Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kim cương của Nga nằm trong tầm ngắm trừng phạt của G7

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhóm cường quốc công nghiệp G7 đang thảo luận việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu kim cương của Nga. Động thái trừng phạt như vậy có khả năng làm tăng giá mặt hàng xa xỉ này.

G7 đang thảo luận về cách sử dụng công nghệ để truy tìm nguồn gốc ban đầu của từng viên kim cương đơn lẻ nhằm trừng phạt hiệu quả hoạt động xuất khẩu kim cương của Nga. Ảnh: espreso

Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, xuất khẩu kim cương của Nga phần lớn tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong năm 2021, Nga thu về khoảng 4,7 tỉ đô la từ xuất khẩu kim cương, theo OEC, một tổ chức theo dõi dữ liệu thương mại quốc tế. Với doanh số xuất khẩu đó, Nga trở thành nước xuất khẩu kim cương lớn thứ tám thế giới. Các viên cương không được giao dịch phổ biến như dầu hoặc vàng. Tuy nhiên, chúng đại diện cho một thị trường rộng lớn vượt ra ngoài đồ trang sức. Những viên đá quí này cũng được sử dụng trong lĩnh vực khoan, nha khoa, máy tính và trong số sản phẩm khác.

Một số nước mua một lượng lớn kim cương của Nga, chẳng hạn như Bỉ, muốn có một “cách tiếp cận toàn cầu” đối với kim cương xuất khẩu của Nga. Điều này giúp bảo đảm các biện pháp trừng phạt không gây tổn hại quá mức đối với họ.

Kim cương chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu của Bỉ và tạo ra khoảng 30.000 việc làm ở thành phố cảng Antwerp. Do đó, Bỉ có thể phủ quyết một lệnh cấm vận kim cương Nga của EU.

“Cuộc thảo luận về biện pháp trừng phạt kim cương của Nga đã diễn ra được một thời gian vì có nguy cơ rõ ràng là Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu kim cương sang các nước không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây”, Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa của Công ty tư vấn Capital Economics, nói.

Ông cho rằng nếu các biện pháp trừng phạt bịt các lỗ hổng có thể giúp Nga né tránh, thì nguồn cung kim cương mà Nga đưa ra thị trường sẽ ít hơn và giá sẽ được đẩy lên mức cao hơn.

Ngành công nghiệp kim cương ở châu Âu lo ngại thương mại kim cương sẽ chuyển sang thị trường khác khi giá đắt hơn và không làm giảm đáng kể doanh thu của Nga từ xuất khẩu kim cương. Hiện nay, kim cương thô của Nga chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, nơi chúng được đánh bóng và có thể trộn lẫn với kim cương có nguồn gốc từ nơi khác để bán trở lại sang phương Tây. Do đó, G7 đang thảo luận về cách sử dụng công nghệ để truy tìm nguồn gốc ban đầu của từng viên kim cương đơn lẻ. Họ hy vọng cách tiếp cận này sẽ mở đường để EU cấm vận kim cương của Nga

“Nga tiếp tục kiếm được hàng tỉ đô la từ việc buôn bán kim cương. Mỹ và EU cam kết khiến Nga phải lãnh các hậu quả kinh tế đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine”, Mỹ và Liên minh châu (EU) cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 3.

Hans Merket, nhà nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên tại Dịch vụ thông tin hòa bình quốc tế, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Bỉ, cho biết việc triển khai lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nếu kim cương của Nga chưa xuất hiện trong gói trừng phạt sắp tới của phương Tây thì có lẽ sẽ xuất hiện vào gói trừng phạt tiếp theo”, ông nói.

Hôm 9-5, khi nói về về gói trừng phạt thứ 11 chống lại Nga, hiện đang được 27 nước của EU thảo luận, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen không đề cập đến việc kim cương sẽ được đưa vào vòng trừng phạt này.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt Nga của EU chủ yếu nhắm vào dầu mỏ, than, ngân hàng, các cá nhân giàu có và phương tiện truyền thông của Nga

Theo Tobias Gehrke, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, có rất nhiều vấn đề đối với việc thực thi lệnh trừng phạt.

Ông nói, ngay cả khi lệnh trừng phạt kim cương được đưa ra, Nga vẫn có đủ chi phí để duy trì cuộc chiến ở Ukraine trong nhiều năm nữa.

Theo Văn phòng thống kê của châu Âu, EU đã nhập khẩu khoảng 1,4 tỉ euro  kim cương của Nga vào năm 2022. Con số này đã giảm từ 1,8 tỉ euro vào năm 2021.

Alrosa, một công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu nhà nước Nga, báo cáo doanh số bán kim cương thô và đánh bóng trong tháng 1-2022 là 325 triệu đô la. Kể từ đó, Alrosa dừng cập nhật kết quả kinh doanh.

Vào tháng 4 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đã áp dụng trước đó với Alrosa. Anh, Canada và New Zealand cũng triển các biện pháp trừng phạt tương tự nhằm vào Alrosa.

Đối với Ấn Độ, việc loại bỏ kim cương Nga khỏi thương mại quốc tế sẽ khiến hàng trăm nghìn việc làm gặp rủi ro,  từ những người thợ kim hoàn cho đến thợ đánh bóng kim cương

Anoop Mehta, Chủ tịch của Sàn giao dịch kim cương Bharat ở Mumbai (Ấn Độ), ước tính ngành kinh doanh kim cương của Ấn Độ sử dụng khoảng một  triệu người lao động. “Kim cương của Nga chiếm 60% việc làm được tạo ra trong ngành kinh doanh kim cương của Ấn Độ.  Kim cương của Nga có chất lượng thấp và kích cỡ nhỏ hơn . Các viên đá quí càng nhỏ và càng rẻ thì càng cần nhiều người cắt và đánh bóng chúng”, ông nói.

 Theo CNBC, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới