Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nặng vì biến thể Delta

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nặng vì biến thể Delta

Khánh Lan

(KTSG Online) – Châu Á đang nổi lên như một mắt xích yếu trong tiến trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ của toàn cầu vì các hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 gây kìm hãm hoạt động sản xuất ở một số nước trong khu vực.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến và tiến độ tiêm chủng chậm đang đe dọa chặn đứng đà phục hồi kinh tế ở châu Á, khu vực vốn sớm thành công trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh vào thời kỳ ban đầu.

Với tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm hơn so với phương Tây, châu Á đang phải đối mặt mối thách thức lớn hơn trong đại dịch Covid-19 do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra. Sự lây lan của biến thể này đang đe dọa làm tổn thương lòng tin của người tiêu dùng và làm xói mòn lợi thế của nhiều nền kinh tế châu Á với tư cách là những cường quốc sản xuất và xuất khẩu.

Kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nặng vì biến thể Delta
Đường phố vắng tanh ở Kuala Lumpur, Malaysia trong thời kỳ phong tỏa để kiểm soát đà lây lan của biến thể Delta. Ảnh: Sofa Imges/Zuma Press

Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Các nước ở Đông Nam Á nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, khiến các chính phủ trong khu vực phải triển khai các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa mới. Khi hoạt động sản xuất ở các nhà máy suy giảm khắp Đông Nam Á, Indonesia và Malaysia, hai nước gần đây chứng kiến số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt, là những nước bị tác động nặng nề nhất, theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, nhưng tỷ lệ đó ở các nền kinh tế mới nổi thấp hơn một nửa. Ở nhiều nước Đông Nam Á, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn.  Khoảng 8% dân số Indonesia và Philippines đã được tiêm vaccine đầy đủ, và tỷ lệ này ở Thái Lan chỉ khoảng 6%.

Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao của chi nhánh Ngân hàng Natixis (Pháp) tại Hồng Kông, nói: “Chiến lược ngăn chặn Covid-19 theo cách của năm 2020 là một chiến lược không bền vững trong tương lai bởi vì nó chỉ giúp câu giờ”. Malaysia đã yêu cầu các nhà máy trong các lĩnh vực không thiết yếu như may mặc phải đóng cửa từ đầu tháng 6 sau khi một loạt ổ dịch Covid-19 bùng lên ở  những nơi này.

Tan Thian Poh, Chủ tịch Công ty Asia Brands, một doanh nghiệp may mặc ở Malaysia, cho biết các quy định kiểm soát Covid-19 khiến công ty ông không thể sản xuất quần áo trong 2 tháng, dẫn đến việc giao hàng cho khách hàng nước ngoài bị trì hoãn. Phao cứu sinh duy nhất đối với các nhà máy của ông là sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, vốn được xem là hàng hóa thiết yếu theo định nghĩa của chính phủ dù công ty ông bị hạn chế sử dụng lượng công nhân ở mức 60% so với bình thường.

Ông cho biết những khách hàng đặt may quần áocó thể chuyển đơn hàng sang các nhà cung cấp từ bên ngoài Malaysia.

Do tính liên kết chặt chẽ của các chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á, việc đóng cửa nhà máy ở một nước này có thể gây ra vấn đề ở nước khác. PT Pan Brothers, một nhà sản xuất hàng may mặc ở Indonesia với 31.000 công nhân, được phép hoạt động với đầy đủ công nhân vì ngành nghề của công ty này được xem thiết yếu.

Tuy nhiên, PT Pan Brothers không hoàn toàn tránh khỏi những thách thức trong sản xuất vì tác động của Covid-19 khi hoạt động giao hàng nguyên liệu thô từ Việt Nam và các nước khác bị trì hoãn do tình trạng phong tỏa ở những nước  đó, Anne Patricia Sutanto, Phó Giám đốc PT Pan Brothers, cho hay.

Một điểm tiêm vaccine Covid-19 ở Manila, thủ đô của Philippines. Cho đến nay, mới chỉ có 8% dân số Philippines được tiêm vaccine đủ hai mũi. Ảnh: Getty

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc chậm lại

Nhu cầu nước ngoài đã thúc đẩy các nền kinh tế xuất khẩu như Trung Quốc và Hàn Quốc trong đại dịch, với các nhà máy phải chạy đua để sản xuất kịp các đơn hàng đặt mua từ xe đạp đến đồ nội thất và thiết bị điện tử của người tiêu dùng nước ngoài. Nhưng động lực tăng trưởng  đó đang có dấu hiệu chững lại. Ở Trung Quốc, trong tháng 7, các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, cho thấy nhu cầu trong nước và nước ngoài đang suy giảm.

Chỉ số phụ theo dõi đơn hàng xuất khẩu mới trong chỉ số PMI của ngành sản xuất giảm xuống còn 47,7 điểm trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 6 -2020. Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy nhiều nhà xuất khẩu báo cáo đơn hàng xuất khẩu giảm và nhu cầu nước ngoài đang hạ nhiệt.

Trung Quốc đang đối mặt với cơn bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất trong nhiều tháng với hàng trăm ca nhiễm có liên quan đến ổ dịch ở thành phố Nam Kinh đã được ghi nhận. Giới chức trách đang siết chặt kiểm soát biên giới và tăng tốc tiêm vaccine Covid-19 nhưng biến thể Delta đang thách thức nỗ lực đó.

Lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc, tăng trưởng 29,6% trong tháng 7 so với cách đây một năm. Nhưng đà tăng trưởng này chậm hơn mức tăng trưởng 39,8% được ghi nhận trong tháng 6. Hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ đối mặt với những khó khăn tương tự, bao gồm tình hình bất ổn trong chuỗi cung ứng trong những tháng tới.

Gây trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng của chuỗi cung ứng toàn cầu

Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh ở châu Á, trong khi nỗ lực triển khai tiêm chủng bị tụt lại, điều này có thể dẫn đến một loạt tác động kinh tế lâu dài hơn. Khu vực này đóng vai trò là nền tảng sản xuất toàn cầu, vì vậy, các lệnh phong tỏa đã kìm hãm sản lượng của các nhà máy ở các nước như Thái Lan, nơi một số nhà máy của Toyota đã phải tạm thời đóng cửa.

Các rủi ro đó đang làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng của các chuỗi ung ứng trên toàn cầu giữa lúc chi phí vận tải biển tăng vọt. Jingyi Pan, chuyên gia kinh tế của IHS Markit, cho biết: “Đó không phải là điềm báo tốt cho bức tranh lạm phát toàn cầu”.

Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương ở châu Á khó bám sát các kế hoạch bình thường hóa ban đầu. Một số ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian dài hơn. Điều này có thể làm tăng thêm rủi ro về dòng vốn mà các nước châu Á đang đối mặt vì có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng.

Các nhà kinh tế cho biết, tất cả những cản lực này đối với đà phục hồi hoàn toàn trong khu vực có thể khiến nhiều nước xem xét lại hiệu quả của việc áp đặt các đợt phong tỏa kéo dài và tăng tốc triển khai tiêm vaccine Covid-19, cho phép họ mở cửa trở lại nền kinh tế. Singapore, nước lên kế hoạch nới lỏng các hạn chế biên giới vào cuối năm nay khi đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 80% dân số, có thể là một hình mẫu tốt để học hỏi.

Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chi nhánh Công ty Moody ’s Analytics ở Singapore, nói: “Yếu tố quan trọng là các chính phủ trong khu vực duy trì các biện pháp kiểm soát di chuyển hoặc giãn cách xã hội trong bao lâu và quản lý chúng nghiêm ngặt như thế nào để giữ an toàn cho sức khỏe cộng đồng”. Ông nói thêm: “Nếu vaccine Covid-19 không được tiêm nhanh chóng, không có nhiều sự lựa chọn để kiểm soát Covid-19 trong khu vực ngoại trừ việc siết chặt các hạn chế đi lại”.

Ở phương Tây, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao hơn đang cho phép hoạt động kinh tế trở lại mức bình thường. Ở Mỹ, nước đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho 168,4 triệu người, tương đương 49,6% dân số, trong quí 2, sản lượng kinh tế đã tăng vượt mức trước đại dịch.

Các nhà máy ở châu Âu báo cáo mức tăng trưởng sản lượng sát mức kỷ lục trong tháng 7. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), nơi các nền kinh tế đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong những tháng gần đây, các doanh nghiệp đã tuyển dụng  nhân viên với tốc độ kỷ lục trong tháng 7 nhờ lượng đơn đặt hàng mới vượt sản lượng ở mức chưa từng có trong 24 năm kể từ khi IHS Markit bắt đầu tiến hành các khảo sát.

Tại Mỹ, một số hạn chế về ở chuỗi cung ứng, vốn cản trở các nhà sản xuất trong 4-5 tháng qua, dường như đang giảm nhẹ, theo chỉ số PMI trong ngành sản xuất trong tháng 7, do Viện Quản lý Cung ứng (ISM), có trụ sở ở bang Arizona, Mỹ, cung cấp. Đà tăng giá nguyên liệu thô đã chậm lại và hoạt tuyển dụng đang tăng tốc ở Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ cũng cho biết các nhà cung cấp đã cải thiện tốc độ giao hàng.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới