Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Mỹ: bắt đầu một cuộc kết thúc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Mỹ: bắt đầu một cuộc kết thúc

Huỳnh Hoa

Chính phủ Mỹ đã bỏ ra 1 tỉ đô la mua lại xe hơi cũ để phá hủy, một phần vì môi trường, một phần để kích thích tiêu thụ. Trong ảnh: một điểm dập bỏ xe cũ ở Detroit, Mỹ. Ảnh: REUTER.

(TBKTSG) – Các cố vấn kinh tế cao cấp nhất của Tổng thống Barack Obama hôm Chủ nhật vừa qua đã cùng nhau đưa ra những đánh giá lạc quan về nền kinh tế Mỹ, dự báo sự hồi phục sẽ bắt đầu ngay nhưng là một tiến trình chậm chạp và gian khổ.

Lạc quan thận trọng

Thứ Tư tuần trước, Tổng thống Obama nhận xét rằng nước Mỹ “có lẽ đã nhìn thấy bước khởi đầu của sự kết thúc cuộc suy thoái”.

Giải thích cho ý tưởng này, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ, ông Lawrence H. Summers, nói trên Đài Truyền hình CBS: “Sáu tháng trước, khi tổng thống nhậm chức, chúng ta không biết cuộc khủng hoảng có biến thành suy thoái hay không. Còn hôm nay chúng ta bàn việc lúc nào thì cuộc suy thoái sẽ kết thúc”.

Cơ sở cho nhận định lạc quan thận trọng này là những dấu hiệu ban đầu cho thấy vụ suy thoái tệ hại nhất trong nhiều thập niên đã sắp kết thúc.

Theo số liệu quí 2-2009 mà Bộ Thương mại Mỹ công bố thứ Sáu tuần trước, kinh tế Mỹ co lại ở mức 1%/năm, thấp hơn dự báo của giới phân tích và cải thiện đáng kể so với mức âm 6,4% của quí 1-2009. Các công ty Mỹ, đã cắt giảm sản xuất, đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân khi khủng hoảng bắt đầu giữa năm 2007, nay phải gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của xã hội.

Điều đó sẽ làm tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Các lĩnh vực kinh tế bị tác động nặng nề nhất của suy thoái, như nhà đất và xe hơi, cũng bắt đầu phục hồi.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, giá nhà và lượng nhà bán ra trong tháng 6-2009 đều tăng 11% so với tháng trước. Hãng xe hơi Ford hôm Chủ nhật nói với báo chí rằng, trong tháng 7 họ bán được nhiều xe hơn cùng kỳ năm ngoái và là tháng đầu tiên tăng được doanh số trong suốt hai năm qua. Số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong tháng 7 cũng giảm 1,5% so với tháng trước.

Nhưng suy thoái kinh tế ở Mỹ chỉ mới giảm tốc độ rơi chứ chưa chạm đáy. Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner, một mặt tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được, mặt khác vẫn rất lo lắng. “Cuộc suy thoái đang dịu đi, nhưng con đường còn dài trong việc làm cho người Mỹ tự tin hơn về tương lai”, ông Geithner nói hôm Chủ nhật trên đài ABC. Ông Summers cũng lưu ý rằng “nền kinh tế sẽ không sớm trở lại bình thường”; “vấn đề của chúng ta không hình thành trong một tháng hoặc một năm cho nên sẽ không thể sửa chữa trong một tháng hoặc một năm”, ông Summers nói.

Còn nhiều trở ngại

Sự phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn phụ thuộc vào nhiều vấn đề lớn, trước tiên là thái độ tiêu dùng của người dân Mỹ. Báo New York Times ra ngày 3-8 cho biết, cuộc khủng hoảng đã làm các gia đình ở Mỹ mất đi 14.000 tỉ đô la tài sản, do giá nhà giảm, việc làm và thu nhập giảm và chứng khoán tụt dốc – con số này nhiều hơn tổng thu nhập từ mọi nguồn của họ trong năm vừa qua. Theo lý thuyết “hiệu ứng tài sản” (wealth effect), cứ mỗi đô la tài sản mất đi thì tiêu dùng sẽ giảm từ 3-5 xu Mỹ.

Nhà bình luận nổi tiếng của báo Newsweek, Fareed Zakharia, cho biết thêm rằng trước khi xảy ra khủng hoảng, các gia đình Mỹ đã mắc nợ khoảng 13.800 tỉ đô la, bình quân tiền nợ của mỗi người dân Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập niên 1997 – 2007, từ 25.000 đô la/người lên 46.000 đô la/người.

Từ đó, gần như mọi dự báo đều cho thấy trong những năm tới, người dân Mỹ sẽ ra sức thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu. Xu thế thực tế đã bắt đầu, tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập của người Mỹ đã tăng từ mức 0% lên 5,2% chỉ trong nửa đầu năm nay, theo số liệu của bộ Thương mại Mỹ. Xu thế này có thể tốt cho kinh tế Mỹ trong dài hạn nhưng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới và trước mắt sẽ làm cho sự phục hồi của Mỹ diễn ra rất chậm chạp và khó khăn vì tiêu dùng đóng góp tới 75% GDP của Mỹ.

Theo nhà báo Fareed Zakharia, tiêu dùng của người Mỹ bằng tổng sản lượng của Trung Quốc, cộng với Ấn Độ rồi nhân đôi, sự phục hồi và tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế trên thế giới do vậy sẽ bị tác động sâu sắc nếu người Mỹ để dành hơn 10% thu nhập như họ đã từng làm trong thập niên 1970. Còn theo các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), nếu tỷ lệ tiết kiệm trên 10% thì sự phục hồi kinh tế trong những năm tới sẽ không khả quan như mong đợi.

Một vấn đề khác ảnh hưởng tới nhu cầu của thị trường Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất cao và vẫn đang tăng lên cho dù kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Hiện nay, số người thất nghiệp đã chiếm tới 9,5% lực lượng lao động của Mỹ, tăng gấp đôi từ mức 4,6% hồi tháng 12-2007, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Theo kết quả một cuộc khảo sát tại 372 thành phố lớn nhất của Mỹ có 144 thành phố mà tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 10% hồi tháng 6 vừa qua. Thất nghiệp tăng đồng nghĩa với sức mua giảm và theo Reuters, đây chính là cái giá thực sự phải trả cho suy thoái kinh tế. Mặc dù chính quyền Obama ra sức tạo việc làm qua gói kích cầu 787 tỉ đô la Mỹ, song theo Reuters (4-8-2009), nỗi đau thất nghiệp còn ám ảnh hàng chục triệu gia đình người Mỹ sau khi Tổng thống Obama mãn nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2013.

 

Kinh tế Mỹ chuyển hướng

Khi người dân Mỹ bớt mua sắm, sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào chính sách kích cầu của chính phủ. Doanh số xe hơi hồi phục chẳng hạn, một phần nhờ biện pháp “Đổi xe cũ lấy tiền” (Cash for Clunkers) đang được triển khai, theo đó người dân đổi những chiếc xe hơi cũ hao xăng và có hại cho môi trường để mua xe mới thì được hỗ trợ tối đa tới 4.500 đô la Mỹ.

Nhưng tăng trưởng kinh tế không thể dựa mãi vào kích cầu, chưa kể rằng chi tiêu của chính phủ làm thâm hụt ngân sách gia tăng. Do chi tiêu nhiều hơn và thu thuế ít hơn, ngân sách Mỹ năm nay dự báo sẽ thâm hụt ở mức kỷ lục, khoảng 1.800 tỉ đô la Mỹ, tương đương 13% GDP và tăng 12 điểm phần trăm so với năm 2007-2008.

Các quan chức kinh tế của Mỹ luôn trấn an dân chúng rằng, thâm hụt ngân sách sẽ được kiềm chế khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện môi trường kinh doanh. Một cuộc khảo sát ở bang California cho thấy, mặc dù thị trường nhà đất và tài chính của tiểu bang vẫn còn hết sức ảm đạm, lĩnh vực công nghiệp chế tạo và xuất khẩu nông sản thực phẩm sang châu Á vẫn tăng mạnh. Chính quyền Mỹ đang muốn nhân rộng mô hình kinh tế của California ra cả nước. Hôm 17-7 Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia Lawrence Summers nói rõ: “Nền kinh tế Mỹ được xây dựng lại sẽ là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu hơn là dựa vào tiêu thụ”.

Nhưng theo các chuyên gia, ý tưởng này rất khó thực hiện khi các nền kinh tế lớn khác như Đức, Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoặc chưa lấy lại được phong độ cũ.

Thế giới sẽ ứng phó như thế nào?

Nhiều nước trên thế giới chăm chú theo dõi diễn biến của kinh tế Mỹ với hy vọng tìm lại cơ hội làm ăn, nhưng những diễn biến nói trên cho thấy không nên lạc quan quá sớm.

Có thể nói kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục cũng là lúc bắt đầu một tiến trình khác, theo đó sức cạnh tranh của Mỹ sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ của Mỹ sẽ không còn mạnh như thời trước khủng hoảng, buộc các nước bán hàng vào Mỹ như Việt Nam phải điều chỉnh chính sách thương mại trong dài hạn.

Đồng đô la Mỹ sẽ giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác. Vào cuối thập niên 1980, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm mạnh nhờ đồng đô la Mỹ yếu đi so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính, nhưng đồng tiền này đã tăng giá trong 12 tháng qua. Hiện thời đồng đô la Mỹ đã bắt đầu giảm giá trở lại cho dù tác động của xu thế này vào cuộc tái cân bằng kinh tế thế giới xem ra bị hạn chế bởi sự kiện Trung Quốc không chịu gỡ bỏ việc neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ.

Trong loạt bài công phu về nước Mỹ đăng trong hai tuần qua, báo Economist nhận định kinh tế Mỹ giống như một con tàu chở dầu khổng lồ đang chậm chạp đổi hướng giữa cơn giông. Sự chuyển hướng đó, dù có thể diễn ra được nhờ sự tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế đang phát triển, cũng sẽ khiến nước Mỹ đi chậm lại trong một thời gian dài nữa, và đó là điều mà các nước khác nên lưu ý.

(Theo báo nước ngoài)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới