Thứ Sáu, 31/03/2023, 21:32
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kiều hối được mùa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiều hối được mùa

Thủy Triều

Khách đang giao dịch ngoại tệ tại Sacombank. Có 1,3 tỉ đô la Mỹ kiều hối chuyển qua ngân hàng này trong năm 2010. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Do kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi trong năm 2010 nên lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm đã tăng đáng kể, khiến các công ty kiều hối cũng có kết quả kinh doanh khả quan.

Theo Báo cáo kiều hối và di trú trú toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 11 vừa qua, ước tính kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2010 đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,6% so với năm 2009.

Theo ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, lý do góp phần đẩy mạnh lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2010 cao hơn so với cùng kỳ năm trước là kinh tế đã bước đầu hồi phục, nhất là ở thị trường Mỹ giúp cho kiều bào cũng như người Việt đi lao động xuất khẩu có thêm điều kiện trong việc chuyển tiền về cho người thân trong nước. Đồng thời, một yếu tố khác có thể kể đến như sự phát triển mạnh về mạng lưới và chất lượng phục vụ được nâng cao của các ngân hàng và tổ chức kinh tế làm dịch vụ chi trả kiều hối.

Với mạng lưới hơn 60 đối tác có mặt ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong năm 2010, doanh số chi trả kiều hối của Đông Á đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với năm 2009. Ông Trung cho biết với dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ tốt hơn trong năm 2011, công ty ông đặt mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm nay.

Trong khi đó, doanh số kiều hối chuyển qua Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong năm 2010 đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 45% so với năm 2009. Trong năm 2011, Sacombank dự kiến sẽ triển khai thêm các giải pháp thu hút dòng ngoại tệ nhằm đạt mức tăng trưởng 15% về doanh số so với năm 2010.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang e ngại rằng nguồn vốn dồi dào từ kiều hối sẽ khó được bán lại cho các ngân hàng nhằm giải quyết phần nào căng thẳng về nguồn ngoại tệ thương mại do cơ chế hai tỷ giá vẫn đang tồn tại. Hiện nay, trong khi các ngân hàng vẫn niêm yết giá mua đô la ở mức 19.500 đồng thì trên thị trường tự do, giá đã ở quanh mức 21.000 đồng/đô la.

Ông Trung cho biết hiện nay 80% doanh số kiều hối chuyển qua Đông Á được giao ngay tại nhà cho người nhận nên không thể thống kế được bao nhiêu phần trăm số đó được bán hay gửi ngược lại cho ngân hàng.

Ông Trung cũng cho rằng nếu thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá trong và ngoài ngân hàng không chênh lệch nhiều thì chắc chắn người nhận tiền sẽ bán lại hoặc gửi tại ngân hàng vì có lợi hơn, thứ nhất là lãi suất tiền gửi bằng đồng cao hơn đô la và thứ hai là họ khỏi tốn công đem ra ngoài bán.

Với gần 4 triệu Việt Kiều sinh sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng ở hàng thứ 16/30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Trong năm 2010 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, dự báo lượng kiều hồi năm 2011 sẽ tăng thêm 6,2%.

.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới