Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế phục hồi theo hình chữ V nhờ chuyển hướng chống dịch đúng lúc

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn vào tháng 10-2021 đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi vào quý 4-2021, qua đó đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm.

Nhận định này được ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) – đưa tại tọa đàm “Nhìn lại 2021- Những chuyển hướng chiến lược” chiều 4-1.

Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: Nhật Bắc.

Ông khẳng định nền kinh tế đang phục hồi đúng theo đồ thị hình chữ V sau khi tiến hành rà soát các chỉ số tăng trưởng. Cụ thể, từ mức giảm 6,02% trong quý 3, chỉ số GDP đã tăng 5,22% trong quý 4.

Điều này, theo ông Phương, cho thấy sức bật của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ có đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Với đóng góp của từng lĩnh vực vào mức tăng trưởng chung, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết nông nghiệp được coi là trụ đỡ.

“Trong thời điểm dịch bùng phát, nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng hợp lý, tạo sức chống đỡ cho nền kinh tế”, ông Phương nói.

Với lĩnh vực công nghiệp, ông cho rằng lĩnh vực này đóng chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, các địa phương trọng điểm về công nghiệp tại phía nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư, khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý 3 giảm rất sâu.

Với khu vực dịch vụ, lĩnh vực này chịu tác động lâu nhất và sâu nhất do ảnh hưởng của dịch.

Theo ông Phương, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm trong giai đoạn cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành, khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc với mức tăng trưởng 5,42% trong quý 3.

Tốc độ tăng/giảm GDP theo quý năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Về hoạt động kinh tế đối ngoại, ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – cho biết Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao phục vụ phát triển, các hoạt động hợp tác về kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh và sau thời điểm chuyển trạng thái sang trạng thái bình thường mới.

Kết quả, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu tăng trưởng lần lượt 22%, 16% và 12%.

Ngoài ra, Việt Nam đã tranh thủ một khối lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.

Lý những giải kết quả này, ông Trần Quốc Phương cho rằng Nghị quyết 128 là chính sách có ý nghĩa lớn, xoay chuyển cả cục diện về chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, Nghị quyết cũng đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người dân sau một thời gian dài chống dịch khốc liệt.

“Nghị quyết 128 ban hành vào thời điểm không thể sớm và cũng không thể muộn hơn lượng tiêm vaccine cơ bản đáp ứng yêu cầu chống dịch”, ông Phương phân tích.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – cho rằng Chính phủ ban hành Nghị quyết về thích ứng an toàn với Covid-19 phù hợp với xu hướng thế giới, khi đa số nước chấp nhận vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

“Khi đất nước mở cửa thì sẽ có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên phải chấp nhận có rủi ro. Việc chống dịch hiện nay là quản lý những rủi ro ấy”, ông Vũ nói.

Còn ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế – khẳng định thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, khi chưa có vaccine thì chiến lược “Zero Covid” là giải pháp phù hợp để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Nhưng khi Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine diện rộng từ tháng 10-2021 thì chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19, chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng.

Về định phướng phòng, chống dịch giai đoạn tới, ông Vũ cho biết có 6 nguyên tắc hết sức quan trọng, gồm: y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

6 nguyên tắc này, theo ông Vũ, đã được Thủ tướng Chính phủ khái quát lại và đã đưa ra trong một số hội nghị.

“Thời điểm chúng ta có quyết định sống chung với dịch bệnh, đó là khi chúng ta có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch tễ để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân. Chúng tôi cho rằng, đây là phương án vừa kịp thời, vừa đúng lúc”, ông Vũ nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới