Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kiểu gì chứng khoán cũng tăng là sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiểu gì chứng khoán cũng tăng là sao?

TS. Võ Đình Trí (*)

(KTSG) – Có một điều lạ lùng trong hơn một năm qua là mặc cho nền kinh tế nhiều bất an, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ cứ thế mà leo thang, liên tục lập đỉnh mới. Chuyện ở Mỹ có thể giải thích được là do tiền rẻ, tiền được bơm vào nền kinh tế dồi dào qua các gói hỗ trợ của chính phủ. Ở phía bên kia bán cầu, chỉ số VN-Index cũng đua không kém, nếu cùng so từ cuối tháng 3-2020 đến nay thì chứng khoán Việt Nam còn tăng mạnh hơn chứng khoán Mỹ.

Kiểu gì chứng khoán cũng tăng là sao?

Nhưng nhìn đi nhìn lại thì có cái gì đó không ổn: năm 2020 Việt Nam phòng chống dịch thành công trong khi thế giới lao đao, mà kinh tế Việt Nam lại có độ mở rất lớn. Qua năm 2021, các nền kinh tế lớn có dấu hiệu hồi phục nhờ vaccin thì Việt Nam lại bị làn sóng dịch mới.

Có những doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chỉ cần hỗ trợ chính sách vì nhiều quyết định giãn cách xã hội cực đoan gây khó khăn cho họ. Trong trường hợp Chính phủ mạnh tay hỗ trợ và/hoặc giãn cách xã hội tiếp tục thì chứng khoán sẽ tiếp tục tăng? Nếu kiểu gì cũng tăng mà không dựa trên triển vọng thực tế của doanh nghiệp thì niềm vui này kéo dài thêm được bao lâu?

Kỳ vọng hợp lý và vô lý

Đáng lưu ý là trong số những nhà đầu tư mới này, có cả các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những chủ doanh nghiệp này bình thường thì tập trung vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh, nếu có ở chứng khoán thì là một tỷ lệ khá nhỏ.

Khi nhìn vào sự bứt phá của S&P 500 thời gian gần đây, có thể giải thích được là do các chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ. Nhưng có thể ít người để ý thấy được tỷ trọng của các doanh nghiệp công nghệ trong rổ chỉ số này.

Theo thống kê đến cuối năm 2020, các doanh nghiệp công nghệ chiếm đến 27,6%, đặc biệt là nhóm GAFAM hay FAANG. Sau lĩnh vực công nghệ là sức khỏe với 13,44%, hàng tiêu dùng không thiết yếu (discretionary) 10,70%, viễn thông 10,79%, tài chính 10,34%, và bất động sản chỉ 2,41%.

Công nghệ và sức khỏe là hai lĩnh vực được hưởng lợi nhiều từ đại dịch, khi giãn cách xã hội đẩy nhu cầu làm việc từ xa (WFH) lên cao. Và nhu cầu các sản phẩm cũng như dịch vụ y tế tăng đột biến để phòng chống dịch là lực đẩy để nhiều cổ phiếu nhóm ngành này bứt phá. Nhưng dù có những lý lẽ để thuyết phục sự tăng nhanh của S&P 500, nhiều nhà phân tích vẫn nhận định thị trường chứng khoán Mỹ đã ở mức định giá cao, rất rủi ro nếu Fed có những điều chỉnh về chính sách.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được dẫn dắt bởi nhóm các doanh nghiệp ngành ngân hàng, chứng khoán, thép, và bất động sản. Nếu như việc kiểm soát dịch tốt trong năm 2020 có thể giải thích được phần nào cho sự hồi phục, thì việc tăng mạnh sau đó trong khi các nước trong khu vực vẫn còn rất dè chừng, và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng khá nặng có hợp lý?

Số lượng doanh nghiệp có thể cầm cự trong năm 2020, qua năm 2021 còn gặp nhiều khó khăn hơn, thì triển vọng tăng lợi nhuận của các ngân hàng và bất động sản sắp tới có thể thuyết phục được mức định giá hiện nay?

Tiềm ẩn rủi ro dòng tiền đổ vào chứng khoán

VN-Index đang được dẫn dắt bởi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép chứ không phải công nghệ hay y tế, viễn thông như ở Mỹ. Nếu các ngành khác tiếp tục khó khăn, sức kéo này liệu trụ được bao lâu?

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), đến hết tháng 5-2021, thị trường chứng khoán đã huy động cho nền kinh tế khoảng 116.400 tỉ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu vào khoảng 22.500 tỉ đồng/phiên, tăng gấp 3 lần. Giá trị giao dịch tăng cùng với giá trị vốn hóa thị trường tăng đã thu hút thêm rất nhiều nhà đầu tư mới.

Đáng lưu ý là trong số những nhà đầu tư mới này, có cả các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những chủ doanh nghiệp này bình thường thì tập trung vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh, nếu có bỏ vốn vào chứng khoán thì là một tỷ lệ khá nhỏ. Nhưng tình hình dịch Covid-19 từ năm 2020 và như hiện nay khiến cho họ không thể hay không thấy cơ hội từ hoạt động kinh doanh chính. Mà sức hút của thị trường chứng khoán thời gian qua là rất mãnh liệt. Thế là họ đã chuyển một phần vốn vào thị trường chứng khoán.

Và đây là điểm để rủi ro hình thành. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dù tham gia mới nhiều nhưng không thể nào so được với các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có khi tài khoản của cả ngàn nhà đầu tư nhỏ mới bằng được một chủ doanh nghiệp đầu tư chứng khoán. Có những chủ doanh nghiệp mới đây bỏ vào chứng khoán cả chục, cả trăm tỉ đồng.

Đối với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán hay các định chế tài chính khác, đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng thì họ sẽ chốt lời, tái cân bằng danh mục. Do đó, nếu xảy ra cùng lúc và trên diện rộng thì rất có thể thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh.

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư của các chủ doanh nghiệp vào chứng khoán là ngắn hạn, trong vòng vài tháng. Nếu tình hình sản xuất kinh doanh ổn trở lại thì họ lại rút vốn về. Nhưng khi rút với số lượng tương đối lớn thì ảnh hưởng đến thị trường là không thể lơ là được.

Cũng một báo cáo mới đây của TCTK dựa trên khảo sát hàng quí đối với doanh nghiệp về xu hướng sản xuất kinh doanh, có đến 48,6% doanh nghiệp dự báo quí 3-2021 khó khăn hơn quí 2, chỉ có 17,8% là nhận định tốt hơn. Một số khảo sát độc lập khác cũng cho thấy các cấp quản lý ở doanh nghiệp không mấy lạc quan trong những tháng sắp tới, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh, cắt giảm lao động dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vẫn biết Việt Nam là một thị trường còn nhiều tiềm năng để phát triển trong dài hạn, chỉ số P/E (giá/thu nhập) hiện tại của toàn thị trường ở mức vừa phải. Nhưng nếu việc định giá tiếp tục tăng, mà tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận không thể chứng minh được, thì rủi ro là không hề ít. Một số quỹ đầu tư quốc tế nhận định VN-Index sẽ đạt mốc 1.400 vào cuối năm, nhưng kế hoạch đã hoàn thành quá sớm.

Ngân hàng Thế giới vừa mới công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh các nước đang phát triển khó phục hồi được như kế hoạch vì thiếu vaccin, rất nhiều nước phải tính lại tốc độ tăng trưởng, cũng như lạm phát. VN-Index đang được dẫn dắt bởi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép chứ không phải công nghệ hay y tế, viễn thông như ở Mỹ. Nếu các ngành khác tiếp tục khó khăn, sức kéo này liệu trụ được bao lâu?

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới