Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiện hay không kiện Mỹ ra WTO?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiện hay không kiện Mỹ ra WTO?

Hồ Hùng

Con tôm Việt Nam đang gặp phải những rào cản vô lý ở thị trường Mỹ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

(TBKTSG) – Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cho rằng việc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Chính phủ kiện Mỹ ra WTO về việc vi phạm các quy định trong Hiệp định chống bán phá giá (ADA), là điều nên làm.

Rào cản vô lý“

VASEP đã gửi tờ trình về vấn đề này lên Chính phủ từ rất lâu. Đây là vấn đề phức tạp! Cách tính khi điều tra rà soát thuế chống phá giá đối với tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang áp dụng là bất hợp lý, không cho phép bù trừ trong tính toán biên độ phá giá”, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho biết.

Ông Hải dẫn chứng, giả như lấy “mốc” là năm đô la Mỹ, thì khi một sản phẩm được bán sang Mỹ với giá bốn đô la Mỹ sẽ bị tính là phá giá một đô la Mỹ, nhưng nếu bán một sản phẩm khác với giá sáu đô la Mỹ lại bị bỏ qua.

“Đáng lẽ phải bù trừ, bởi một sản phẩm giá bốn đô la Mỹ với một sản phẩm giá sáu đô la Mỹ thì bù trừ chỉ còn là năm đô la Mỹ, không bị áp thuế. Và giả như trong mười nhóm hàng, chỉ có hai nhóm bán rẻ, còn tám nhóm còn lại bán giá cao, biên độ tốt thì sao lại không bù trừ?”, ông ví dụ.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), cũng cho biết vừa rồi ông cũng đã đề nghị nên kiện Mỹ ra WTO. Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), Việt Nam không nên nhún nhường: “Chúng ta chấp nhận luật của Mỹ, nhưng họ áp như vậy là không được. Phương pháp zeroing nhưng “đầu này” sử dụng thế này, “đầu kia” lại sử dụng khác?”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, thư ký, thành viên Hội đồng tư vấn và chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (TRC), đó là lý do mà hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu thuế rà soát lần 2 (POR 2) từ 4,13-25,75% khi đưa hàng vào thị trường Mỹ. Tùy từng doanh nghiệp mà Mỹ áp mức thuế khác nhau, như Cafatex là 4,26%, Minh Phú là hơn 1,6%, doanh nghiệp khác hơn 20%…

Do đó, theo ông Hải, rất khó xác định cụ thể tổng tiền thuế hàng năm mà doanh nghiệp Việt Nam phải nộp để xuất hàng sang thị trường Mỹ. Nhưng ông tính toán, như năm 2008, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 400 triệu đô la Mỹ. Nếu chỉ lấy mốc thuế chống bán phá giá là 3%, thì các doanh nghiệp đã phải đóng đến 12 triệu đô la Mỹ tiền thuế/năm. Chỉ trong quí 1- 2009, Minh Phú đã phải tạm trích đến 115,1 tỉ đồng tiền thuế chống bán phá giá cho Hải quan Mỹ.

Nếu tiến hành vụ kiện, có khả năng phần thắng sẽ về phía Việt Nam nhiều hơn. WTO cũng từng cho rằng cách tính mà Mỹ áp dụng là bất hợp lý. Nếu cho bù trừ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất dễ trong xuất khẩu tôm vào Mỹ và họ sẵn sàng chứng minh về giá bán bằng chứng từ.

Trước đây, Thái Lan và Ấn Độ đã thành công khi kiện Mỹ ra WTO. Về phía Việt Nam, nếu thắng trong vụ kiện này, mức thuế POR 2 sẽ được hạ xuống còn 0% đối với các doanh nghiệp thuộc diện bị đơn tự nguyện.

Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá hào hứng với vụ kiện, bởi nếu thành công, tôm Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá khi “nhẹ gánh” tiền thuế.

Trong năm tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam liên tục tăng trưởng âm, chỉ đạt 438 triệu đô la Mỹ, giảm 7,69% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ…

Chuyện cần làm

Liệu vụ kiện có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại thương giữa hai quốc gia? “Đây cũng là điều mà trước đây, một số quan chức đã cân nhắc”, ông Hải cho biết. Tuy nhiên theo ông, kiện là bình thường trong thông lệ làm ăn thời nay và không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại thương. Thực ra đây là rào cản từ phía Hiệp hội Tôm của Mỹ, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất, chế biến của họ.

Thông tin mà ông Hải vừa nhận được là Bộ Công Thương đã xin ý kiến Chính phủ chấp nhận yêu cầu của VASEP và VCCI. “Nếu tiến hành vụ kiện, có khả năng phần thắng sẽ về phía Việt Nam nhiều hơn. WTO cũng từng cho rằng cách tính mà Mỹ áp dụng là bất hợp lý.

Nếu cho bù trừ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất dễ trong xuất khẩu tôm vào Mỹ và họ sẵn sàng chứng minh về giá bán bằng chứng từ”, ông Hải nhận định. Và nếu Mỹ bỏ cách tính này, theo ông Hải, tất cả những vụ kiện liên quan đến bán phá giá cũng được áp dụng, chứ không riêng cho con tôm.Tuy nhiên, ông Kịch lại cho rằng, do chuyện xảy ra trước khi Việt Nam vào WTO nên khó thành công như vụ kiện của Thái Lan, Ấn Độ…

“Nhưng tới đâu, phải làm tới đó để tạo tiếng vang!”, ông cho biết. Đặt trường hợp giả như thua kiện, phía Mỹ sẽ trả đũa bằng các rào cản khác đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam? “Luật pháp là luật pháp, không thể “đè” nhau. “Nhỏ” thì đi theo kiểu khác, nhưng phải có tiếng nói. Nếu không kiện thì mình “chết”. WTO bảo vệ các quốc gia về mặt kinh tế, tức bảo vệ từng doanh nghiệp, từng ngành hàng. Khi vào WTO, Việt Nam đã cam kết thực hiện, cho hàng hóa nhiều nước vào, tại sao lại đối xử với hàng của mình như vậy?”, ông Kịch khẳng định.

Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp cho rằng đây là chuyện không dễ, bởi chưa có tiền lệ và liệu Chính phủ có xuất ngân sách để theo đuổi vụ kiện. “Nhưng chẳng lẽ có vài chục ngàn đô la Mỹ mà Chính phủ không tham gia bảo vệ doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Để vực dậy kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, việc đeo đuổi vụ kiện này là cần thiết nhưng là chuyện lâu dài. Còn trước mắt, theo ông Hải, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật khi mới đây Hiệp định đối tác kinh tế giữa hai nước được thông qua và hàng Việt Nam xuất vào Nhật phần lớn không phải chịu thuế.

“Trước đây, thủy sản Việt Nam xuất vào Nhật phải chịu thuế giá trị gia tăng từ 1-4%. Nay không bị tính thuế, dĩ nhiên đó là thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam”, ông nói. Tuy nhiên, tác động tích cực có thể không đến ngay, bởi lộ trình giảm thuế sẽ kéo dài trong nhiều năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới