Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị kéo dài chính sách hỗ trợ du lịch đến hết năm 2023

Vân Ly - Đ.Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép kéo dài các chính sách ưu đãi về thuế, phí… cho doanh nghiệp trong ngành du lịch hết năm 2023 để hỗ trợ du lịch phục hồi sau tác động nặng nề của Covid-19.

Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực, trong đó nên miễn thị thực cho công dân từ các nước ở khu vực EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ.

Du khách quốc tế tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Những đề xuất, kiến nghị trên có trong báo cáo được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với Ủy ban này diễn ra chiều 10-8.

Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, đến hết ngày 31-1-2022 các địa phương đã hỗ trợ 18.243 hướng dẫn viên trong tổng số 19.567 hồ sơ đề nghị.

Từ tháng 11-2021 đến tháng 6-2022 có 770 trong 2.448 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã được hưởng chính sách giảm tiền ký quỹ và hàng trăm doanh nghiệp được giảm 50% phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành…

Bộ đánh giá, doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp du lịch vừa mới quay trở lại thị trường nhưng nhiều chính sách đã kết thúc từ tháng 6-2022 nên không được hưởng lợi từ các hỗ trợ của Chính phủ.

Vì vậy, cơ quan này kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép kéo dài chính sách đã có đến hết năm 2023. Trong đó, có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng với dịch vụ thuộc lĩnh vực du lịch, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân năm 2022 và 2023 đối với lĩnh vực vận tải, lưu trú, ăn uống và dịch vụ hỗ trợ liên quan.

Ngoài ra, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị tiếp tục giảm giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất đến hết năm 2022 và ngang bằng giá điện sản xuất từ năm 2023 trở đi; lùi thời điểm đóng phí công đoàn 6 tháng với các doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH giảm từ 15% trở lên, kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2023.

Về phía các địa phương, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất xem xét chính sách miễn phí tham quan tại điểm du lịch đến hết năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm giá tour, kích cầu du lịch.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực với các nước EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ và cấp thị thực điện tử.

Thêm vào đó là mở rộng kết nối hàng không, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng.

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật PPP theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới