Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế bất ổn vì đầu tư công kém hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế bất ổn vì đầu tư công kém hiệu quả

Tư Giang

Kinh tế bất ổn vì đầu tư công kém hiệu quả
Đầu tư công kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân làm bất ổn kinh tế vĩ mô. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Nền kinh tế Việt Nam trở nên bất ổn như hiện nay một phần là do đầu tư công của nhà nước quá lớn mà kém hiệu quả, cộng với cách thức can thiệp ngày càng tăng của nhà nước vào thị trường.

Đây là nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Lê Xuân Bá, tại hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” do Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội.

Ông Bá cho biết, trong giai đoạn 2001-2005, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội trung bình 39,1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) thì thu được tăng trưởng bình quân là 7,2%. Đến giai đoạn 2006- 2009, tổng vốn đầu tư toàn xã hội  tăng lên 42,7% GDP thì tăng trưởng bình quân chỉ là 6,92%.

Trong khi đó, đầu tư của khu vực công chiếm tới 45,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, một tỷ lệ rất cao trong một thập kỷ qua. Tính theo tỷ lệ GDP trong 10 năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước lên đến 9,8%, vốn của doanh nghiệp nhà nước 4,8%, và vốn tín dụng nhà nước 2,5%.

Ông Bá nói hiệu quả đầu tư rất kém bởi hệ số ICOR (hệ số đo lường hiệu quả đầu tư) đã liên tục tăng cao trong 10 năm qua.

Ông Bá cảnh báo rằng: “Chúng ta đã bỏ ra quá nhiều vốn nhưng mang lại rất ít hiệu quả. Nếu cứ giữ cung cách làm ăn như thế này thì kinh tế còn thụt lùi đi nữa”.

Ông bổ sung thêm, hiện tại các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã gửi danh mục dự án đầu tư công trong năm tới ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng số tiền 300 tỉ đô la Mỹ.

Ông nói: “Với một nền kinh tế quy mô 105 tỉ đô la Mỹ hiện nay, thì chúng ta không được ăn gì, làm gì trong 3 năm mới đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư chỉ trong 1 năm”.

Ông cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính rằng, nếu gộp trái phiếu chính phủ vào bội chi thì bội chi ngân sách lên tới 9,7% GDP và 8,7% GDP năm 2009 và 2010, cao hơn rất nhiều so với con số chính thức khoảng 5% GDP.

Hệ quả của đầu tư công mở rộng, theo ông Bá, xuất phát từ tư duy nhà nước “muốn làm quá nhiều việc” thay thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, mức nợ công bằng 56,7% GDP tính đến cuối năm ngoái như Bộ Tài chính công bố đã vượt ngưỡng nợ công thận trọng 40% GDP mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị cho các nền kinh tế mới nổi.

Trong số các quốc gia mới nổi trong khu vực, nợ công của Việt Nam xếp cao nhất, chỉ sau Singapore và Ấn Độ trong năm 2010, ông Thành trích số liệu của IMF.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, nguyên nhân bản chất dẫn đến sự bất ổn kinh tế tại Việt Nam là do cấu trúc của nền kinh tế.

Ông dẫn chứng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp nhà nước đang ở mức rất cao, do chính sách cho vay dễ dãi của nhiều ngân hàng. Điều này có nguy cơ làm tổn thương hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6- 6,5% trong năm 2012, thấp hơn so với Nghị quyết Đại hội 11 là 7- 7,5% nhằm “ồn định lại kinh tế vĩ mô”.

Ông Ninh nói Chính phủ kiên quyết tái cấu trúc ba khu vực chính là đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, như kết luận của Hội nghị trung ương 3 vừa qua, trong 1- 2 năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới