Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế khó khăn, chi tiêu công vẫn lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế khó khăn, chi tiêu công vẫn lớn

Tư Hoàng

Kinh tế khó khăn, chi tiêu công vẫn lớn
Kinh tế 2011 được coi là rất khó khăn. Ảnh TG.

(TBKTSG Online) – Những số liệu kinh tế của Việt Nam năm 2011 vừa công bố cho thấy nền kinh tế năm nay khó khăn nhiều hơn so với các năm trước.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước diễn ra trong hai ngày 22-23/12, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng GDP cả năm 2011 ước khoảng 5,9% , thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2010 là 6,8 điểm phần trăm.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải thích: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng là do tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các biện pháp giảm mạnh tốc độ tăng trưởng tiền tệ tín dụng, thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước, cắt giảm đầu tư công”.

Chi tiêu công vẫn lớn

Theo bộ này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 ước đạt khoảng 870 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 34,7% GDP. Trong số đó, vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) và trái phiếu chính phủ ước đạt 220 nghìn tỉ đồng, vốn tín dụng đầu tư Nhà nước ước đạt 50 nghìn tỉ đồng.

Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ (TPCP) và xổ số kiến thiết đã cắt giảm, điều chuyển khoảng 9.452 tỉ đồng. Số vốn cắt giảm nêu trên được điều chuyển cho các dự án hoàn thành, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Nhờ việc cắt giảm, điều chuyển, số dự án hoàn thành trong năm 2011 tăng thêm 1.053 dự án. Tính chung cả năm 2011 có khoảng 4.400 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhiều so với năm trước là do thực hiện chủ trương chủ động cắt giảm vốn đầu tư của nhà nước để kiềm chế lạm phát; mặt khác các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh doanh thấp nên giảm đầu tư hoặc tìm cách bảo toàn vốn chờ thời cơ.

Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua,  Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhìn nhận khác: Chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỷ đồng) là mức tăng khá cao, nếu đặt trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công thì việc tăng chi nói trên là chưa hợp lý.

Tại hội nghị đang diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản lương và có tính chất lương) với tổng số tiền cắt giảm 3.857,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về điểm này Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhìn nhận, mặc dù nghị quyết 11 của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi ngân sách vẫn vượt dự toán 9,7%. Đây là mức tăng khá lớn.

Ủy ban này cho rằng, mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp vẫn khó khăn

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khó khăn trong sản xuất công nghiệp hiện nay là tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức khá cao.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/10/2011 của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,1% so với cùng kỳ; trong đó: xi măng tăng 84,4%; giày dép tăng 49,9%; mô tô xe máy tăng 49,5%; cáp điện & dây điện tăng 88%; thức ăn gia súc tăng 42%;…

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có tăng trưởng so với năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm dần. Trong 11 tháng đầu năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 6,9% so với cùng kỳ năm 2010.

Tính chung cả năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng khoảng 24% so với năm 2010. Như vậy, trừ đi lạm phát hơn 18%, thì mức tăng này chẳng còn mấy ý  nghĩa.

Bộ này cho biết, chỉ cổ phần hóa được vỏn vẹn 6 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2011. Tính cộng dồn, cả nước đã sắp xếp được 5.856 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.951 doanh nghiệp; chuyển sang công ty TNHH một thành viên, sáp nhập, hợp nhất, giao, bán… 1.905 doanh nghiệp.

Một số chỉ tiêu khác

Ước cả năm 2011, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 10% so với tháng 12/2010 (chỉ tiêu là khoảng 15-16%); tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 12% (chỉ tiêu là dưới 20%).

Ước cả năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỉ đô la, tăng 33% so với năm 2010, cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106 tỉ đô la, tăng khoảng 25% (kế hoạch là 10,4%).

Cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 ước thặng dư khoảng 2,5 tỉ đô la, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 3,07 tỉ đô la của năm 2010.

Dự trữ ngoại hối đã tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu trong quí 1/2011 lên khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quí 3/2011.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới