Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế hàng hải Trung Quốc hưởng lợi từ dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế hàng hải Trung Quốc hưởng lợi từ dịch

Đặng Dương – Tâm Vũ

(KTSG) – Khi những tin tức đầu tiên về việc phong tỏa thành phố Vũ Hán của Trung Quốc do dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 thì các dự đoán phổ biến trên các phương tiện truyền thông là con virus này rồi sẽ làm tê liệt kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành vận tải biển. Thế nhưng…

18 tháng sau, các dự đoán này đã bị đảo ngược. Các con tàu đang chở đầy ắp hàng hóa và trớ trêu thay, nơi bùng phát đại dịch giờ đây lại trở thành nền kinh tế có sự tăng trưởng ấn tượng nhất.

Thương mại Trung Quốc tăng trưởng

Xuất khẩu của Trung Quốc hiện nay thậm chí còn nhiều hơn so với thời điểm trước khi dịch bùng phát, nhờ vào những thay đổi trong hành vi tiêu dùng do dịch gây ra cộng với tác động từ gói cứu trợ của chính phủ, cũng được kích hoạt để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.

Theo PricewaterhouseCoopers, GDP quốc gia này tăng đến 18,3% trong quí 1 năm nay. Song hành cùng tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt những cột mốc ấn tượng.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm tháng đầu năm 2021 của Trung Quốc đạt trung bình 247,5 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm mà dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Và khi lượng hàng thành phẩm được xuất khẩu nhiều hơn, thúc đẩy nhu cầu vận chuyển container tăng trưởng, thì lượng nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất ra các mặt hàng xuất khẩu cũng phải tăng tương ứng, điều này sẽ khiến cho các tàu dầu, tàu hàng rời và tàu chở khí nhận thêm nhiều đơn hàng hơn. Trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong năm tháng đầu năm 2020 đạt trung bình 206,8 tỉ đô la Mỹ/tháng, tăng đến 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Kinh tế hàng hải Trung Quốc hưởng lợi

Nước lên, thuyền lên. Khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng trưởng thì nhu cầu đóng tàu, đóng mới container và vận tải container toàn cầu sẽ tăng theo. Trong khi Mỹ có vai trò khá mờ nhạt trong những lĩnh vực này, Trung Quốc lại đang là nước dẫn đầu ở hai lĩnh vực đầu tiên và là một trong những quốc gia mạnh nhất trong lĩnh vực thứ ba với một trong những đội tàu container lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu của VesselsValue thì tính đến ngày 1-1-2020, thời điểm trước khi đại dịch lan rộng, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã tiếp nhận lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới với tổng trọng tải lên đến 29,8 triệu CGT (compensated gross tons, đơn vị tính tổng trọng tải bù). Tại thời điểm đó, các nhà máy Trung Quốc nắm đến 38,7% đơn đặt hàng trên toàn cầu.

Cũng theo VesselsValue, đến cuối tháng 6-2021, tổng trọng tải của đơn hàng đóng tàu tại Trung Quốc là 26,9 triệu CGT. Mặc dù con số này đã giảm xuống so với thời điểm trước đại dịch, thị phần đơn hàng đóng tàu của Trung Quốc lại đang ở mức 40,5% toàn cầu.

Ưu thế của Trung Quốc còn được thể hiện rõ nét hơn trong lĩnh vực sản xuất container. Trên 95% lượng container khô và 100% lượng container lạnh hiện đang khai thác trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Theo thống kê của hãng tư vấn Drewry thì trong năm tháng đầu năm 2021, các nhà máy đã sản xuất lượng container mới với sản lượng tương đương với 2,66 triệu TEU (1 TEU tương đương với sức chứa một container 20 feet).

Với số liệu trong năm tháng đầu năm, ông John Fossey, Trưởng bộ phận nghiên cứu cho thuê container của Drewry nhận định, “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu cột mốc 5 triệu TEU không bị phá vỡ trong năm 2021”. Kỷ lục trước đó vào năm 2018 là 4,42 triệu TEU.

Đối với lĩnh vực vận tải container đường biển, thì theo Alphaliner, hãng tàu COSCO của Trung Quốc (bao gồm hãng OOCL của Hồng Kông được COSCO mua lại vào năm 2018) hiện là hãng tàu lớn thứ 4 trên thế giới với tổng sức chở đội tàu là trên 3 triệu TEU. Cũng như các hãng tàu khác, COSCO đã thu được lợi nhuận lịch sử từ nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến trong kỷ nguyên Covid, lợi nhuận của hãng đạt tới 2,7 tỉ đô la Mỹ trong quí 1 năm nay, cao hơn mức lợi nhuận mà hãng tàu này đạt được trong cả năm 2020.

Và theo IHS Markit, trong bốn tháng đầu năm 2021, COSCO đã vận chuyển lượng container từ châu Á nhập vào Mỹ nhiều nhất trong số các hãng tàu tham gia thị trường này, chiếm đến 16,9% thị phần, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo VesselsValue, trong giai đoạn đại dịch, Trung Quốc đã vượt qua Hy Lạp để trở thành quốc gia sở hữu tàu lớn thứ 2 trên thế giới, hiện chỉ đứng sau Nhật Bản.

Một giai đoạn khó khăn mới

Trong bốn tháng đầu năm 2021, trị giá của hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đạt trung bình 37,7 tỉ đô la Mỹ/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Bất chấp các thảo luận trong nhiều năm qua về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Mỹ vẫn tương đối lệ thuộc vào việc mua hàng từ Trung Quốc. Trong bốn tháng đầu năm nay, thị phần của hàng xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm đến 37% tổng giá trị mặt hàng nội thất, 35% với hàng máy tính, 33% với thiết bị điện, cũng 33% với các mặt hàng chế biến khác và 22% lượng hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Nhưng những nhà nhập khẩu Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc cũng đang đối diện với một khó khăn mới. Đợt bùng phát dịch Covid-19 trong tháng 5, tháng 6 vừa qua đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại cảng Yantian và các cảng lân cận, sự gián đoạn này rồi sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thương mại trong thời gian tới. Yantian và các cảng lân cận là khu vực đảm nhận khoảng 25% lượng container xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.

Hãng tàu Maersk trước đó đã thông báo đến khách hàng rằng “do sự gián đoạn tại cảng kéo dài và số lượng các chuyến tàu liên quan rất lớn, các tàu do hãng khai thác buộc phải bỏ cập cảng Yantian”, điều đồng nghĩa với việc hãng tàu “sẽ mất vài tuần, thậm chí là vài tháng, để phục hồi lại lịch vận chuyển”.

Cho dù đến đầu tháng 7, cảng Yantian đã phục hồi hoạt động bình thường, nhưng hãng tàu Maersk vẫn cảnh báo: “Chúng ta không thể chủ quan trước nhiệm vụ cam go trong giai đoạn tiếp theo vì mùa cao điểm đang đến gần và lượng hàng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng”.

Mặc dù giai đoạn sắp tới được xem là có nhiều thách thức, tuy nhiên nếu tình trạng cung – cầu trong vận chuyển vẫn chưa được cải thiện, ngành vận tải biển nói chung và kinh tế hàng hải Trung Quốc nói riêng vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ những diễn biến thị trường hiện tại.

Theo Freightwaves

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới