Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh ô tô đầu năm gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh ô tô đầu năm gặp khó

Quốc Hùng

Thị trường ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Các nhà kinh doanh ô tô đang đối mặt với khó khăn trong bối cảnh thị trường ô tô vào mùa vắng khách của những tháng đầu năm. Thông thường thời điểm này có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng hầu hết các hãng đều phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng, khiến không khách hàng phải cân nhắc kỹ khi quyết định mua xe.

Chính sách tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước thay đổi được xem là cú sốc nặng đối với các nhà kinh doanh ô tô ở thời điểm này. Ngay từ giữa tháng 2, do tác động mạnh của tỷ giá giữa VND và USD được điều chỉnh tăng 9,3% khiến giá bán lẻ các loại ôtô tăng cao. Trong lúc các hãng xe còn “nhìn nhau” về hành động của các đối thủ của mình, thì Toyota Việt Nam – đơn vị dẫn đầu thị trường ô tô trong nước chính thức công bố việc điều chỉnh giá bán từ đầu tháng 3 với mức giá điều chỉnh tăng cao nhất lên đến 174 triệu đồng/chiếc và tăng thấp nhất là 34 triệu đồng/chiếc.

Liền ngay sau đó, liên tiếp các hãng xe khác như GM Daewoo (Vidamco), Trường Hải (Kia), Ford Việt Nam hay Honda Việt Nam… cũng tuyên bố chính thức thay đổi giá bán theo tỷ giá mới với mức tăng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/xe. Giá xe tăng mạnh theo tỷ giá buộc những người mơ ước cầm tay lái ô tô phải tính toán lại.

Nỗi lo lắng về tỷ giá chưa xong, đến lượt quyết định tăng giá xăng thêm 2.900 đồng/lít với xăng A92 mới đây lại khiến không ít nhà kinh doanh ô tô phải “khóc thầm” về gánh nặng cho kế hoạch kinh doanh của mình. Theo các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, đây là một mức tăng khá cao bởi khi đổ 100 lít xăng thì phí tăng thêm lên đến gần 300.000 đồng. Đây là một khoản chi thường xuyên đối với người lái ô tô.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh trên vẫn chưa theo giá thực tế của thị trường. Bởi lẻ, việc điều chỉnh giá xăng thêm 2.900 đồng/lít vừa qua mới bằng 44,66% mức lẽ ra phải điều chỉnh. Do đó, những ai quyết định mua xe ở thời điểm này cũng phải tính toán rất kỹ hoặc cân nhắc chuyển sang dùng chiếc xe tiêu hao nhiên liệu ít hơn.

Một khó khăn khác, theo giới kinh doanh ô tô đó là tín dụng mua xe. Theo các cửa hàng kinh doanh ô tô, phần lớn người mua xe dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhưng hiện nay lãi suất cho vay quá cao cùng với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn khiến người tiêu dùng chùn chân khi ra quyết định mua xe.

Mặt khác, trong điều kiện kinh tế khó khăn, các nguồn tiền cho vay tiêu dùng, chứng khoán hay bất động sản được thắt chặt cũng sẽ khiến nhiều người khó nghĩ đến việc mua xe lúc này. Cùng với những thông tin về việc các chi phí cao hơn cho mỗi chiếc xe như phí trước bạ, phí cấp giấy đăng ký, cấp biển số cho xe cơ giới… cũng làm cho người tiêu dùng có ý định mua xe phải xem xét lại.

Theo các nhà kinh doanh ô tô, những yếu tố trên sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thanh toán của khách hàng làm giảm đáng kể đến sức mua trên thị trường.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng mức sản lượng bán hàng của các nhà lắp ráp ô tô đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm lớn. Thực tế, khảo sát trên thị trường tại TPHCM, các nhà phân phối xe nhập khẩu cũng như kinh doanh xe ô tô lắp ráp trong nước than phiền thị trường quá ảm đạm. Khách hàng đến showroom chủ yếu để khảo sát giá bán.

Với sức ép tăng giá một cách đồng loạt cùng với những thông tin vế giá xăng, lãi suất ngân hàng… khiến hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp ô tô đều lo lắng cho kết quả kinh doanh của năm nay. Không ít hãng đang tính đến chuyện điều chỉnh lại chỉ tiêu kinh doanh đề ra theo hướng giảm so với dự báo ban đầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới