Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh hạt giống rau mầm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh hạt giống rau mầm

Uyên Viễn

Ông Huỳnh Quang Điền (Phú Yên) tận dụng không gian ở sân thượng để trồng rau và tư vẫn khách hàng cách trồng rau tại nhà. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) – Nghề cung cấp rau mầm, cung cấp hạt giống trồng rau mầm hình thành cách đây khoảng 10 năm, xuất phát từ quá trình đô thị hóa thu hẹp diện tích trồng rau xanh cũng như nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, con đường phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều điều để ngẫm nghĩ.

Nghề của mọi nhà

10 năm trước, trong một dịp đi công tác ở Thái Lan, ông Huỳnh Quang Điền, chủ cửa hàng cung cấp hạt giống Út Điền ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, thấy người dân ở đây sử dụng khá nhiều rau mầm trong bữa ăn. Vài năm sau, khi vào TPHCM, ông Điền thấy trên thực đơn của một số nhà hàng cũng có món rau mầm. Ý tưởng kinh doanh hạt giống để trồng loại rau này đã hình thành trong đầu ông.

Về quê, ông Điền bắt đầu trồng thử rau mầm trên sân thượng nhà mình. Đến năm 2006, khi các cơ quan, báo đài liên tục cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các loại rau xanh chứa nhiều mầm bệnh, khả năng lây lan giun sán rất cao, cửa hàng Út Điền mới chính thức phân phối hạt giống rau mầm, rau sạch, các loại hoa màu chất lượng cao cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mặc dù đây là địa phương có nhiều vùng chuyên canh rau, hoa màu từ nhiều đời.

Tại TPHCM, phong trào trồng rau mầm, rau sạch bắt đầu nhen nhóm cách đây khoảng 10 năm, xuất phát từ quá trình đô thị hóa, đất đai bị ô nhiễm, các vùng chuyên canh hoa màu bị thu hẹp diện tích hoặc bị xóa sổ.

Ông Quách Vĩnh Tấn, chủ cơ sở Bình Tân Xanh, quận Bình Tân, cho biết nghề chính của ông là kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Bình Điền. Tuy nhiên, với ước vọng giúp người nghèo tìm được một nghề mưu sinh lâu dài, vốn đầu tư ít nên ông đã tự mày mò nghiên cứu cách trồng rau sạch.

“Hồi năm 2001, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người dân thành phố, tôi đã bỏ ra hai năm mày mò nghiên cứu về quy trình tạo hạt giống và cách trồng rau mầm”, ông kể. Thành công trong việc trồng rau mầm, nhưng ông Tấn vẫn băn khoăn trong việc chọn lựa giữa các loại hạt giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan hoặc các thương hiệu lớn ở trong nước, hàng trôi nổi trên thị trường.

“Trồng rau mầm, rau sạch thì dễ. Việc khó nhất là phải biết phân biệt hạt giống thuần chủng, hạt giống không bị xử lý chất bảo quản. Loay hoay một thời gian cuối cùng tôi chọn mua các loại hạt sá (hạt loại 2) của giống củ cải trắng, đậu phộng, đậu nành, đậu xanh, đậu đen, hướng dương… ở các chợ. Hạt sá có ưu điểm là không bị xử lý thuốc bảo vệ thực vật, dễ mua, giá rẻ hơn hạt giống của các thương hiệu lớn”, ông Tấn nói.

Ông Tấn cho biết thời điểm năm 2003-2004, trung bình mỗi ngày cơ sở Bình Tân Xanh cung ứng cho các chợ đầu mối, nhà hàng, dịch vụ nấu ăn… khoảng 300 ki lô gam rau mầm. Giá bán do người trồng rau quyết định, khá vô chừng, từ 70.000-150.000 đồng/ki lô gam. Với mức giá này, trừ các khoản chi phí đầu tư, vận chuyển số tiền lãi chiếm khoảng 50%. Giai đoạn này tiến trình đô thị hóa tại TPHCM diễn ra nhanh chóng. Đất đai ở vùng ven ùn ùn tăng giá, diện tích đất canh tác rau xanh bị thu hẹp đáng kể, quận Bình Tân cũng nằm trong số đó. Chứng kiến những người dân nghèo ở địa phương không có nghề nghiệp ổn định, vốn ít, ông Tấn đã liên hệ với Hội Nông dân quận Bình Tân để dạy nghề trồng rau mầm miễn phí. Những năm sau đó, ông dần giao lại các mối hàng cho họ.

Cơ hội kinh doanh từ việc trồng rau mầm, rau sạch dần dần rộng mở không chỉ với các doanh nghiệp mà còn với các hộ dân, hình thành nên những thương hiệu như Mầm Việt (quận Bình Thạnh), Phúc Đại Dương (quận Thủ Đức), Chánh Nông (quận 8), Trang Nông, Trí Văn Nông (quận 6), Đất Sạch (quận 10)… Các đơn vị tham gia vào lĩnh vực này đa phần đều cung ứng trọn gói từ hạt giống đến phương tiện trồng rau, cách lai tạo giống, thụ phấn nhân tạo, tư vấn cách trồng.

Hiện nay giá bán một ki lô gam rau mầm không có thương hiệu tại các chợ đầu mối đã giảm xuống còn khoảng 24.000 đồng, trong đó tiền lãi là 5.000 đồng.

Cơ hội nhiều, lối đi trắc trở

Theo ông Võ Thanh Liêm, thành viên sáng lập Công ty Đất Sạch (quận 10) kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nguồn Sinh Thái, huyện Hóc Môn, TPHCM, trồng rau mầm, rau sạch thu được lợi nhuận cao so với cách trồng rau truyền thống, đặc biệt là rau xuất khẩu giá trị cao. Tuy nhiên, hiện các đơn vị trồng rau an toàn đang gặp phải một số khó khăn và cản ngại.

Thứ nhất, thị trường trong nước chưa có sự liên kết. Người tiêu dùng nhận thức được vấn đề an toàn thực phẩm nhưng gặp khó khăn trong việc chọn mua, nhận biết thực phẩm an toàn. Thứ hai, với thị trường xuất khẩu, sản phẩm đạt được tiêu chuẩn, giá bán cao, có thị trường, có khách hàng tiêu thụ ổn định nhưng quy mô canh tác nhỏ, sản xuất không tập trung nên không đáp ứng được những đơn hàng lớn. Thứ ba, có tình trạng hạt giống trồng rau mầm trên thị trường đã tẩm hóa chất bảo quản, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Đây là khó khăn chính trong việc phát triển lĩnh vực sản xuất, chế biến rau mầm.

Theo ông Quách Vĩnh Tấn, do lợi nhuận mang lại từ việc trồng rau mầm khá lớn, khoảng 5.000 đồng/ki lô gam nên đã thúc giục nhiều người nhảy vào lĩnh vực này. “Vấn đề là những người này không biết cách bảo quản rau mầm tươi lâu, sản phẩm không đồng đều chất lượng, giao hàng không đúng kỳ hẹn, không có kế hoạch phân phối sản phẩm theo từng mùa và nhu cầu của thị trường”, ông Tấn cho biết.

Ông Ngô Đức Vũ, Trưởng chi nhánh quận Thủ Đức của Công ty Phúc Đại Dương, có bốn năm gắn bó với nghề kinh doanh hạt rau mầm. Ông cho rằng thị trường TPHCM có vẻ như đang bắt đầu chững lại vì có rất nhiều đơn vị tham gia cung ứng. Trong khi đó những hộ dân trồng rau tại nhà để ăn thì bắt đầu ngán ngẩm vì ngày nào cũng dùng món ăn này. “Từ năm 2008 đến nay, sản lượng hạt giống rau mầm bán ra thị trường khu vực quận Thủ Đức tăng không đáng kể, khoảng 1-2 tạ/năm”, ông nói.

Theo nhận xét của người đại diện Công ty TNHH Dũng Nga, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, việc kinh doanh hạt rau mầm, rau sạch chỉ thích hợp với những thành phố lớn không còn quỹ đất canh tác rau và các loại hoa màu, cũng như những thị trường mới tiếp cận với rau mầm.

Sau bốn năm kinh doanh hạt giống rau mầm, hiện doanh nghiệp này đã chuyển sang hướng làm ăn khác. Lý do được Công ty Dũng Nga đúc kết là người dân thành phố Đà Nẵng vốn ưa chuộng các loại rau trồng truyền thống nên không hạp với các loại rau mầm.

Trở lại địa bàn tỉnh Phú Yên, ông Huỳnh Quang Điền cho biết khoảng hai năm nay, mức tiêu thụ hạt giống rau mầm trên thị trường tăng trưởng hơn 100%/năm. Kinh doanh rau mầm và thú vui trồng rau mầm tại nhà ở thành phố Tuy Hòa đang nở rộ. Tuy nhiên, nó có vẻ giống như trường hợp mà các tỉnh thành khác đã từng trải qua và cũng chưa biết sẽ đi về hướng nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới