Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh nhờ Twitter

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh nhờ Twitter

Vân Cầm

(TBVTSG) – Người dùng các mạng xã hội có lẽ quen thuộc với Facebook, MySpace hơn Twitter – được mệnh danh là dịch vụ “điện tín của Internet”, nhưng đã có những doanh nghiệp dùng Twitter để tiếp thị sản phẩm hay dịch vụ với chi phí hầu như bằng không.

Chris Savage, Giám đốc điều hành Wistia.com, khi tìm cụm từ “chia sẻ video riêng tư” trên mạng Twitter, đã thấy một tin nhắn: “Có một giảng viên cần tìm một trang web ‘chia sẻ video riêng tư’ để các chuyên gia có thể quan sát hành vi của người học – có ai biết giới thiệu dùm”.

Savage nhắn hỏi xem người gửi vẫn còn quan tâm đến trang web như thế không và chỉ ít phút sau ông đã có câu trả lời – rất quan tâm. Vậy là Savage tìm được một khách hàng rất tiềm năng chỉ trong ít phút.

Chris Savage là một trong những doanh nhân đang tận dụng những ưu điểm của mạng xã hội Twitter vào công việc kinh doanh. Mặc dù ông chỉ mới dùng Twitter được một năm, nhưng nó đã giúp ông kiếm được 12 khách hàng mà không tốn đồng xu quảng cáo nào cả. Những doanh nhân khác dùng Twitter như một công cụ nghiên cứu thị trường hay quan sát phản ứng của khách hàng.

Twitter khác với MySpace hay Facebook hay các trang web cung cấp dịch vụ blog ở chỗ nó rất đơn giản, không màu mè, không cần hình ảnh. Mỗi mẩu tin giới hạn trong 140 ký tự nên người sử dụng gọi nó là mini-blog.

Nhưng Twitter có chức năng tìm kiếm rất mạnh và tính kết nối cao nên người sử dụng có thể đăng ký theo dõi bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay các nhân vật nổi tiếng – mọi thông tin ngắn gọn như thế được cập nhật liên tục về máy tính hay về điện thoại di động. Hiện nay, ước chừng có 5 triệu người đăng ký sử dụng Twitter.

Nhà đồng sáng lập Twitter, Biz Stone, cho tạp chí BusinessWeek biết, ngay từ đầu khi Twitter ra đời vào năm 2006, nhiều doanh nghiệp nhỏ, biết không thể cạnh tranh bằng cách hiện diện một cách chính thức trên Internet, đã tìm đến Twitter. Ví dụ các tiệm bán bánh hay cà-phê ở San Francisco đã gửi tin nhắn trên Twitter đến khách hàng, thông báo về sản phẩm đặc biệt trong ngày hay báo cho họ biết đã hết một loại bánh nào đó. Một tài xế chuyên giao hàng dùng Twitter để cập nhật cho khách hàng biết xe ông ta đã đến đâu, sắp đến đâu…

“Doanh nghiệp sử dụng (Twitter) như một công cụ gắn kết dịch vụ tiếp thị và phục vụ khách hàng. Họ tìm thông tin trên Twitter để xem có ai nhắc đến sản phẩm của họ không,” Stone nhận xét.

Cái dở của Twitter là nhiều lúc dễ bị lạc lối, chìm ngập trong hàng trăm lời nhắn vô bổ. Cho nên doanh nghiệp muốn tận dụng nó phải có chiến thuật thông minh. Ví dụ, một người môi giới nhà có thể theo dõi cuộc thảo luận của những người đang bàn luận giá nhà, coi ai quan tâm mua nhà loại gì và đưa lên lời nhắn hữu ích cho họ chứ không phải quảng cáo trắng trợn.

Những lời đồn đoán trong tuần qua về chuyện Google muốn mua lại Twitter chứng tỏ trang web này đang là công cụ kinh doanh tiềm năng. Chỉ tính riêng hàng triệu thông tin người sử dụng đưa lên hằng ngày hằng giờ cũng đã là kho tàng cho Google cải thiện dịch vụ tìm kiếm thông tin hay làm chỉ dấu cho các trang web quan trọng.

Twitter do Jack Dorsey, một cựu sinh viên Đại học Cornell, sáng lập vào năm 2006. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó lan rộng trong cộng đồng các mạng xã hội. Ngày 10-8-2008, James Buck, một sinh viên Mỹ, bị bắt ở Ai Cập vì chụp ảnh một cuộc biểu tình chống chính phủ. Trên đường về đồn cảnh sát, Buck gửi tin nhắn lên Twitter rằng anh bị bắt. Ngay lập tức tin này lan truyền và sau nhiều cú điện thoại can thiệp từ nhiều nguồn Buck được thả ra vào ngày hôm sau. Trong vụ khủng bố tại Mumbai, tin tức cập nhật tại chỗ lên Twitter còn nhanh hơn tin chính thống đến nỗi báo chí phải lấy nguồn từ Twitter. Những vụ như thế càng làm Twitter nổi tiếng.

Hiện nay Twitter không có một mô hình kinh doanh làm ra tiền từ mạng lưới kết nối này nhưng người ta vẫn đồn đoán rằng Google có thể trả 1 tỷ đô-la để mua lại Twitter. Có thể Twitter sẽ phát triển thành một dạng tìm kiếm thông tin ngắn gọn kiểu hỏi đáp hay kiểu thông tin truyền miệng. Nhà đồng sáng lập Twitter vẫn tuyên bố họ muốn độc lập chứ không muốn bán Twitter cho ai. Trong khi đó, những người sử dụng khôn ngoan vẫn tận dụng ưu điểm của mạng lưới xã hội này để kinh doanh cho mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới