Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiến Trung Quốc lớn nhanh như thổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiến Trung Quốc lớn nhanh như thổi

Nguyễn Vũ

(TBKTSG) – Đầu tuần này tập đoàn Ant Group của Trung Quốc chính thức niêm yết đồng thời tại hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông trong một đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) kỷ lục. Với mức giá ấn định 80 đô la Hồng Kông cho thị trường Hồng Kông và 68 nhân dân tệ cho thị trường Thượng Hải, lần IPO này sẽ đem về  cho tập đoàn công nghệ tài chính này 34,1 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng giá trị vốn hóa của nó lên chừng 310 tỉ đô la.

Tập đoàn Ant huy động 34 tỉ đô trong thương vụ IPO lớn nhất thế giới

Vì sao một công ty chỉ mới được thành lập cách đây 16 năm nay lại có giá trị còn lớn hơn nhiều tập đoàn tài chính sừng sỏ của thế giới có lịch sử hàng trăm năm?

Tầm nhìn của… kiến

Lúc Jack Ma thành lập một dịch vụ tài chính nhằm bổ sung chức năng cho tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, không ai nghĩ Alipay sẽ có ngày trở thành một “ngân hàng” khổng lồ như hôm nay. Jack Ma tách Alipay thành một doanh nghiệp độc lập vào năm 2011 rồi đổi tên thành Ant Group Services (Ant là kiến) vào năm 2014 vì cho rằng “nhỏ là đẹp, nhỏ là mạnh”.

Lúc dịch vụ Alipay ra đời vào năm 2004, rất ít người dân Trung Quốc sử dụng thẻ tín dụng hay thẻ ngân hàng; chính vì thế mà nền tảng mua bán trực tuyến như của Alibaba khó lòng phát triển nhanh được. Jack Ma yêu cầu đội ngũ tài chính của Alibaba nghĩ ra một dịch vụ làm trung gian thanh toán sao cho thật dễ dùng, tiện lợi để thuyết phục người dân Trung Quốc. Alipay làm tốt chức năng này: đóng vai bên thứ ba, giữ tiền người mua trong tài khoản và chỉ khi nào hàng đến tay người mua rồi người mua xác nhận hài lòng thì tiền mới giải ngân cho bên bán. Sau đó ứng dụng Alipay trên nền tảng di động ra đời, chủ cửa tiệm chỉ cần in ra một mã QR, khách dùng điện thoại di động quét mã, bấm để chuyển tiền thanh toán. Chỉ cần chừng đó mà Alipay và sau này Ant Group lớn nhanh như thổi, cả trên không gian mạng lẫn ngoài đời thật.

Vì sao một công ty chỉ mới được thành lập cách đây 16 năm nay lại có giá trị còn lớn hơn nhiều tập đoàn tài chính sừng sỏ của thế giới có lịch sử hàng trăm năm? Mô hình này mà bành trướng ra thị trường phương Tây thì liệu các định chế lâu đời có lung lay?

Hiện nay Alipay có 711 triệu người dùng hoạt động thường xuyên (số người dùng đăng ký là hơn 1 tỉ), trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6-2020 nó xử lý 118.000 tỉ nhân dân tệ (17.200 tỉ đô la), theo số liệu Ant Group công bố. Ứng dụng Alipay hiện chiếm 55% thị phần thanh toán điện tử tại Trung Quốc trong khi đối thủ là WeChat Pay của Tencent và ví QQ cộng lại mới chiếm chừng 40%. Từ chỗ là phương tiện thanh toán trên các chợ điện tử của Alibaba như Taobao, nay Alipay được sử dụng rộng rãi như một nơi cung cấp dịch vụ tài chính cho hàng trăm triệu người dân Trung Quốc: từ bảo hiểm đến đầu tư tài chính, từ mở tài khoản tiết kiệm đến chi trả các loại hóa đơn, kể cả doanh nghiệp chi lương cho nhân viên. Ant Group không chỉ là một ngân hàng mà đúng ra là một siêu thị tài chính; một mình nó làm thay chức năng của cả chục doanh nghiệp tài chính như thể đây là nơi tổng hợp PayPal với MasterCard với Citibank với Apple Pay và nhiều thứ khác nữa.

Điều làm các nhà tài chính phương Tây đang quan sát Ant Group với một sự tò mò, thêm chút lo sợ là mô hình Ant Group đã thành công ở Trung Quốc, nơi hệ thống ngân hàng vẫn cũ kỹ, bộ máy đồ sộ nhưng nặng nề khó xoay xở. Mô hình này mà bành trướng ra thị trường phương Tây thì các định chế lâu đời sẽ lung lay như chơi.

Những con số khổng lồ

Tài sản lớn nhất của Ant Group là dữ liệu khách hàng; chẳng hạn mô hình đánh giá rủi ro tín dụng của nó có đến 3.000 biến số và hệ thống phân tích tự động của nó có thể quyết định cho khách hàng vay hay không trong vòng ba phút, một điều không tưởng với các ngân hàng phương Tây. Hiện nay Alipay đang xử lý hơn nửa triệu đơn hàng trong một giây! Mỗi giao dịch Alipay chỉ nhận phí 0,1% – rất ít so với phí ngân hàng nhận được khi khách quẹt thẻ tín dụng nhưng tính trên số lượng giao dịch khổng lồ thì doanh thu của Alipay không hề nhỏ: năm ngoái Alipay thu về 52 tỉ nhân dân tệ nhờ dịch vụ thanh toán trong tổng doanh thu 120,6 tỉ nhân dân tệ.

Khách mua hàng trực tuyến chưa có đủ tiền để trả; Alipay cho ra đời dịch vụ cho vay tiêu dùng với vai trò như thể một thẻ tín dụng, mua xài trước, trả tiền sau. Chủ cửa hàng không đủ tiền để mở rộng kinh doanh, Alipay cũng cho vay các khoản tiền lớn, thời gian trả dài hơn. Chỉ trong vòng năm năm, dư nợ cho vay tiêu dùng của Alipay đã lên đến 1.700 tỉ nhân dân tệ, chiếm chừng 15% thị phần cho vay tiêu dùng của cả Trung Quốc. Còn cho vay với doanh nghiệp nhỏ đạt mức 400 tỉ nhân dân tệ, chiếm 5% thị phần. Điểm đặc biệt là Alipay không đứng ra cho vay trực tiếp; họ chỉ xác định, đánh giá khách hàng rồi chuyển cho ngân hàng để giải ngân khoản vay. Họ chỉ đứng giữa thu “phí dịch vụ công nghệ”, tránh hết mọi rủi ro. Vấn đề là quy trình này trên điện thoại di động diễn ra rất thuận tiện cả cho khách vay lẫn ngân hàng giải ngân. Dịch vụ này hiện đem về cho Ant Group 39% trong tổng doanh thu.

Khi thấy khách mua lẫn chủ tiệm có tiền nhàn rỗi để nằm không trên Alipay chưa xài đến, Ant Group bèn tung ra dịch vụ đầu tư tiền nhàn rỗi, cho phép ai có tiền trên ví Alipay có thể chuyển nó vào một quỹ đầu tư, hưởng lãi thấp (hiện nay là 1,7%) nhưng dù sao cũng hơn là để không và còn cao hơn lãi ngân hàng. Chỉ trong vòng sáu tháng sau khi ra mắt, dịch vụ này thu hút 49 triệu người dùng, chịu đầu tư 250 tỉ nhân dân tệ. Có lẽ vì mức đầu tư tối thiểu của Alipay là 1 nhân dân tệ trong khi mức tối thiểu của các ngân hàng truyền thống là 50.000 nhân dân tệ! Cao điểm vào tháng 3-2018 nơi này quản lý tổng vốn đầu tư lên đến 1.690 tỉ nhân dân tệ nhưng sau đó giới quản lý nhà nước lo ngại rủi ro cho hệ thống nên buộc Alipay giảm quy mô, đến tháng 3-2020 vẫn còn hơn 1.260 tỉ nhân dân tệ.

Rồi khi đã có lượng người dùng khổng lồ, tự dưng các nơi tìm đến Alipay để tận dụng kênh này phát hành sản phẩm của họ: hiện có hơn 170 doanh nghiệp bán hơn 6.000 sản phẩm đầu tư tài chính trên Alipay. Các hãng này, tính chung lại, có chừng 4.100 tỉ nhân dân tệ các loại tài sản họ đang quản lý trên nền tảng Alipay. Sử dụng trí tuệ nhân tạo Alipay rà soát người dùng và giới thiệu đúng người đến đúng dịch vụ tài chính họ đang cần rồi thu phí hoa hồng.

Tương tự, Alipay ngày trước cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người mua hàng; nếu không hài lòng sẽ được trả hàng nhận lại đủ tiền. Hai năm nay họ mở rộng dịch vụ bảo hiểm này ra các lĩnh vực khác, bảo hiểm nhân thọ, xe cộ và cả y tế. Ở đây họ cũng chỉ đóng vai trò trung gian giới thiệu khách hàng với các công ty bảo hiểm. Nhờ kho dữ liệu lớn, họ có thể cung cấp đánh giá rủi ro bảo hiểm chính xác hơn bản thân các công ty bảo hiểm tự làm nhiều lần. Hiện nay dịch vụ quản lý tài sản và bảo hiểm đem về gần một phần tư doanh thu cho Ant Group.

Ba loại rủi ro

Nếu chỉ nhìn vào các con số, người ta có thể nghĩ Ant Group là một doanh nghiệp không ai có thể ngăn nổi; nó sẽ có tương lai còn mạnh hơn các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ như Amazon, Google nữa. Tuy nhiên, theo tờ Economist, có ba loại rủi ro mà tập đoàn này phải đối diện trong tương lai.

Thứ nhất là môi trường pháp lý; hiện nay Trung Quốc đang nới lỏng cho Ant Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực tài chính nhạy cảm. Giả thử tình hình thay đổi thì mô hình kinh doanh của họ sẽ phải thay đổi theo. Ví dụ, Ant Group từng bị chặn không cho phát hành thẻ tín dụng ảo, không được chứng khoán hóa các khoản nợ của họ. Kế hoạch tiêu chuẩn hóa mã QR sẽ làm Alipay đánh mất vị thế thống lĩnh thị trường hiện nay. Ngay cả Mỹ cũng đang có nhiều ý kiến của các chính trị gia đòi tìm cách ngăn không cho Ant Group lên sàn!

Thứ hai là đối thủ cạnh tranh; ngoài WeChat Pay, các hình thức thanh toán điện tử khác cũng đang nổi lên lấy bớt thị phần của Alipay như Meituan, JD hay Lufax.

Rủi ro thứ ba là bản thân mô hình của Alipay như cho vay không thế chấp với các khoản vay nhỏ là rất rủi ro. Chẳng hạn do dịch Covid-19, các khoản nợ quá hạn – hơn 30 ngày rồi mà không đòi được – đã tăng từ 1,5% trong năm 2019 lên 2,9% vào tháng 6-2020. Mô hình này cũng sẽ chỉ phát huy tác dụng với khách hàng nhỏ lẻ, hầu như các khoản vay của doanh nghiệp chiếm chừng 60% dư nợ tín dụng ở Trung Quốc là nằm ngoài tầm tay của Ant Group. Chừng nào các ngân hàng Trung Quốc chưa thấy bị thật sự bị đe dọa bởi các chú kiến nhỏ li ti này thì không sao chứ ăn vào phần miếng bánh ngon của họ, ắt họ sẽ không để yên cho Ant Group. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới