Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị sớm mở lại việc cấp visa cho khách du lịch quốc tế

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc cần sớm mở lại việc cấp visa cho khách du lịch quốc tế nếu muốn mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong 3 tháng tới, vì hiện nay còn quá nhiều vướng mắc.

Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục HKVN, nói tại hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức ngày 24-1, lộ trình mở cửa cho du lịch quốc tế mà Bộ VHTT&DL cũng như nhiều bộ mong muốn hiện còn một số vướng mắc, dù vận tải hàng không quốc tế với các quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã phục hồi dần.

Những vướng mắc đó là (1) hạn chế về người nước ngoài được xem xét cấp visa (chưa có khách đi du lịch thông thường); (2) nhiều thị trường du lịch truyền thống của người Việt Nam đang hạn chế người nhập cảnh từ Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc); yêu cầu cách ly dù đã tiêm đủ liều (Singapore, Thái Lan), hạn chế tối đa người nhập cảnh (Trung Quốc)… nên gây khó khăn cho công dân Việt Nam có nhu cầu đi du lịch (khách outbound).

Cần mở lại thị trường du lịch quốc tế sớm để phục hồi dần kinh tế – Ảnh: Bamboo Airways

Mặt khác, công dân Việt Nam (doanh nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài, người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, người hết hạn visa) về nước không thông qua các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ như khách đi từ Dubai (UAE), Doha (Qatar), Kuala Lumpur (Malaysia)… hoặc các chuyến bay thuê chuyến, chuyến bay tư nhân… vẫn cần có ý kiến tổ công tác 5 bộ (theo hướng dẫn tại công văn số 3440/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27-4-2021).

Cục HKVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với các đối tác, trước mắt là các quốc gia Đông Nam Á để có quy chế công nhận “hộ chiếu vaccine”, đảm bảo công dân Việt Nam đáp ứng điều kiện về kiểm soát dịch bệnh khi đi du lịch sẽ không phải cách ly. Đồng thời đề nghị các quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về nhập cảnh đối với công dân Việt Nam khi về nước, không giới hạn loại hình (hàng không, hàng hải, đường sắt…), hình thức vận chuyển (thường lệ, không thường lệ).

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý hàng không đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải, Cục HKVN chủ động đánh giá, tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các đối tác để kết nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19 với tần suất được tăng dần theo lộ trình ngay trong tháng 2-2022.

Đến thời điểm này, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã tổ chức các chuyến bay chở khách thường lệ kết nối Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ (từ đầu tháng 1-2022), Úc (từ 13-1-2022), Đức, Pháp, Nga và Anh (từ 24-1-2022). Cho đến nay, nhiều thị trường đã được các hãng hàng không hai bên triển khai tối đa lượng tải cung ứng đã thống nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Singapore.

Cục HKVN vẫn đang tiếp tục đánh giá tình hình khai thác, khả năng tiếp nhận của các địa phương khi đón người nhập cảnh từ các thị trường quốc tế theo hướng tăng tần suất tại các thị trường hiện tại và bổ sung các thị trường trọng điểm mới tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông, Nam Á… trong điều kiện tình hình mới, hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Cục đồng tình với lộ trình mở cửa lại du lịch quốc tế từ 30-4-2022 như đề xuất của Bộ VHTT&DL: mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Tuy nhiên, đề nghị triển khai sớm hơn vì trong tháng 5-2022 còn có sự kiện SEA Games 31 sẽ tổ chức tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới