Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế khó khăn còn dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế khó khăn còn dài

Tư Hoàng

Kinh tế khó khăn còn dài
Giải cứu thị trường bất động sản lại gây tranh cãi, dù chủ trương đã được Chính phủ thông qua. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Triển vọng kinh tế của Việt Nam không mấy sáng sủa do những hệ luỵ của nền kinh tế tích tụ lâu nay vẫn chưa được giải quyết, trong khi quá trình cải cách kinh tế vẫn chưa được khởi động.

Đây là khuyến nghị của Bản tin kinh tế vĩ mô số 8 do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới công bố.

Ủy ban nhận xét: “Quá trình điều chỉnh của kinh tế Việt Nam sang một quỹ đạo mới cân bằng và bền vững hơn sẽ còn cần nhiều thời gian”, chứ không hề nhanh chóng.

Sức mua cạn kiệt

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, xu hướng cắt giảm nợ đang diễn ra ở cả khu vực doanh nghiệp cũng như khu vực hộ gia đình, dẫn đến cầu nội địa còn tiếp tục suy yếu.

Ủy ban cho biết, tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình ở Việt Nam đã giảm tốc đáng kể, từ mức 10% GDP năm 2010 xuống chỉ còn 4,4% năm 2011 và ước tính dưới mức 2% năm 2012.

Bên cạnh đó, tích lũy tài sản cố định của các doanh nghiệp cũng sụt giảm rất mạnh, tương ứng từ mức 4,5% năm 1990 (tăng trưởng kinh tế 5,09%) xuống chỉ còn 1,6% năm 1999 (tăng trưởng kinh tế 4,77%) và âm 10,4% năm 2011 (5,89%) do chi phí sở hữu vốn cao (lãi suất vay cao), cầu nội địa sụt giảm.

Hơn nữa, tiêu dùng của Nhà nước cũng có chiều hướng giảm mạnh (tương ứng từ mức 12,3% năm 2010 xuống chỉ còn 7,2% năm 2011 và chỉ đạt dưới 6% năm 2012) do triển khai chính sách cắt giảm đầu tư công.

Tình huống trên, cộng với bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn sẽ làm tổng cầu chỉ có thể hồi phục sau một thời gian dài nữa.

Điều này, theo Ủy ban, làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn trung hạn.

Trong khi đó, những rủi ro về lạm phát vẫn còn hiện hữu dưới sức ép của các yếu tố chi phí đẩy và quan trọng hơn là do những bất cập mang tính cơ cấu, dẫn đến sự kém hiệu quả của đầu tư công, khu vực doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Do đó, Ủy ban cho rằng, để nền kinh tế chuyển sang quỹ đạo mới cân bằng và bền vững hơn, sẽ còn cần nhiều thời gian và cần có một tầm nhìn trung hạn đối với quá trình điều chỉnh này, thay vì quá chú ý đến những dao động ngắn hạn của nền kinh tế trong nước và toàn cầu.

Điểm nóng khó xử

Liên quan đến thị trường bất động sản và nợ xấu, Ủy ban cho rằng, giải pháp tháo gỡ sẽ còn rất khó khăn.

Giá trị tài sản bất động sản sẽ phải co lại đáng kể, trong khi giá trị của các khoản nợ sẽ tiếp tục nở ra, do doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trả lãi đối với các khoản vay trong bối cảnh lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao.

Sự kéo dài của tình trạng “nợ nở ra, tài sản co lại” sẽ làm không ít các doanh nghiệp phải bị cụt vốn và phá sản,  ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các ngân hàng có liên quan và qua đó đe dọa đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Sai lệch lớn trong kỳ vọng của các doanh nghiệp bất động sản; tình trạng đầu cơ diễn ra trên diện rộng và kéo dài đã làm sai lệch hoàn toàn các tín hiệu thị trường, tạo ra kỳ vọng sai lệch “giá đất và bất động sản chỉ có tăng chứ không thể giảm”.

Quá trình điều chỉnh trên thị trường bất động sản có khả năng còn kéo dài, do không ít các doanh nghiệp bất động sản vẫn găm giá để chờ một sự “giải cứu” từ phía Nhà nước.

Tuy nhiên đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn.

Ông Nguyễn Trí Dũng  Quản đốc quốc gia Dự án chính sách kinh tế – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giải thích: “Chính phủ cần đưa ra thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp, mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải”.

Hơn nữa, Nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng vì “lãi bỏ túi, lỗ sẽ có Nhà nước lo”, tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.

Tuy nhiên, ông ủng hộ các giải pháp Chính phủ đang tiến hành nhằm sử dụng nguồn lực hạn hẹp hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp.

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, ông đồng tình quan điểm của Ủy ban Kinh tế là không giải cứu thị trường bất động sản.

“Chính các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đã tạo bong bóng  cho thị trường này, mà nay giải cứu họ thì sẽ khuyến khích cho cách làm ăn cũ”, ông nói.

Ông nhận xét thêm, điều quan trọng nhất hiện nay là phải ổn định được kinh tế vĩ mô, để làm nền tảng thực hiện đề án cải cách tổng thể nền kinh tế vừa được Chính phủ thông qua.

“Giữ ổn định vĩ mô, đồng thời tiến hành cải cách kinh tế như đã cam kết mới là cơ sở chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam sang hướng hiệu quả và chất lượng. Mà điều này cần thời gian”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới