). Ngoài ra, ở giai đoạn này còn thực hiện hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 địa phương này làm chủ đầu tư.

Liên quan đến dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, trước khi chính thức triển khai xây dựng giai đoạn 1, đã có rất nhiều nhà khoa học có uy tín ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung lên tiếng phản đối thực hiện do lo ngại nguy cơ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của vùng dự án nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Chính phủ hỗ trợ 350 tỉ đồng chống hạn, mặn

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ cho 5 địa phương công bố trình huống khẩn cấp về hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau mỗi địa phương 70 tỉ đồng, tức tương đương 350 tỉ đồng.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo mục đích của việc hỗ trợ nhằm bơm nước, nạo vét kênh rạch, xây đập ngăn mặn trữ ngọt, đào ao, kéo dài đường ống, hỗ trợ thiết bị lọc, trữ nước. “Đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho người dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Tài Chính rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ, có đề xuất cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định để các địa phương triển khai. “Các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ đúng người, đúng việc không để thất thoát ngân sách, tiêu cực xảy ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung nghị định về quy định chi tiết giá sản phẩm phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi để đề xuất bổ sung theo đúng quy định pháp luật

“Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu cấp nước sinh hoạt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa phương ven biển, không để để xảy ra trình trạng bị động, thiếu nước sinh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới