Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế kiệt quệ, Thái Lan chấp nhận ‘sống chung’ với dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế kiệt quệ, Thái Lan chấp nhận ‘sống chung’ với dịch bệnh

Chánh Tài

(KTSG Online) – Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cam kết sẽ tái mở cửa biên giới hoàn toàn trong 120 ngày tới, hoặc vào giữa tháng 10, cho phép dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và du lịch.

Từng đóng cửa biên giới để bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nhưng giờ đây, dù đang trải qua làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất, Thái Lan vẫn lên kế hoạch mở cửa hoàn toàn trong 3 tháng tới để cứu nền kinh tế đang kiệt quệ.

Kinh tế kiệt quệ, Thái Lan chấp nhận 'sống chung' với dịch bệnh
Người dân ở khu ổ chuột Klong Toei, Bangkok xếp hàng để nhận các suất ăn từ thiện. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo ở Thái Lan mất thu nhập. Ảnh: Getty

Tái mở cửa biên giới sớm để giúp người dân mưu sinh

Năm ngoái, Thái Lan là một trong những nước có thành tích hàng đầu thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nước này đã hy sinh doanh thu của ngành du lịch, vốn là một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế để ngăn chặn Covid-19. Hồi tháng 9-2020, Thái Lan đã kỷ niệm 100 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm giữa cộng đồng.

“Chúng ta không thể đợi đến lúc mọi người dân được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 hoặc đợi đến lúc thế giới hoàn toàn sạch bóng virus SARS-CoV-2 rồi mới mở cửa đất nước.

Chúng ta phải sẵn sàng sống chung với một số rủi ro và cố gắng giữ rủi ro ở có thể quản lý và cho phép người dân mưu sinh trở lại. Đó là chính sách mà tôi đề ra”, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu trên truyền hình vào hôm 16-6.

Giữa lúc làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới vẫn đang diễn biến phức tạp với hàng ngàn ca bệnh mỗi ngày, chính phủ Thái Lan quyết định chuyển hướng trong cách tiếp cận chống dịch với thông điệp: Học cách sống chung sống lâu dài với virus SARS-CoV-2.

Thái Lan đã phải chật vật kiểm soát số ca nhiễm gia tăng trong nhiều tháng qua, nỗ lực chấn chỉnh tốc độ triển khai chậm chạp của chương trình triển khai tiêm vaccine Covid-19 trong khi người dân ngày càng mất kiên nhẫn trước nền kinh tế đang bị tàn phá.

Trong tuần qua, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cam kết sẽ tái mở cửa biên giới hoàn toàn trong 120 ngày tới, hoặc vào giữa tháng 10, cho phép dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và du lịch. Du khách nước ngoài sẽ phải tiêm phòng trước khi đến Thái Lan nhưng được phép đi lại tự do sau khi nhập cảnh.

Ông Prayuth Chan-ocha thừa nhận, điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhưng đây là bước đi cần thiết để giảm bớt những tổn thương to lớn của những người dân đang phải vật lộn để kiếm sống.

Ông nói trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 16-6: “Tôi biết quyết định này đi kèm với một số rủi ro vì khi chúng ta tái mở cửa đất nước, sẽ có sự gia tăng các ca nhiễm, cho dù chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt đến đâu đi nữa. Nhưng tôi nghĩ, khi chúng ta cân nhắc nhu cầu kinh tế của người dân, đã đến lúc để chúng ta chấp nhận rủi ro đã được tính toán đó”.

Trả giá đắt để có được thành tích chống dịch

Thái Lan đã phải trả giá đắt để có được thành công ban đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngành du lịch, chiếm khoảng 15% GDP của Thái Lan, gần như tê liệt do các hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Số lượng du khách nước ngoái giảm từ 39,9 triệu lượt vào năm 2019 xuống còn 6,7 triệu lượt trong năm ngoái. Ngành du lịch của xứ sở chùa Vàng mất mát khoảng 50 tỉ đô la doanh thu vào năm ngoái.

Việc dừng hoạt động thương mại không thiết yếu và đóng cửa các nhà máy tạm thời khiến tầng lớp lao động nghèo mất thu nhập. Năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan suy giảm 6,1%, mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ. Tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan đạt mức cao nhất trong 11 năm vào tháng 6-2020. Các nhà kinh tế dự báo thị trường việc làm sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng đợt bùng phát Covid-19 mới đã dập tắt kỳ vọng này.

Đợt bùng phát Covid-19 gần đây bắt nguồn từ các hộp đêm mà giới trẻ giàu có ở Bangkok thường lui tới, rồi sau đó lan sang các tỉnh khác và lây nhiễm cho các công nhân làm việc trong các nhà máy đông đúc.

Sa-nga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh khu phố Khaosan, đại diện cho ngành dịch vụ ở một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Bangkok, nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên chờ đợi. Chúng tôi đã sẵn sàng mở cửa trở lại ngay bây giờ vì mọi người đang thực sự bị tổn thương.Các doanh nghiệp đang ngừng hoạt động. Những người phục vụ và bồi bàn đã thất nghiệp trong nhiều tháng. Chúng tôi không thể chờ đợi thêm nữa”.

“Xem việc tái mở cửa như là chính sách quốc gia là một động thái tốt vì điều này giúp các doanh nghiệp và nhà điều hành du lịch có thể chủ động lên kế hoạch và tối ưu hóa sự chuẩn bị của họ”, Somprawin Manprasert, nhà kinh tế trưởng ở bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Ayudhya ở Bangok, nói.

Chính phủ Thái Lan sẽ triển khai thí điểm kế hoạch mở cửa trở lại đảo du lịch Phuket vào ngày 1-7, cho phép người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ từ các quốc gia có nguy cơ thấp đến viếng thăm mà không cần cách ly.

Bãi biển Patong ở Phuket, Thái Lan vắng bóng du khách nước ngoài trong hơn một năm qua. Phuket sẽ mở cửa hoàn toàn với du khách nước ngoài đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ vào đầu tháng 7 tới. Ảnh: AFP

Tăng tốc chương trình tiêm chủng

Chỉ chưa đến 3% trong số 70 triệu người dân Thái Lan được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19. Chính phủ Thái Lan đã được các nhà sản xuất vaccine Covid-19 cam kết cung cấp tổng cộng 105,5 triệu liều trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu ban đầu.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết  chính phủ Thái Lan sẽ tăng tốc chương trình tiêm chủng với mục tiêu tiêm khoảng 10 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi tháng bắt đầu từ tháng 7.

Chương trình tiêm chủng của Thái Lan đang phụ thuộc rất lớn vào lượng vaccine Covid-19 được sản xuất trong nước thông qua thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa hãng dược AstraZeneca (Anh) với Công ty Siam Bioscience của hoàng gia Thái. Theo kế hoạch, Siam Bioscience sẽ cung cấp hơn 60 triệu liều vaccine Covid-19 cho chính quyền Thái Lan và 200 triệu liều khác cho các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vaccine của Siam Bioscience khởi động rất chậm chạp. Công ty này đã cung cấp 1,8 triệu liều vaccine ban đầu cho chính phủ Thái Lan, nhưng kế hoạch xuất khẩu sang các nước trong khu vực đã bị trì hoãn vài tuần.

Tanawan Meethum, chủ một tiệm mát-xa ở Bangkok, đã đóng cửa hơn 8 tháng, cho biết: “Chúng tôi muốn được tiêm vaccine Covid-19 để mọi người có thể ra ngoài và du khách nước ngoài cảm thấy an toàn khi đến đất nước chúng tôi. Chỉ đến khi đó, chúng tôi mới có thể quay lại công việc để kiếm sống”.

Vào giữa tháng 12 năm ngoái, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan ở mức dưới 5.000. Kể từ đó, số ca nhiễm đã lên tới 221.306. Trong hơn một tháng qua, số ca nhiễm mới hàng ngày lên tới vài ngàn. Số ca tử vong vì dịch bệnh đã tăng từ con số 63 vào đầu năm 2021, lên đến 1.658, tính đến ngày 21-6.

 Theo Wall Street Journal

Đọc thêm:

– Đại dịch nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới