Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế châu Âu không còn “miễn nhiễm”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế châu Âu không còn “miễn nhiễm”

Những chuyển biến của nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào quyết định nên tăng lãi suất hay không của ECB – Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Nhiều nước châu Âu đang đối mặt với lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Và sự tự tin của Liên minh châu Âu (EU) rằng nền kinh tế khối EU đủ sức “miễn nhiễm” trước những biến động ở nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới đã tan biến.

Phát sinh nhiều bất ổn

Các nền kinh tế Tây Ban Nha, Ireland và Đan Mạch đang bên bờ vực của sự suy thoái. Ý đối mặt với nền kinh tế đình trệ, còn kinh tế Pháp đang suy yếu nhanh chóng. Và Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU, có nhiều dấu hiệu chựng lại.

Kinh tế gia Thomas Mayer thuộc Ngân hàng Deutsche, London nhận định: “Châu Âu đang trải qua một sự thay đổi lớn. Các tin tức chẳng mấy tốt lành từ nền kinh tế thế giới rốt cuộc đã đến với chúng ta”.

Cách đây bốn tháng, một tuyên bố như thế có thể bị xem là xa vời khi niềm tin của các nhà đầu tư và sản lượng công nghiệp đều gia tăng ở Đức và Pháp bất chấp việc đồng euro tăng giá khiến cho hàng hóa từ châu Âu trở nên đắt hơn ở thị trường Mỹ và các thị trường sử dụng đồng đô la Mỹ khác. Và khi các “cơn bão” bắt đầu tấn công vào, châu Âu vẫn tỏ ra là một bến cảng an toàn, nằm sát cạnh Mỹ.

Tuy nhiên, một đồng euro tăng mạnh kết hợp với giá dầu cao cuối cùng cũng gây thiệt hại cho bộ máy xuất khẩu của châu Âu. Đồng euro đã tăng giá đến mức kỷ lục so với đồng đô la Mỹ và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa châu Âu ở các nước bắt đầu sụt giảm.

Các chuyên gia nhận định, Đức là nước duy nhất có đủ khả năng duy trì động lực và lấy lại đà phát triển cho khu vực bởi đây là nhà cung cấp máy móc và các hàng hóa thiết yếu khác cho Trung Quốc và các nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, người Mỹ đã ngừng mua ti vi và hàng hóa từ Trung Quốc nên nước này cũng bắt đầu cắt bớt các đơn đặt hàng mua máy móc của Đức.

Xuất khẩu của Đức trong tháng 5-2008 đã giảm 3,2% so với tháng trước và là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2004. Thặng dư thương mại cũng giảm từ 18,8 tỉ euro còn 14,4 tỉ euro (khoảng 23 tỉ đô la Mỹ).

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu ở Mannheim công bố vào ngày thứ Ba (15-7), niềm tin của các nhà đầu tư hiện đã giảm đến mức thấp nhất, kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 1991. Cụ thể, chỉ số tâm lý của các nhà đầu tư Đức đã giảm đến 11,5% còn -63,9 điểm do những lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ. Khi kinh tế Đức rơi vào suy thoái vào cuối năm 1992, chỉ số này là -62,2 điểm.

Cổ phiếu ở Tây Ban Nha đã giảm mạnh sau khi công ty phát triển nhà Martinsa-Fadesa tuyên bố tình trạng mất khả năng thanh toán sau khi thất bại trong việc vay tiền trả nợ. Giá nhà trung bình đã giảm mạnh trong quí 2-2008, lần sụt giảm đầu tiên trong một thập niên qua.

Ở Anh, tỷ lệ lạm phát tháng 6-2008 là 3,8%, chủ yếu do giá xăng và thực phẩm tăng. Một mối đe dọa khác đối với các nền kinh tế châu Âu là lạm phát gia tăng theo đường xoắn ốc dẫn đến áp lực tăng lương.

Hãng hàng không Đức Lufthansa cho biết liên đoàn đại diện cho nhân viên bộ phận buồng lái và mặt đất đã yêu cầu tăng lương lên 9,8% trong năm nay. Hiện nay, liên đoàn đang tập hợp lực lượng cho cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 tới vì không chấp nhận mức tăng 6,7% mà Lufthansa đề nghị.

Hơn nửa triệu công nhân ở Anh cũng biểu tình phản đối mức tăng lương 2,45% và đề nghị tăng 6%.

Kiềm chế lạm phát hay lấy đà tăng trưởng? 

Tỉ lệ lạm phát tháng 6-2008 của 15 nước sử dụng đồng euro đã tăng đến mức kỷ lục 4%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro được ban hành vào năm 1999 và tỷ lệ lạm phát của khối 27 nước EU là 4,3%, vượt xa mức chấp nhận 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Nhiều nhà kinh tế cho rằng châu Âu đang chịu nhiều tác động từ những chao đảo trên thị trường tài chính, tình trạng ngày càng xấu của nền kinh tế Mỹ và cho rằng sự sụt giảm này chuyển biến nhanh đến kinh ngạc.

Chính phủ các nước châu Âu hiện đang đứng trước lựa chọn hoặc kiềm chế lạm phát hoặc lấy lại đà tăng trưởng. Với tốc độ sụt giảm mau lẹ, các nhà kinh tế tin rằng châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát, nhất là đối với ban quản lý ngân hàng trung ương khi đưa ra lá phiếu quyết định có nên tăng lãi suất hay không.

Những tuyên bố gần đây từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các quan chức của ECB đã nâng cao khả năng các ngân hàng trung ương của thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Chủ tịch ECB, Jean-Claude Trichet, từng bỏ qua những lời phàn nàn từ các nhóm doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay quá cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. ECB lập luận rằng sự tăng trưởng của khu vực dùng đồng euro về cơ bản là lành mạnh, và yếu tố đe dọa sự ổn định của nền kinh tế chính là lạm phát, chứ không phải suy thoái. Nhưng ông từng khẳng định chính sách tiền tệ của ECB xét về trung hạn sẽ giảm lạm phát.

Ngân hàng ECB, đặt tại Frankfurt, Đức, hiện kiểm soát tình hình tiền tệ của 15 nước sử dụng đồng euro với hơn 318 triệu dân và chiếm hơn 15% GDP thế giới.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng ECB có khả năng hạ lãi suất chuẩn để bình ổn thị trường tiền tệ và tránh nguy cơ rơi vào suy thoái. ECB dự báo rằng tăng trưởng kinh tế quí 2-2008 của khu vực đang chậm lại.

Cách đây hai tuần, ECB đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm để chống lạm phát. Với đà lạm phát tăng đến 4%, gấp hai lần mức dự báo của ngân hàng, các nhà kinh tế cho rằng hiệu quả của quyết định tăng lãi suất này sẽ khá hạn chế. Kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào trì trệ ngay trong mùa hè này.

Ở Anh, tình hình kinh tế tồi tệ càng củng cố khả năng rằng ngân hàng Anh sẽ sớm cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng nhưng lạm phát gia tăng đã cuốn trôi niềm hy vọng này. Tuy nhiên, tình trạng ở Anh vẫn còn khả quan hơn so với những gì đang xảy ra ở Tây Ban Nha.

Với thị trường nhà ở bong bóng, các nhà kinh tế nói rằng Tây Ban Nha có thể rơi vào suy thoái ngay trong năm nay.

“Tình trạng nhà cửa rớt giá ở Tây Ban Nha hiện nay rất giống những gì vừa xảy ra ở Mỹ nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều”, kinh tế gia Jose Carlos Diez thuộc công ty môi giới Intermoney, Madrid cho biết.

Nhiều chuyên gia nhận định đây là thời điểm để định hình lại thị trường bất động sản Tây Ban Nha sau thời gian dài bùng nổ bong bóng. Tuy nhiên, sự tụt giá thẳng đứng như thế này có thể gây nhiều biến động xã hội.

Nhiều tài xế xe tải đã biểu tình trên khắp đường phố. Để giảm bớt áp lực từ tình trạng nhà cửa mất giá, Chính phủ Tây Ban Nha gần đây đã đưa ra gói kích thích tài chính được trích từ thặng dư ngân sách. Đây được coi là một phương thuốc dù chỉ xoa dịu được phần nào tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

MỸ HẠNH (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới