Thứ Năm, 28/09/2023, 07:25
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kinh doanh nữ trang cũng gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh nữ trang cũng gặp khó

Thanh Thương

Kinh doanh nữ trang cũng gặp khó
Khách đang xem trưng bày nữ trang ở gian hàng PNJ tại hội chợ. Ảhh: Thanh Thương

TBKTSG Online) – Tại hội chợ trang sức quốc tế đang diễn ra, các công ty kinh doanh nữ trang cho biết tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, nhất là trong 10 tháng đầu năm nay, vì giá vàng biến động mạnh và thị trường xuất khẩu bị tắc.

Tranh thủ hội chợ để bán lẻ

Năm nay số doanh nghiệp tham gia Hội chợ trang sức quốc tế diễn ra từ ngày 1 đến 5-11 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM lên đến 140 doanh nghiệp, tăng thêm 20 doanh nghiệp so với năm ngoái. Tuy nhiên, con số tăng thêm này chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ, trong khi số doanh nghiệp nước ngoài lại giảm so với những kỳ hội chợ trước. Một số doanh nghiệp tư nhân cho rằng, kinh doanh năm nay nhìn chung ế ẩm nên họ tìm đến hội chợ để bán hàng và đưa ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách mua. Năm ngoái, họ cũng thu được doanh thu khá lớn từ hội chợ.

Hội chợ quốc tế trang sức do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức hằng năm từ năm 2008 đến nay nhằm giúp doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến Việt Nam có cơ hội giao thương. Nhưng theo ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC, mục tiêu này trong các năm qua vẫn chưa đạt được.

Năm nay số doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội chợ chỉ còn 35 doanh nghiệp, sụt dần từ con số 60 doanh nghiệp tham gia năm đầu tiên 2008. Lý do sụt giảm, theo ông Chính, là những doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp rào cản khi chuyển từ tiền đồng Việt Nam thu được qua bán hàng sang ngoại tệ để mang về nước; đồng thời thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội chợ còn cao nên họ ngại ngần.

Kinh doanh nữ trang giảm sút

Cửa hàng trưởng một cửa hàng vàng lớn gần chợ Bến Thành sắp bị công ty cho nghỉ vì kinh doanh không hiệu quả. Theo anh này, trong hai năm gần đây, thu nhập từ mua bán trang sức – mặt hàng mang lại lợi nhuận chính – bị giảm sút nghiêm trọng vì giá vàng tăng nhanh nên người dân bớt mua sắm nữ trang. Theo anh này, công ty có 6 chi nhánh thì hiện tại đã giảm bớt 2, chỉ còn lại 4 chi nhánh.

Trong khi đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), một trong những doanh nghiệp mạnh của ngành nữ trang, cho biết doanh thu mặt hàng nữ trang trong 9 tháng của PNJ giảm 5% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên PNJ đưa ra con số giảm sút, vì các năm trước dù khó khăn nhưng công ty này vẫn trụ vững. Hiện tại, lợi nhuận trước thuế của mặt hàng nữ trang chiếm đến 77% trên tổng lợi nhuận của PNJ.

Theo một vị đại diện phụ trách mảng nữ trang của công ty SJC thì năm nay bán hàng nữ trang khó khăn hơn. Hiện lợi nhuận của SJC có được chủ yếu từ bán lẻ còn việc bán sỉ hàng nữ trang chủ yếu phục vụ phát triển thương hiệu, lợi nhuận không mang lại nhiều.

Tuy nhiên vị đại diện này cho rằng SJC sẽ vẫn chú trọng phát triển nữ trang vì vàng miếng đã không còn là mặt hàng chủ lực của SJC sau khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng có hiệu lực.

Xuất khẩu hết thời hoàng kim

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nữ trang cho biết, năm 2010 công việc làm ăn khởi sắc nhờ xuất khẩu nữ trang sang các nước, do giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới. Cũng trong thời điểm đó, một lượng vàng lớn được xuất đi dưới dạng nữ trang thô và điều này đã giúp cho doanh thu của nhiều công ty nữ trang tăng mạnh.

Nhưng trên thị trường hiện nay hoạt động xuất khẩu nữ trang gần như chỉ còn ở Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với doanh thu từ xuất khẩu vẫn còn chiếm 10% trong tổng doanh thu nữ trang. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc, do các đơn hàng hiện tại chỉ còn chủ yếu là vàng 8-10k nên giá trị thu được từ xuất khẩu giảm 30% so với trước.

Phần các doanh nghiệp vàng trong nước hiện chỉ tập trung bán hàng nội địa, kênh xuất khẩu gần như bị bỏ trống. Theo một đại diện của SJC, công ty này đã ngưng xuất khẩu vàng từ lâu do giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới một khoảng cách khá xa.

Theo một đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng, trong hai năm gần đây, việc xuất khẩu nữ trang của doanh nghiệp chững lại, một phần là do chênh lệch giá, một phần là do các đối tác đòi hỏi kỹ thuật cao nên trong nước không dễ đáp ứng được. Cũng một phần nữa là nhu cầu mua nữ trang ở một số quốc gia giảm sút do tình hình kinh tế khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới