Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh cà phê: Liệu có lường được rủi ro?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh cà phê: Liệu có lường được rủi ro?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Vào đầu tháng 3-2015 giá cà phê lại xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Lên xuống là chuyện bình thường. Nhưng không lẽ rủi ro thua lỗ là chuyện không lường trước được? 

Kinh doanh cà phê: Liệu có lường được rủi ro?
Biểu đồ: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 (tác giả tổng hợp)

Giá quanh mức thấp

Giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa tuần qua có lúc xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ 2014/15, bắt đầu từ ngày 1-10-2014.Tại một số nơi trên các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê nguyên liệu đã chạm mức 37,5 triệu đồng/tấn, nhưng ngay sau đó có hồi phục đôi chút. Hôm qua 6-3, giá nội địa đã quanh mức 38 triệu đồng/tấn nhưng mua bán khá trầm lắng. Giá này so với đầu vụ mất 4 triệu đồng/tấn và giảm 0,5 triệu đồng/tấn so với tuần trước.

Trên sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu, giá đóng cửa có lúc chạm mức 1.858 đô la/tấn, cũng là mức đóng cửa thấp nhất tính từ đầu vụ. Đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua, sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu chốt mức 1.881 đô la/tấn, giảm 26 đô la/tấn so với tuần trước.

Ở mức này, lượng mua bán mới không nhiều. Cư dân nhiều nơi mua trữ ở mức cao hơn hiện nay vì nghĩ giá sẽ lên, nên giá này chưa thể bán được vì lỗ 2-3 triệu đồng/tấn.

Do giá kỳ hạn giảm, cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen bể đang được chào mua mức trừ 20-30 đô la/tấn dưới giá niêm yết nhưng chẳng ai dám bán vì sợ còn xuống nữa.

Trong khi đó, giá arabica cũng đang rất yếu, chung quanh mức 140 xu/cân Anh (cts/lb) giảm so với đầu vụ, bấy giờ là 230 cts/lb. Nước đứng đầu về xuất khẩu arabica chế biến khô (naturals), Brazil hiện bán loại này ở mức trừ 1 ct/lb dưới giá niêm yết sàn arabica New York so với trừ 4 cts/lb FOB cảng Santos (giao qua lan can tàu) cách nay vài tuần. Giá arabica chế biến ướt Colombia đang được bán mức cộng 17 cts/lb FOB trên giá sàn kỳ hạn.

Rủi ro từ cạnh tranh

Tuy trong mấy ngày cuối tuần, giá kỳ hạn có phục hồi đôi chút, những người trữ hàng vẫn hoang mang do giá xuống nhanh, đặc biệt từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, vượt ngoài kỳ vọng giá tăng như trong dịp này của mấy năm trước.

Có thể nói rằng giá chao đảo hiện nay trên các sàn kỳ hạn hết sức phức tạp. Người còn hàng chỉ biết “tin vào niềm tin chiến thắng” nhờ sức mạnh đoàn kết giữ lại hàng, dù cà phê đang nằm trong tay của bất kỳ ai, nông dân hay cư dân trên địa bàn sản xuất đầu tư mua trữ cà phê với tiền nhàn rỗi.

Đứng trước tình cảnh đầy rủi ro, mập mờ trước các thông tin thị trường thế giới, người trữ hàng chỉ còn chọn một trong hai thái độ hoặc án binh bất động, hoặc ai đã gởi hàng vào kho các nhà xuất khẩu đều thương lượng kéo dài ngày chốt giá cuối cùng.

Diễn biến phức tạp của đồng nội tệ real Brazil (BRL), rõ ràng nằm ngoài khả năng dự đoán của những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam. Giá arabica rớt, nhưng do đồng BRL mất giá, đã kích Brazil bán mạnh. Dù từ một vài tháng nay, tốc độ bán ra có chậm lại, xuất khẩu cà phê Brazil đến nay vẫn đạt 36 triệu bao (bao=60 kg). Nếu như tiêu thụ nội địa Brazil ước chừng 20 triệu bao mỗi năm, thì lượng cà phê Brazil có được trong năm đạt ít nhất 56 triệu bao, một số lượng không hề nhỏ. Giả sử trong sản lượng ấy có từ 6 đến 10 triệu bao cà phê vụ cũ, sản lượng năm nay không có cửa nào dưới 45 triệu bao như nhiều đồn đoán và tính toán.

Rủi ro từ cách mua bán

Do không bán được cà phê với giá chốt ngay (fixed hay outright), nhiều người trữ hàng đưa cà phê của mình gởi vào kho các nhà kinh doanh trong và ngoài nước để ứng trước chừng 70% giá trị lô hàng theo giá thời điểm.

Khi ủng hộ việc giữ hàng lại nhưng không có biện pháp tài chính đi kèm như mở kho của chính mình để “cứu” người thiếu vốn, thì lợi bất cập hại.

Nhớ những năm đầu thập niên 2000, nhiều người xung phong bán trừ lùi dựa trên chênh lệch giá âm đối với sàn kỳ hạn với một lượng hàng khá lớn ngay trong mấy tháng đầu vụ, thị trường chịu sức ép chốt giá và có lúc giá nội địa của 1kg cà phê có giá trị không bằng 1 “cân cà pháo” như nhiều người đã từng ví von.

Tình hình hiện nay không như thế vì cà phê không bán cùng một lúc, giao cùng một thời điểm mà các nhà xuất khẩu và các đại lý thu mua lượng nhỏ đã bán rải ra chia thành nhiều đợt giao hàng từ tháng 10-2014 đến nay.

Rủi ro do “ngâm” hàng trên sàn

Song, hoàn cảnh đã đưa đẩy để rồi hiện nay một lượng hàng lớn chưa chốt giá (long position) ước có đến vài trăm ngàn tấn đang treo lủng lẳng trên sàn, đang làm mồi cho “cá mập”.

Ở những lúc giá kỳ hạn tăng trên 2.000 đô la/tấn, đáng ra người bán “trừ lùi” nên chốt bán một ít để giảm thiểu rủi ro thì nay họ tưởng giá tăng cao về sau, họ đã chấp nhận trả thêm tiền chênh lệch để được quyền chốt giá chậm hơn. Nếu như giao dịch robusta hiện nay đang chuyển dần sang tháng 7-2015 thì những hợp đồng đã giao hàng cuối năm ngoái vẫn chưa chốt giá, đã và đang thương lượng để chuyển giao dịch sang cơ sở tháng 7-2015 nhằm có quyền chốt giá đến cuối tháng 6-2015.

Nếu giá trước đây bán trừ từ 20-50 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn, thì nay giá này phải chuyển thành trừ 100-150 đô la/tấn để được quyền chốt giá trễ may ra có giá tăng mạnh giảm lỗ bớt phần nào. Hàng thực bán ra nay trở thành trò chơi của hàng giấy!

Khi áp lực chốt giá tăng mạnh vì một lý do nào đó, giá kỳ hạn sẽ đổ nhào mà không cần người trữ hàng thực (physical) hiện nay bán ra một hột cà phê nào.

Do đó khái niệm “trữ hàng” hiện nay không còn là lượng hàng cất kín trong kho riêng, mà còn “ghim” trên sàn kỳ hạn trong thế tự nguyện hay bắt buộc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới