Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh tên miền: vừa làm vừa đợi chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh doanh tên miền: vừa làm vừa đợi chính sách

Vân Ly

Kinh doanh tên miền: vừa làm vừa đợi chính sách
Mới có khoảng 20% doanh nghiệp Việt có tên miền, do đó Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho việc đầu tư và kinh doanh tên miền. Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Hoạt động đầu tư và chuyển nhượng tên miền vẫn đang diễn ra tại Việt Nam, mặc cho hành lang pháp lý cho hoạt động này chưa rõ ràng, cụ thể và đầy đủ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tên miền đang kinh doanh theo kiểu vừa làm vừa đợi chính sách.

Vừa làm vừa chờ chính sách

Được biết, từ năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, trong đó quy định không còn cấm mua bán, chuyển nhượng tên miền. Tuy nhiên, để hoạt động này có thể diễn ra thuận lợi thì cần có những quy định rõ ràng.

Tên miền được chia thành hai dạng: tên miền cấp cao quốc tế dùng chung (có đuôi .com, .net, .biz, .info…) và tên miền cấp cao mã quốc gia (Việt Nam có tên miền mã quốc gia có đuôi.vn, Nhật là .jp, Trung Quốc là .cn…).

Việc phát triển tên miền cấp cao quốc tế dùng chung đang được Mỹ quản lý và phát triển theo hình thức thương mại như một loại hình dịch vụ trên mạng – với mục tiêu bán được càng nhiều càng tốt. Khác với tên miền quốc tế, việc quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia tùy thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia như: coi đó là nguồn tài nguyên thông tin hay là dịch vụ mang lại giá trị thương mại. Ví dụ như quốc đảo Tuvalu bán hẳn tên miền quốc gia có đuôi .tv để mỗi năm lấy nguồn lợi mấy triệu đô la Mỹ bổ sung vào GDP. Hay có một số quốc gia như Lào trong giai đoạn trước họ cho một công ty thuê để cung cấp đuôi tên miền .la dưới cách hiểu là Los Angeles…

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo quyết định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet – trong đó sẽ quy định cụ thể về những đuôi tên miền nào sẽ được chuyển nhượng quyền sử dụng. Các tên miền liên quan đến khối hoạt động thương mại và có đuôi .vn sẽ cho phép chuyển nhượng. Khối tên miền liên quan đến tổ chức, nhà nước, chính trị xã hội mới không được chuyển nhượng. Quyết định cũng sẽ nêu về trình tự thủ tục thực hiện từng bước quy trình chuyển nhượng tên miền sẽ như thế nào…

Bên cạnh đó, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, trong đó dành riêng một chương về chuyển nhượng tên miền có đuôi .vn, cho phép chuyển quyền sử dụng tên miền và trách nhiệm quản lý, sử dụng tên miền từ tổ chức, cá nhân này sang tổ chức, cá nhân khác.

“Đối với tên miền cấp cao mã quốc gia, hiện tại chưa có nhiều nước xây dựng rõ ràng chính sách chuyển nhượng, một số quốc gia vẫn còn duy trì chính sách cấm chuyển nhượng. Còn với tên miền quốc tế, bản chất là thương mại nên việc chuyển nhượng có thể được thực hiện dễ dàng, kể cả qua hình thức bán đấu giá bán như đồ vật trên mạng,” ông Tân nói.

Ông Tân cũng nhận định, trong quá trình hình thành và phát triển tên miền những năm qua, số lượng tên miền thường tăng đột biến sau mỗi lần điều chỉnh chính sách – chính sách ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển tên miền.

Cả nước hiện có hàng trăm nhà đầu tư tên miền, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh… Không chỉ đầu tư dưới hình thức cá nhân, đã có nhiều công ty hoạt động với mục đích đầu tư và kinh doanh tên miền. Và công ty Micronet có trụ sở tại Hà Nội là một trong những trường hợp như vậy. Đến nay Micronet đang sở hữu khoảng 3000 tên miền liên quan đến địa danh, cá nhân, doanh nghiệp…

Bà Lê Thúy Hạnh, phó giám đốc Micronet nói: “Hiện tên miền mà công ty này nắm giữ chỉ chiếm 1% lượng tên miền của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 20% lượng tên miền đẹp, có giá trị như: batdongsan.vn, tuyendung.vn, amnhac.vn, art.vn, gallery.vn. Mục tiêu đến 2017 Micronet sẽ đầu tư khoảng 20.000 tên miền.”

Thị trường tên miền Việt Nam đang được đánh giá là có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, chi phí cho đăng kí một tên miền chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn (tùy loại tên miền với các đuôi khác nhau như .name.vn hay .vn hoặc .com). Còn phí duy trì một tên miền trong vòng một năm cũng xê dịch từ vài chục đến vài trăm nghìn tùy loại.

Như vậy, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn để đăng ký và duy trì tên miền mỗi năm, nếu gặp may, tên miền có thể bán được hàng tỉ đồng. Giống như trường hợp của công ty an ninh mạng Bkav đã phải chi tới 2,3 tỉ đồng để mua lại tên miền www.bkav.com vào giữa năm 2012 của một công ty của Mỹ đã nhanh chân đăng kí trước, chuẩn bị cho kế hoạch toàn cầu hóa đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Bà Hạnh cho hay, hiện các nhà kinh doanh tên miền vẫn phải vừa làm vừa để chờ các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về chuyển nhượng tên miền. Trên thế giới, mua bán tên miền là một hoạt động kinh doanh rất thông thường. Người sử dụng có thể chuyển nhượng cho người khác, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển của các dự án, dịch vụ trên mạng Internet như thương mại điện tử, mua bán website… Thị trường tên miền đóng góp doanh thu khá lớn cho nền kinh tế thế giới. Doanh số giao dịch chuyển nhượng tên miền trong một ngày qua sàn giao dịch tên miền SEDO ước tính lên tới 45 triệu đô la Mỹ.

“Song tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có được thị trường tên miền đúng nghĩa do thiếu những quy định cụ thể rõ ràng. Nhiều giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền vẫn ngầm diễn ra, không có sự minh bạch về định giá tên miền, dẫn tới hiện tượng thổi giá cao quá mức đối với một số tên miền, làm biến dạng thị trường".

Thị trường tiềm năng

Theo ước tính của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hiện Việt Nam mới có khoảng 20% doanh nghiệp có tên miền. Còn tại hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn” do VNNIC tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh cho biết, tại tỉnh này có hơn 1400 tên miền .vn và hơn 2000 tên miền quốc tế đã được đăng ký. Trong khi đó, tính đến hết năm 2013, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 11800 doanh nghiệp.

“Tỉ lệ các doanh nghiệp tại Quảng Ninh có tên miền còn thấp, trong khi thương mại điện tử và các hoạt động quảng bá trên internet  ngày càng phát triển,” ông Hồng nhận xét.

Về hoạt động đầu tư tên miền, bà Hạnh nói: “Kinh doanh tên miền lợi nhuận lớn nhưng rất rủi ro. Mỗi năm Micronet trả phí 1,5 tỉ đồng cho chí phí đăng kí và duy trì tên miền trong khi mới thu lại được khoảng 1 tỉ đồng lợi nhuận từ tên miền.”

Bà Hạnh cho biết trong các tên miền hiện Micronet đã đầu tư thì chỉ có một lượng nhỏ tên miền sẽ được chuyển nhượng. Nhằm bù đắp khoản chi phí đầu tư tên miền, công ty này đã đưa một số tên miền vào kinh doanh theo các cách như: cho các đường link liên kết đến tên miền batdongsan.vn để thu tiền, cho thuê tên miền hay hợp tác với các đơn vị có chuyên môn liên quan đến tên miền ngành mà doanh nghiệp này đang sở hữu để kinh doanh trên tên miền đó và cùng chia lợi nhuận…

Ông Tân cho biết, việc đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam (có đuôi .vn) cũng theo thông lệ chung của quốc tế, ai đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Tên miền không chịu sự điều chỉnh của các quy định về sở hữu trí tuệ. Bởi mỗi tên miền trên internet là duy nhất trên toàn cầu, nên một người đã đăng ký thì người khác không thể sử dụng được. Trong khi với nhãn hiệu hàng hóa thì cùng một cụm từ, chữ biểu thị nhãn hiệu có thể cấp cho nhiều nhãn hiệu khác nhau (ví dụ nhãn hiệu "Quê Hương" có thể cấp cho khách sạn Quê Hương, nhà hàng Quê Hương, hay bánh đậu xanh Quê Hương…) vì trong nhãn hiệu hàng hóa ngoài yếu tố về phần chữ còn phân biệt qua phần hình, màu sắc, danh mục hàng hóa… Như vậy khi đăng ký tên miền, việc xác định ai là người chính đáng để được cấp phép là điều không thể. Do đó phải theo nguyên tắc ai đăng ký trước được quyền sử dụng trước.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới