Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh nghiệm quản lý rủi ro giá cà phê tại các nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh nghiệm quản lý rủi ro giá cà phê tại các nước

Kinh nghiệm quản lý rủi ro giá cà phê tại các nước
Cà phê Comumbia – TL.

LTS: Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội cà phê Việt Nam đang xây dựng đề án thành lập Ban điều phối ngành hàng cà phê với sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

Chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin biên tập và giới thiệu bài viết “Kinh nghiệm quản lý rủi ro giá cà phê tại các nước” của tác giả Phương Nguyễn đăng trên website Giacaphe.com, nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý ngành hàng cà phê tại các nước.

Kỳ 1: Colombia, Costa Rica, Brazil cà Guatemala

Colombia

Những người trồng cà phê tại Colombia được tổ chức trong Liên đoàn nông dân trồng cà phê Colombia (National Coffee Growers Federation of Colombia – Federacafé). Federacafé mua cà phê từ người sản xuất, chế biến cà phê, bán chúng cho thị trường trong nước và hoạt động như một công ty xuất khẩu (cạnh tranh với công ty tư nhân).

Một trong những mục tiêu chính của Federacafé là bảo vệ thu nhập của người nông dân thông qua việc đảm bảo giá cho họ. Việc đảm bảo mức giá trong nước như vậy thông qua quỹ bình ổn, Quỹ cà phê quốc gia (National Coffee Fund – NCF). Đây là một quỹ công được quản lý bởi Federacafé, hoạt động theo hợp đồng được tái ký kết hàng năm. Quỹ hoạt động ở cấp độ xuất khẩu, bao trùm cả Federacafé và công ty xuất khẩu tư nhân.

Nguồn lực tài chính được tích lũy trong suốt thời gian giá thế giới cao được sử dụng để hỗ trợ giá trong nước khi giá thế giới thấp.

Trong suốt giai đoạn giá cà phê thấp kéo dài bắt đầu từ cuối những năm 90, khi giá trong nước cứ mỗi vài tuần lại được điều chỉnh giảm để giữ cho NCF không mắc nợ, Federacafé đã xem xét khả năng sử dụng hợp đồng giao sau và quyền chọn nhằm đảm bảo quỹ không bị mất hết.

Costa Rica

Costa Rica lại có một hệ thống chuỗi ngành hàng cà phê khá đặc biệt. Nông dân không bán mà vận chuyển cà phê đến công ty chế biến – công ty này sẽ chế biến và bán cà phê trên danh nghĩa nông dân; lợi nhuận được chia ra.

Là một phần của chuỗi giá trị ngành hàng, nông dân sẽ nhận được khoản tiền ứng trước, vài tháng trước khi vận chuyển cà phê đến nhà máy chế biến. Công ty chế biến thanh toán một phần nữa khi nông dân vận chuyển cà phê đến, và phần còn lại (thông thường khoảng 40%) sẽ thanh toán sau khi xuất khẩu.

Hầu hết những công ty chế biến là tư nhân, nhưng nhóm chế biến lớn thứ hai tại Costa Rica do Liên đoàn Hợp tác xã nông dân trồng cà phê (Federation of Cooperatives of Coffee Growers) nắm giữ.

Điều này mang lại cho nông dân mức giá tối thiểu một cách hiệu quả. Và cũng hấp dẫn nhà chế biến sử dụng hợp đồng quyền chọn để chốt giá bán tối thiểu: họ có thể sử dụng hợp đồng quyền chọn để cung cấp mức giá tối thiểu cao hơn cho nông dân và do đó tăng tính cạnh tranh so với những công ty chế biến khác (khu vực chế biến tại Costa Rica rất cạnh tranh) – và tránh rủi ro nếu như giá giảm, sẽ gây tổn thất lớn.

Hợp đồng quyền chọn do đó được sử dụng rộng rãi kể từ những năm đầu thập niên 90.

Guatemala

Nông dân trồng cà phê tại Guatemala có mức độ phòng hộ tương đối cao, đó là do chương trình xây dựng và đào tạo năng lực lâu dài của Liên hiệp nông dân trồng cà phê quốc gia (National Coffee Growers’ Federation – Anacafé).

Đây là tổ chức tư nhân hoạt động phi lợi nhuận. Anacafé chỉ là nhân tố tạo điều kiện thuận lợi chứ không cung cấp tín dụng cũng không phải là môi giới. Nông dân tiếp cận tín dụng ngân hàng thương mại thuận lợi hơn thông qua hệ thống tín dụng được Anacafé giới thiệu vào năm 1994.

Sử dụng các công cụ quản lý rủi ro là điều kiện tiên quyết để tham gia vào chương trình tín dụng này. Điều này làm giảm đáng kể rủi ro cho ngân hàng, cho phép họ cung cấp tín dụng cho nông dân trồng cà phê với lãi suất thấp nhất (theo ước tính của Anacafé, điều này dẫn tới tiết kiệm lãi suất cho nông dân được hơn 10% giá trị khoản vay – khoảng 2 triệu đô la mỗi năm).

Các cuộc khảo sát trong những năm đầu của thế kỷ 21, khi giá cà phê chạm tới mức thấp nhất trong lịch sử, nông dân cho rằng chính sách phòng hộ là nhân tố quan trọng giúp họ duy trì cuộc sống.

Hệ thống này có những thành phần sau:

Anacafé tổ chức đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau cho nông dân, giúp nông dân hiểu và tính toán chi phí sản xuất; giải thích cơ chế hoạt động của tín dụng nông nghiệp; và giải thích cách thức mà các thị trường thế giới xác định giá cà phê, cách mà rủi ro được quản lý. Anacafé duy trì việc cập nhật thông tin thị trường cho nông dân – nông dân nhận được các máy nhắn tin cung cấp giá trên các thị trường giao sau.

Nhân viên Anacafé sẽ đánh giá sản lượng tiềm năng và hỗ trợ nông dân những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục vay.

Anacafé cung cấp cho nông dân danh sách các ngân hàng mà Anacafé ký kết thỏa thuận, và tùy nông dân chọn ngân hàng nào. Đơn vay và các giấy tờ cần thiết sẽ được Anacafé chuyển đến cho ngân hàng.

Thông thường ngân hàng sẽ chấp nhận khoản vay nhưng với điều kiện là nông dân phải tham gia vào một chiến lược phòng hộ (có thể chọn các công cụ như hợp đồng kỳ hạn giá cố định, bán hợp đồng giao sau, mua hợp đồng quyền chọn bán …).

Nông dân thường phòng hộ rủi ro về giá thông qua một công ty xuất khẩu mà họ giao dịch với cùng khối lượng hàng mà họ sẽ giao. Công ty xuất khẩu quản lý rủi ro bằng cách bán hợp đồng giao sau hoặc mua hay bán hợp đồng quyền chọn trên sàn NYBOT của Mỹ.

Anacafé cung cấp thông tin và hỗ trợ công ty xuất khẩu quản lý rủi ro (nếu như nông dân không giao hàng, công ty xuất khẩu có thể chịu những khoản lỗ không được bù đắp khi ở vị thế trong các hợp đồng giao sau và quyền chọn), nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Cũng như vậy, Anacafé không giúp nhà xuất khẩu có được nguồn quỹ để tài trợ tài chính cho những giao dịch này. Điều này rõ ràng là phần yếu nhất của hệ thống: nhà xuất khẩu đơn giản là không có đủ nguồn tiền để quản lý rủi ro giá của rất nhiều nông dân.

Tất cả nông dân trong nước, theo quy định của luật, đều liên kết với Anacafé và có thể tham gia chương trình này. Những nông dân nhỏ (nhiều nông dân tại Guatemala sản xuất ít hơn 2.000-3.000 lbs (1 lb = 0,454 kg), so với kích thước hợp đồng giao sau NYBOT là 37.500 lbs) cũng có thể sử dụng các công cụ quản lý rủi ro bằng cách tập hợp nhiều nông dân nhỏ lại với nhau. Hợp tác xã cũng có thể tham gia – ví dụ, trong một trường hợp, một hợp tác xã 400 thành viên, bao gồm nhiều nông dân không biết chữ, cùng phòng hộ trên thị trường New York.

Tỷ lệ nông dân tham gia phòng hộ tăng từ 0% đến khoảng 20% vào cuối những năm 90, đó là kết quả của những hoạt động của Anacafé. Trong một cuộc khảo sát, nhiều nông dân tham gia đã cho biết chính sách phòng hộ của họ có vai trò chủ chốt để duy trì cuộc sống.

Những năm đầu thập niên 90, Guatemala cũng sử dụng khoản vay liên kết với giá hàng hóa [commodity price-linked loan]. Anacafé phát hành một trái phiếu trên thị trường vốn của Mỹ, lợi nhuận sẽ cho nhà xuất khẩu cà phê của nước này vay lại – những nhà xuất khẩu đã trải qua giai đoạn sụp đổ của thị trường cà phê trong cuối những năm 80.

Anacafé nhận 1% mức phí mà nông dân phải trả dựa trên số tiền tín dụng mà họ vay.

Ngân hàng không sẵn sàng tài trợ tài chính trước cho các chi phí phòng hộ này là một trở ngại chính gây khó khăn cho việc mở rộng hoạt động phòng hộ của nông dân. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao công ty xuất khẩu thường đê nghị nông dân sử dụng collar, cũng được biết với tên gọi “hợp đồng quyền chọn chi phí bằng 0”: phí mua quyền chọn bán sẽ được bù đắp bằng phí bán quyền chọn mua – nông dân được bảo vệ khỏi rủi ro giá giảm nhưng đồng thời cũng từ bỏ tất cả hoặc một phần lợi nhuận nếu giá tăng.

Thực hiện năm 2000, là một phần nghiên cứu của lực lượng đặc nhiệm về quản lý bất trắc trong nông sản hàng hóa ở các nước đang phát triển (International Task Force on Commodity Risk Management in Developing Countries) của Ngân hàng Thế giới, và kinh nghiệm của Guatemala được đề cập như một trong những nội dung chính trong phim tài liệu nói về sự phù hợp của quản lý rủi ro giá cho các nước đang phát triển.

Kỳ 2: Kinh nghiệm của Ấn Độ, Nicaragua, và Tanzania

Nguồn: Phương Nguyễn/Giacaphe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới