Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh cà phê – thật và ảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh cà phê – thật và ảo

Lê Viết Vinh

Nông dân trồng cà phê nhưng giá cà phê trên thị trường thế giới có vẻ phụ thuộc rất ít vào nguồn cung từ nông dân-Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Gần đây diễn biến bất thường của giá cà phê trong nước và thế giới khiến nhiều nông dân trồng và người kinh doanh cà phê bị thua thiệt trước những dự đoán, dự báo trật chìa, hoặc than phiền là thiếu dự đoán của các cơ quan chức năng.

>>Cách nào để giữ giá cà phê?

>>Giá cà phê và… World Cup

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bài viết về dự đoán cà phê của ông Lê Viết Vinh, một chuyên gia từng nhiều năm công tác tại một công ty cà phê lớn của nước ngoài.

Lượng cà phê giao dịch trên thế giới lớn gấp 5 lần (hoặc hơn nữa) lượng cà phê thực mà nông dân làm ra (sản lượng thế giới khoảng 127 triệu bao trong vụ 2009). Tức là cũng một bao cà phê ấy thôi, nhưng anh A bán cho anh B, rồi anh B bán cho chị C đều được tính vào lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường.

Nói như thế để chúng ta có thể hình dung ra việc dự báo giá cà phê không chỉ dựa vào các tin tức như Brazil có bị sương giá hay không, Việt Nam hạn hán như thế nào v.v… mà còn phụ thuộc vào những nhà đầu tư lớn tại một thời điểm nào đó. Họ đang ở vị thế nào? Vị thế đang phải bán ra những lô hàng “giấy” mà họ đã mua vào trước đó hay cần mua vào những lô hàng “giấy” để có cái mà giao hoặc mua vào để chờ giá lên theo phân tích của họ (cũng trên giấy) v.v… Hành động của họ tác động rất lớn đến giá cả.

Nói cách khác, chính việc mua vào hay bán ra của những nhà kinh doanh cà phê “giấy” trên thị trường thế giới đã có tác động mạnh mẽ, thậm chí có lúc quyết định. tới giá cà phê thật mà nông dân làm ra. Khổ nỗi, những nhà kinh doanh cà phê “giấy” ấy trước khi ra quyết định mua bán, lại bị những tác động không thuộc về cà phê.

Việc phân tích tin tức hay đồ thị kỹ thuật trong những thời điểm nhất định do vậy có ý nghĩa quan trọng cho việc dự đoán xu hướng giá sắp đến. Chúng ta có thể thấy trong kinh doanh, nhà kinh doanh dùng cà phê như một mặt hàng kiểu chứng khoán, mà không quan tâm đến vấn đề một nắng hai sương của nông dân.

Giả sử một nhà đầu tư đang ở vị thế bán nhận định Mỹ có khả năng đánh Iran (chỉ là giả định) và giá dầu trong thời gian ngắn có thể tăng lên 100 đô la Mỹ/thùng. Sau khi tổng hợp và phân tích tình hình có khả năng nhà đầu tư này sẽ bán mạnh số cà phê (giấy) mà mình đang có để lấy tiền mua dầu. Động tác bán cà phê như thế sẽ ảnh hưởng tức thì lên giá cà phê và tạo ảnh hưởng dây chuyền.

Người có thể tổng hợp và phân tích đến đây tạm xem như là đã sờ được cái chân của con voi và có thể nói là con voi giống cái cột đình. Để tiến xa hơn, người phân tích còn phải ngó chừng giá trị tiền tệ của các nước sản xuất và nước tiêu thụ cà phê.

Một trong những nguyên nhân gây tăng, giảm giá cà phê với tác động mạnh là giá trị đồng tiền của những nước sản xuất lớn hoặc của nước tiêu thụ. Bà con cứ tưởng tượng giả sử tỷ giá hối đoái của tiền đồng hiện nay bỗng nhiên tăng lên mức 40.000 đồng ăn 1 đô la Mỹ (giả định), thì mặc dù giá cà phê trên thị trường thế giới không tăng, nhưng tự nhiên giá mua cà phê nội địa sẽ tăng lên gấp đôi vì sự quy đổi tỷ giá và bỗng nhiên bà con nông dân chúng ta có thể ung dung bán cà phê với cái giá 60.000đồng/kg (nghe mà sướng nhỉ).

Giá này rõ ràng sẽ kích thích hàng loạt người đang nắm cà phê thật trong tay bán ra ồ ạt. Hành động hè nhau đi bán cà phê đó, ngay lập tức sẽ tác động lên giá cà phê của thị trường thế giới. Tội nghiệp cho những nước sản xuất khác trong thời điểm đó đồng tiền của họ vẫn đứng yên sẽ bị ảnh hưởng theo.

Việc này đã nhiều lần xảy ra và lần ấn tượng nhất mà tôi còn nhớ là vào khoảng năm 1998-2000 khi đồng real của Brazil sụt giảm so với đồng đô la Mỹ. Đồng real lúc đó sụt đến mức hơn 3 real ăn 1đô la (giá hiện nay hình như vào khoảng 1,8 real/đô la). Cơn bão bán cà phê ra của nông dân Brazil lúc đó là màn khởi đầu của sự sụt giá do khủng hoảng thừa. Tội nghiệp cho nông dân trồng cà phê Việt Nam chúng ta cũng như một số nước sản xuất khác, đã bị một cú knock-out rồi mà còn bị bồi thêm một đạp nữa. Giá một ký cà phê đã thua xa một ký cà pháo, tại Dak Lak, thời ấy giá cà phê nhân chỉ 3-4.000 đồng/kg.

Bây giờ chúng ta thử nhìn lại sự tác động giá trị tiền tệ của nước tiêu thụ lên giá cà phê qua một ví dụ có thật.

Năm 2000, giá cà phê nằm ở mức thấp, tình hình khủng hoảng thừa vẫn chưa chấm dứt, cũng là thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng đô la giảm mạnh. Những nhà đầu tư, đầu cơ đang nắm các loại tiền tệ mạnh khác trong tay, như đồng euro hay bảng Anh đã bán tiền của họ ra để mua đô la vào, rồi dùng đô la ấy mua cà phê trong khi giá còn đang hạ. Hành động “cả làng hè nhau mua cà phê” lúc đó đã đẩy giá cà phê tăng ngược trở lại, một số nhà kinh doanh tiền tệ cũng đã có lời nhờ kinh doanh tiền tệ rồi nên cũng nới tay hơn khi mua cà phê vào. Tội nghiệp (mà cũng đáng đời) cho tôi và một số bạn bè kinh doanh cà phê đang nắm giữ vị thế mua lúc đó không những đã không ăn được mà còn phải bỏ vào thêm bởi cái tội phân tích không thấu đáo nên đưa ra dự đoán sai, cũng như tên thầy bói sờ voi, mới sờ được cái lỗ tai nên bảo con voi giống như cái quạt….

Cơn bão kinh hoàng Katrina tràn vào New Orleans, Mỹ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2005. Hàng loạt tin tức từ Mỹ nói New Orleans là một thành phố mà 70% diện tích nằm dưới mực nước biển, là một trong những cửa khẩu lớn nhập cà phê vào nước Mỹ, rất nhiều kho chứa hàng, phân loại chờ rang xay cà phê được xây dựng tại đây, sóng nước biển có khả năng dâng cao đến 8 mét. Tất cả những tin trên đều là thật cả, không có nửa lời nói ngoa. Nghe đến đây nếu các nhà kinh doanh cà phê là người đang ở vị thế mua hoặc là người chuẩn bị bán cà phê hay bạn là nhà đầu cơ đang tìm cơ hội bạn sẽ làm gì? Câu trả lời hẳn là đã quá rõ ràng, thì lo mà mua vào chứ còn hỏi gì nữa, còn ai chưa bán thì từ từ rồi bán.

Quả thật sau những biến cố như thế giá cà phê lúc đó có tăng, do người ta mua vào, nhất là giới rang xay vì sợ hàng hóa hư hỏng sẽ không được giao đúng hạn, vì sợ rằng nếu không mua thì giá còn tăng nữa…Thế nhưng ai bán lúc đó lại thắng vì trước đây họ mua vào với giá hạ rồi, nay thời cơ bán đã đến. Họ đã nắm trong tay thông tin cập nhật hàng ngày và biết rõ rằng những kho hàng đều được xây dựng ở những vùng cao trên 2 mét so với vùng bị ngập. Gió bão có ảnh hưởng thì cũng tốc mái là cùng mà thôi…

Dự đoán cà phê là như vậy đấy chứ không như các cơ quan quản lý hay các hiệp hội của mình, chỉ dựa vào nguồn cung và nhu cầu rồi từ đó tán phét, mà quên rằng khi ra thị trường thế giới, cà phê trở thành hàng hóa phái sinh trong tay các nhà kinh doanh không liên quan gì tới cà phê.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới