Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh không gián đoạn: thử thách và cơ hội của doanh nghiệp trong dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh không gián đoạn: thử thách và cơ hội của doanh nghiệp trong dịch bệnh

Vân Ly

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm, công nghiệp và công nghệ thông tin đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo giúp việc kinh doanh không gián đoạn bởi các đợt dịch bệnh bùng phát tại một cuộc tọa đàm trực tuyến diễn ra chiều ngày 24-6. Từ câu chuyện của chính đơn vị mình, các doanh nghiệp xác định những thử thách cùng cơ hội để chuyển mình trong khó khăn.

Kinh doanh không gián đoạn: thử thách và cơ hội của doanh nghiệp trong dịch bệnh
FPT Software ứng dụng thực tế ảo tổ chức hội nghị kinh doanh toàn cầu 2021 (Global Sales Conference 2021) để giữ kết nối với khách hàng, đối tác toàn cầu nhằm vượt qua những thử thách trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: DNCC

Cuộc chuyển đổi số: tự động hóa quy trình, dữ liệu lớn

Nói tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra mỗi doanh nghiệp gặp những thách thức và khó khăn khác nhau, nhưng điểm chung mà họ gặp phải là mọi thứ đều bất định. Các nhà máy của Nhựa Bình Minh đều nằm trong khu công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm, bị tác động bởi các quyết định của Chính phủ, địa phương về phòng chống dịch.

Ông Ngân cho hay khi dịch bệnh diển ra, Nhựa Bình Minh cố gắng làm sao số hóa được dữ liệu nhân viên. Doanh nghiệp chủ động giám sát hoạt động của nhân viên dựa trên thiết bị di động cá nhân, dựa trên bản đồ, khoanh vùng, dựa trên các công cụ của chính quyền để đảm bảo an toàn cho người lao động. Công ty đang tiến dần dần, từ việc tự động hóa thiết bị, dây truyền, công đoạn để tiến tới tự động hóa nhà máy. Nhựa Bình Minh đã tự động hóa hoàn toàn nhà máy ở Bình Dương, và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành tự động hóa nhà máy ở Long An.

Trước đó, Nhựa Bình Minh đã triển khai giải pháp phần mềm quản trị toàn bộ doanh nghiệp (ERP) cách đây 5 năm để tự động hóa dữ liệu và toàn bộ các hoạt động liên quan như đặt hàng qua mạng, hóa đơn điện tử, quản lý quan hệ khách hàng… Gần đây, công ty này đã triển khai các giải pháp tương tác với nhận viên từ xa bởi có nửa số nhân viên làm việc từ xa mùa dịch.

Ông Ngân cho hay từ năm ngoái, Nhựa Bình Minh đã chủ động thích ứng với việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống đại dịch. Bên cạnh đó, công ty này đã xây dựng các kịch bản từ lạc quan nhất đến xấu nhất như tất cả bị cách ly, phong tỏa.

“Khi dịch bệnh, Nhựa Bình Minh cho nhân viên làm việc tại nhà nhưng thu nhập không ảnh hưởng. Năm 2020 công ty vẫn tăng trưởng so với năm 2019, cụ thể: doanh thu tăng 8%, lợi nhuận tăng 24%, tăng thị phần 2%… Trong sáu tháng đầu năm nay công ty vẫn đảm bảo hoạt động, duy trì tốt hoạt động kinh doanh. Khó khăn lớn nhất hiện công ty gặp phải không đến từ covid mà từ việc giá cả của các yếu tố đầu vào tăng quá nhanh, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến yếu tố về cung ứng đầu vào bị ảnh hưởng”, ông Ngân chia sẻ.

Với những kết quả trên, ông Ngân cho rằng các doanh nghiệp muốn vượt khó khăn bởi Covid-19 phải chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Nhận định công nghệ có vai trò lớn trong hoạt động sản xuất của Nhựa Bình Minh, ông cũng không giấu việc đã thất bại 2 lần trong triển khai giải pháp ERP nhưng quyết tâm triển khai bằng được từ cách đây vài năm, và đó cũng chính là một trong những “bảo bối” để giúp doanh nghiệp này vượt qua khó khăn.

Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), chia sẻ câu chuyện về việc xây dựng những kế hoạch mang tính ngắn hạn (3 tháng), có tính linh hoạt cao và thường xuyên được cập nhật để thích ứng với một giai đoạn kinh doanh đầy biến động trong dịch bệnh.

Vinamilk tập trung vào ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, để từ đó tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho…

“Công nghệ là yếu tố quan trọng bên cạnh con người được đào tạo, huấn luyện tiếp cận công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh thay đổi bất định như hiện nay,” ông Liêm nhấn mạnh.

Chuỗi cung ứng hiện tại của Vinamilk dựa vào CNTT để có thể vận hành kết nối từ khâu đầu vào là mua sắm nguyên vật liệu đến đưa sản phẩm đến các cửa hàng, nhà phân phối. Căn cứ vào nhu cầu phát sinh và tồn kho tối thiểu tối đa dựa trên dữ liệu của hệ thống công nghệ để đưa ra những quyết định đặt hàng bao nhiêu.

Bộ phận kinh doanh của công ty cũng dựa trên dữ liệu của hệ thống để bán hàng trên toàn quốc. Vinamilk cũng nhờ đó mà biết được đội ngũ bán hàng đang ở dâu và đang làm gì để biết kế quả hoạt động bán hàng theo thời gian thực.

Để kết nối liên tục với nhân viên và đối tác trong bối cảnh dịch bệnh, mới đây doanh nghiệp đã triển khai phần mềm nội bộ My Vinamilk để chia sẻ thông tin đến 10.000 nhân viên, đồng thời cũng triển khai những mềm để chia sẻ với đối tác…

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm chiều ngày 24-6. Ảnh: DNCC

Ưu tiên cho mục tiêu kinh doanh không gián đoạn

Ở góc nhìn của một chuyên gia về công nghệ, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, chia sẻ về những mối ưu tiên để đảm bảo hoạt động kinh doanh không gián đoạn.

“Sẽ có nhiều doanh nghiệp cho rằng FPT là doanh nghiệp lớn, khác với các doanh nghiệp nhỏ. Thêm nữa FPT có nhiều công cụ, mạnh về CNTT… Nhưng thực chất FPT cũng là một doanh nghiệp. Và doanh nghiệp nào cũng vậy, lớn bé đều phải quản trị công ty giống nhau,” ông Khoa nói.

Ông Khoa cho rằng việc đầu tiên doanh nghiệp cần phải quan tâm đó là dòng tiền. Cần phải làm sao để toàn bộ thông tin tài chính đến với ban lãnh đạo theo thời gian thực, nhanh nhất có thể. Ban lãnh đạo cần phải biết ngay tại thời điểm nào đó đang tiêu bao nhiêu tiền, thu bao nhiêu tiền.

FPT có 9 đơn vị thành viên và 5 công ty liên kết, vậy làm thế nào để biết được số liệu kinh doanh tài chính ngay lập tức. Năm 2020, FPT đã xây dựng hệ thống thu thập, phân tích báo cáo các dữ liệu tài chính – hồ dữ liệu. Thực tế, đây là dự án mà FPT đã dự định triển khai từ lâu nhưng khi Covid-19 xảy ra mới đặt trọng tâm ưu tiên phát triển nó.

Ông Khoa cho hay chính việc xây dựng hồ dữ liệu đã cho FPT “bức tranh” tài chính toàn cảnh, phân tích dư liệu theo thời gian thực. Việc ban lãnh đạo mỗi ngày mỗi lúc đều có thể nhìn thấy dòng tiền của cả Tập đoàn FPT trên 27 quốc gia và vùng lãnh thổ và của các công ty thành viên đã giúp FPT đưa ra các quyết định nhanh hơn. Quản trị dòng tiền và thông tin tài chính liên tục là một trong những điều cốt tử.

Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, FPT sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu khách hàng. Trước đây, ban quản trị doanh nghiệp có thể phân tích dựa trên kinh nghiệm cá nhân, giờ đây phải phân tích theo dữ liệu. Dữ liệu giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng bán hàng trên chính sản phẩm của mình. FPT sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu khách hàng (Customer Insights Platform) giúp nâng cao chất lượng bán hàng, vận hành, chăm sóc khách hàng và chính sách phát triển sản phẩm. Kết quả sau khi triển khai đã giúp giữ chân tổng cộng 38.000 khách hàng, mang lại doanh thu 98,8 tỉ đồng; tiết giảm khoảng 35.000 cuộc gọi/tháng, giúp tiết kiệm thời gian gọi điện của nhân viên tổng đài.

Để tăng cường tiếp cận khách hang, FPT đã xây dựng bộ tổng tham mưu ở mọi cấp. Trước đây FPT mất một hai tháng hoặc nhanh cũng là một hai tuần để ra quyết định. Nhưng nhưng giờ đây có thể ra quyết định trong 24 giờ đồng hồ nhờ hỗ trợ của công nghệ. Sự thay đổi này đã giúp FPT ký kết được nhiều hợp đồng với đối tác tại Nhật Bản, Mỹ, Pháp… ngay trong thời điểm dịch bùng phát trên toàn cầu.

Theo ông Khoa, các doanh nghiệp cần không để mình rơi vào thế bị động. Bên cạnh việc chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động giảm thiểu các tác động của đại dịch và đón đầu, sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi của xã hội, thị trường, công nghệ… cần liên tục, linh hoạt triển khai các cách làm mới, nắm bắt cơ hội mới từ thị trường và ứng dụng công nghệ để nhanh chóng thích ứng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh không gián đoạn; thông suốt trong quản trị, vận hành. Việc tăng cường tương tác đa kênh đảm bảo kết nối không tiếp xúc nhưng liền mạch, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, đối tác, nhân viên dựa trên công nghệ cũng là một kinh nghiệm có thể áp dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới