Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị Quốc hội mở rộng chế định thừa phát lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiến nghị Quốc hội mở rộng chế định thừa phát lại

Quang Chung

Kiến nghị Quốc hội mở rộng chế định thừa phát lại
Nguồn: website Bộ Tư pháp

(TBKTSG Online) – Bộ Tư pháp vừa đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết cho phép thực hiện chính thức chế định thừa phát lại và ban hành Luật Thừa phát lại.

Hôm nay, 25-8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết về việc thực hiện tiếp tục thí điểm Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012 của Quốc hội.

Báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy, tính đến ngày 31-7-2015, cả nước đã có 53 văn phòng thừa phát lại. Các văn phòng thừa phát lại đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 vụ việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 120 tỉ đồng.

Đánh giá về chế định mới mẻ này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành khẳng định: việc thí điểm thừa phát lại đã góp phần hỗ trợ hoạt động tư pháp đúng pháp luật, đúng chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang đề xuất: để tạo sự đột phá trong cải cách tư pháp, đưa chế định thừa phát lại vào cuộc sống, phải xây dựng ngay cơ chế cho phép các cơ quan thi hành án dân sự được chuyển đổi thành các văn phòng thừa phát lại; cũng như có cơ chế khuyến khích các chấp hành viên chuyển sang hành nghề thừa phát lại.

TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cũng đề nghị chuyển dần lực lượng thi hành án sang làm thừa phát lại để giảm tải biên chế cho nhà nước. Theo ông chỉ nên giữ một phần cán bộ thi hành án dân sự ở trung ương và cấp tỉnh để làm công tác quản lý.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Bình Dương, cho biết kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với quá trình thực hiện thí điểm thừa phát lại trên địa bàn tỉnh cho thấy chế định này phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, được người dân đón nhận tích cực.

Trước đó, tổng kết 9 năm thí điểm chế định thừa phát lại của chính quyền TPHCM cũng khẳng định mô hình này đã góp phần giảm tải công việc cho ngành tòa án và cơ quan thi hành án dân sự… Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án Tòa án TPHCM, nói: “Thừa phát lại đã tạo điều kiện cho tòa án và cơ quan thi hành án tiết kiệm đựợc nhiều thời gian và nhân lực để tập trung vào công tác chuyên môn chính của mình là thi hành án và xét xử.”

Theo Sở Tư pháp TPHCM, thừa phát lại đã tác động tích cực đến nhận thức của xã hội; đã xuất hiện thêm nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp và thậm chí từ các cơ quan hành chính trong việc tống đạt các văn bản, thông báo mang tính chất dân sự (thông báo đòi tiền, thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng…); hoặc mang tính chất hành chính (thông báo của cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa…)

Tại  hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận không chỉ TPCHM thí điểm thành công chế định thừa phát lại, mà cả Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng vậy.

Do có sự đồng thuận cao về sự cần thiết của việc tiếp tục mở rộng và tăng cường vai trò của thừa phát lại nên, tại hội nghị, bộ trưởng yêu các đơn vị chức năng sớm chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo dự thảo trình Chính phủ, kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện chế định thừa phát lại và khẩn trương xây dựng Luật Thừa phát lại.

Đọc thêm:

TPHCM muốn chính thức thực hiện chế định thừa phát lại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới