Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh nghiệm của Hàn Quốc: “Bắt tay” ngay với CNTT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh nghiệm của Hàn Quốc: “Bắt tay” ngay với CNTT

Th. Phương

Hệ thống tàu điện ngầm tương tác giúp người sử dụng tìm đường đi xung quanh các nhà ga và những khu vực lân cận.

(TBVTSG) – Hàn Quốc đã chọn cách “bắt tay” ngay với những tiến bộ của công nghệ thông tin khi bắt đầu thiết kế xây dựng hệ thống giao thông quốc gia. Không chỉ đầu tư vào việc đào tạo nhân lực cho ngành này, Chính phủ Hàn Quốc còn luôn khuyến khích người dân tham gia vào việc thiết kế, xây dựng các ứng dụng hữu ích cho giao thông và nhờ vậy đã tạo ra một môi trường cung ứng các ứng dụng cho hệ thống giao thông thông minh (ITS) ngay từ trong nước.

Mệt mỏi với việc gọi đến đường dây nóng của nhà trường để tìm hiểu xem khi nào xe buýt của mình sẽ đến, Juwan Yoo không khỏi phấn khích trước sự xuất hiện của iPhone tại Hàn Quốc.

Ngay lập tức, cậu học sinh 17 tuổi này đã phát triển ứng dụng “Seoul Bus” có tính năng tìm kiếm trên các trang web giao thông công cộng và thu thập thông tin cập nhật theo thời gian thực về mọi điểm dừng xe buýt ở Seoul và những tỉnh lân cận.

Yoo cho biết hơn 400.000 người đã tải về ứng dụng miễn phí này của mình. Yoo đang được các nhà nghiên cứu và quan chức giao thông Hàn Quốc gọi trìu mến là “cậu sinh viên trung học” sau khi cậu dấn thân vào lĩnh vực hệ thống giao thông thông minh (ITS) với ứng dụng nói trên.

Tiết kiệm thời gian, tiền bạc

Tại Hàn Quốc, ngân sách dành cho ITS tiếp tục được giữ ở mức 230 triệu đô-la Mỹ mỗi năm từ nay cho đến năm 2020.

Những ITS hàng đầu thế giới đã được đưa vào sử dụng ở Hàn Quốc trong hơn mười năm qua nhờ sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của chính phủ. Ngân sách dành cho ITS tiếp tục được giữ ở mức 230 triệu đô-la Mỹ mỗi năm từ nay cho đến năm 2020. Trong khi đó, những kết quả nghiên cứu về ITS luôn nhanh chóng được ứng dụng trong thực tế.

Nhờ vậy, giới tài xế ở nước này giờ đây có thể sử dụng ví điện tử để trả tiền tại các trạm thu phí trên đường cao tốc. Trong khi đó, những thông tin cập nhật qua công nghệ định vị toàn cầu trên phân nửa trong số 17 triệu xe hơi có đăng ký giúp người tài xế biết được họ có thể bị muộn bao nhiêu phút và hướng dẫn họ đi tuyến đường nào nhanh hơn, nếu được. Xe buýt được lắp đặt bảng điều khiển để giúp các bác tài chạy đúng giờ. Hàng triệu hành khách có thể tìm kiếm chuyến xe buýt hoặc xe điện tiếp theo thông qua lịch trình được cập nhật từng phút trên bảng điện tử.

Ứng dụng Seoul Bus hiển thị thông tin cập nhật theo thời gian thực về mọi điểm dừng xe buýt ở Seoul và những tỉnh lân cận

Chưa hết, các nhà hoạch định chiến lược của Hàn Quốc còn đang tìm cách liên kết hệ thống giao thông tiên tiến của mình với công nghiệp xanh, vốn là động lực thúc đẩy nền kinh tế tương lai của đất nước này. Những ý tưởng đang được xem xét bao gồm một hệ thống dữ liệu cho phép người lái xe chọn những tuyến đường nhanh và thân thiện với sinh thái nhất.

Kee Yeon Hwang, Giám đốc Viện Giao thông Hàn Quốc (KOTI), cơ quan nghiên cứu về giao thông của chính phủ, nhận định: “Tình hình giao thông ở Hàn Quốc đã được cải thiện nhiều, kéo theo đó là chất lượng sống”. Ngoài ra, việc ứng dụng ITS còn giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Tốc độ giao thông trung bình tại Seoul đã tăng từ 20 km lên 24 km/giờ trong năm năm qua, trong khi số tiền tiết kiệm nhờ ITS là khoảng 1,5 tỷ đô-la mỗi năm.

Young-jun Moon, một nhà nghiên cứu tại Phòng chính sách và thực thi tăng trưởng xanh của KOTI, nhận định: “Chính phủ biết chính xác những gì phải làm. Họ đầu tư tiền và xem đây như là một dự án của mình. Việc lắp đặt đường dây cáp quang dọc theo đường cao tốc là rất tốn kém – một cây số phải đầu tư khoảng 100.000 đô-la. Chúng tôi hiện có 3.500 km đường cao tốc, dọc theo đó là đường dây cáp quang. Đây chính là trụ cột của hệ thống thông tin liên lạc của chúng tôi”.

Tận dụng CNTT

Màn hình hiển thị thông tin theo thời gian thực cho biết lịch trình xe buýt đến và đi tại nhà ga Seoul.

Ngành công nghiệp xây dựng đã giúp biến Hàn Quốc từ nơi có nhiều vùng đất hoang vu sau nội chiến thành một nền kinh tế hiện đại và thịnh vượng. Kể từ đầu những năm 1990, ngành công nghiệp này đã “bắt tay” ngay với lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

“ITS chỉ tốn khoảng 1% kinh phí đầu tư cần thiết để xây dựng một con đường bốn làn xe”, ông Moon nói. Hầu hết các con đường hiện nay đều từng rơi vào cảnh ùn tắc giao thông, gây ra thiệt hại không nhỏ.

Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp đường cao tốc Nhật Bản, người lái xe nước này mất khoảng 3,5 tỷ giờ làm việc tiềm năng do kẹt xe mỗi năm, tương đương với số tiền 109 tỷ đô-la. Trong khi đó, tại Mỹ, người đi làm bằng vé tháng và hàng hóa được vận chuyển bị trì hoãn khoảng 4,2 tỷ giờ một năm.

Tổ chức Phát minh và Công nghệ thông tin (ITFT), có trụ sở ở Washington, cảnh báo rằng mức tổn thất này càng đáng được quan tâm trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu tăng cường đầu tư vào ITS. Tại Mỹ, việc nghiên cứu về ITS vẫn giậm chân tại chỗ. Chính vì thế, ITFT đang kêu gọi một phương pháp tiếp cận ở phạm vi liên bang để giúp thiết lập hệ thống thông tin giao thông theo thời gian thực tại 100 thành phố lớn nhất vào năm 2014.

Điều trớ trêu là hệ thống giao thông ở Hàn Quốc được thiết lập dựa trên hệ thống đường cao tốc thông minh mà Cơ quan quản lý đường cao tốc liên bang Mỹ áp dụng vào những năm 90 của thế kỷ trước. Ông Hwang nói: “Đa số chuyên gia ở Hàn Quốc được đào tạo tại Mỹ. Chúng tôi học từ Mỹ nhưng không thấy nhiều điều được áp dụng ở đó”. Một phần nguyên nhân là các chính trị gia Mỹ thích xây những con đường truyền thống hơn là đầu tư vào những công nghệ tương lai.

Dù vậy, ngay cả ở Hàn Quốc, một số cuộc tranh cãi đã phát sinh trong quá trình áp dụng ITS. Chẳng hạn như Cơ quan Cảnh sát quốc gia kiểm soát đèn giao thông và điều chỉnh chúng dựa trên sự phàn nàn của giới tài xế nhiều hơn là trên dữ liệu được cung cấp bởi các nhà hoạch định giao thông. Ngoài ra, chính phủ cũng phải đối mặt với tình trạng nghẽn băng thông khi tìm cách chuyển việc liên lạc giao thông không dây sang băng tần 5,9 GHz để phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới. Điều trùng hợp là đây cũng chính là tần số mà các công ty phát sóng truyền hình di động đến đối tượng khách hàng là người đi làm bằng vé tháng.

(CNN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới