Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.800 tỉ đồng với các dự án BT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.800 tỉ đồng với các dự án BT

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra các sai sót trong việc công bố danh mục đầu tư, lập và phê duyệt tổng mức đầu tư trong các dự án BT. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kiến nghị xử lý tài chính hàng ngàn tỉ đồng ở nhiều dự án.

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.800 tỉ đồng với các dự án BT
Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) nhìn từ trên cao. Ảnh minh hoạ: dantri.com.vn

Dự án BT hơn 6.000 tỉ đồng ở Hà Nội bị dừng không rõ lý do

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót trong việc công bố danh mục đầu tư, lập và phê duyệt tổng mức đầu tư của 10 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trong một báo cáo gửi Quốc hội.

Với dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 – đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, cơ quan kiểm toán cho biết chủ đầu tư chưa công bố danh mục đầu tư dự án, lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác. Ngoài ra, dự án này ủy quyền ký hợp đồng BT với dự án đầu tư thuộc nhóm A không phù hợp quy định.

Việc ký hợp đồng bảo hiểm của dự án – gồm phần loại trừ trách nhiệm bảo hiểm với một số trường hợp – là không đúng quy định, theo Kiểm toán Nhà nước. Đáng chú ý, tỷ lệ xử lý của dự án này lên tới 20,8% tính trên giá trị được kiểm toán, tương ứng 255,73 tỉ đồng.

Với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM), việc lập và phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4 – PV) và hoàn thiện trục Bắc – Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ – PV) chưa chính xác, theo Kiểm toán nhà nước.

Còn tại dự án ĐTXD 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cơ quan kiểm toán cho biết việc không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng khiến tổng mức đầu tư tăng 350,9 tỉ đồng.

Với dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án đã không xây dựng lịch trình thực hiện dự án, theo cơ quan kiểm toán. Ngoài ra, các đơn vị này không xây dựng và thống nhất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch, tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ của dự án BT.

Bên cạnh đó, vốn góp của nhà đầu tư chỉ ở mức 165 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 27,13%. Con số này – theo Kiểm toán Nhà nước – là không đủ theo hợp đồng BT.

Tương tự, doanh nghiệp thực hiện dự án cũng chưa có kế hoạch và phương án thu xếp vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Hiện đơn vị này mới bố trí 2.429 tỉ đồng trên tổng số 6.076 tỉ đồng vốn cần có, thiếu 3.647 tỉ đồng.

Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép dừng không thi công 21,5km đường còn lại của dự án, với giá trị tương đương 2.448 tỉ đồng, nhưng không nêu lý do, thời gian và phương án xử lý. Thêm vào đó, cơ quan này còn đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư thi công phần mở rộng của dự án đoạn Km0-Km6+600, dù chưa phê duyệt thiết kế cơ sở và ký phụ lục hợp đồng bổ sung.

Kết quả, cơ quan kiểm toán đã tiến hành xử lý với tỷ lệ trên 49% giá trị được kiểm toán, tương ứng 842,8 tỉ đồng.
Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kiểm toán Nhà nước kết luận các đơn vị này đã không xây dựng chi tiết kế hoạch giám sát dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), thiếu sự kiểm tra giám sát việc bỏ vốn và huy động vốn của Nhà đầu tư, ký phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp thẩm quyền.

Với dự án thành phần ĐTXD đoạn Cam Lộ – La Sơn và dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 – xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, cơ quan kiểm toán cho biết phương án tài chính của hai dự án điều chỉnh được phê duyệt có một số chi phí là tạm tính, một số chi phí chưa được cập nhật chính xác.

Với hai dự án thuộc thành phố Hải Dương là dự án đường vành đai phía Nam – đoạn từ cầu Tam Giang đến phía Bắc cầu Hải Tân và dự án Khu Thương mại – du lịch – văn hoá và đô thị mới phía Tây thành phố, thời gian thực hiện thẩm tra quyết toán bị kéo dài, đồng thời chưa quyết toán đo đạc xác định diện tích đất thực tế giao cho nhà đầu tư, theo Kiểm toán Nhà nước.

Kết quả, kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 1.801,86 tỉ đồng, gồm: thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 0,38 tỉ đồng, giảm thanh toán 0,52 tỉ đồng, xử lý khác 1.800,96 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra vấn đề tại các dự án ở Sơn La

Về hoạt động kiểm toán chuyên đề việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai, công tác quản lý thực hiện đầu tư các dự án khu đô thị giai đoạn 2015-2019; các dự án BT, BOT tại tỉnh Sơn La, Kiểm toán Nhà nước cho biết UBND tỉnh Sơn La chưa có quyết định thu hồi đất hoặc cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất với 43 dự án tại 8 huyện thành phố được công bố phải thu hồi đất để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Cơ quan này cũng không lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu dự án thuê đất vào mục đích thương mại dịch vụ đối với các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao trong ba năm: 2015, 2016, 2017. Năm 2018 và 20219 lần lượt có 1 và 2 dự án không được lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu thuê đất.

Ngoài ra, việc phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá với 2 thửa đất tại Dự án khu dân cư ngã tư Quyết Thắng, bản Buồn, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La thấp hơn giá bảng giá đất của UBND tỉnh, theo Kiểm toán Nhà nước.

Về việc miễn, giảm tiền thuê đất, cơ quan kiểm toán cho biết chính sách miễn tiền thuê đất với lòng hồ thủy điện được UBND tỉnh Sơn La thực hiện khi cơ sở pháp lý không rõ ràng. Tương tự, dự án Sản xuất nông nghiệp, vườn ươm giống cây trồng nông nghiệp của Công ty cổ phần giống cây trồng Sơn La áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời hạn thuê không đúng quy định.

Với diện tích xây dựng trụ sở làm việc của Công ty cổ phần Cao su Sơn La và hai doanh nghiệp xây dựng trường mầm non, cơ quan kiểm toán cũng cho rằng UBND tỉnh áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất không đúng quy định và chưa đảm bảo điều kiện.

Về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND thành phố Sơn La đã phê duyệt phương án thưởng cho đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng khoản kinh phí bằng 0,2% chi phí bồi thường đất đai, tài sản trên đất không đúng với quy định, theo Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La áp dụng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho toàn bộ 130 hộ bị thu hồi đất với mức cao hơn 3 lần giá đất nông nghiệp cùng loại, nhưng thực tế chỉ có 14/130 hộ thuộc hộ nghèo. Điều này, theo Kiểm toán Nhà nước, chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 03/2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc chỉ áp dụng mức đền bù trên cho hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về đời sống.

Bên cạnh đó, dự án tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh Sơn La (dự án BT) được Kiểm toán Nhà nước xác định chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng ngoài phương án được phê duyệt.

Về việc giao nhiệm vụ chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư, cơ quan kiểm toán cho biết UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư đối với 3/5 dự án và giao Sở Xây dựng thẩm định, trình phê duyệt danh mục các dự án có đầu tư xây dựng nhà ở thương mại công bố lựa chọn Nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2018 không đúng quy định.

Về việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, việc UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho Ban quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Sơn La là không phù hợp quy định và chức năng nhiệm vụ, theo Kiểm toán Nhà nước.

Về việc phê duyệt dự án không nằm trong quy hoạch, cơ quan kiểm toán xác định dự án tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và Quảng trường tỉnh Sơn La (dự án BT) không nằm trong quy hoạch xây dựng chung của thành phố Sơn La và chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt.

Đáng chú ý, việc đề nghị nhà thầu ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặc bằng trước khi có Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của dự án cũng được cơ quan kiểm toán phát hiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới