Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế số sẽ mang về cho Việt Nam 74 tỉ đô la vào năm 2030

Phú Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiều ngày 18-10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng kinh tế số Việt Nam hiện nay, khả năng phát triển trong tương lai và những cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”  – Ảnh: NIC

Có hai cuộc tọa đàm diễn ra tại buổi hội thảo, gồm (1) “Đòn bẩy chính sách để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số Việt Nam” và (2) “Thách thức và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tham gia thị trường toàn cầu”, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Tập đoàn Google, Học viện Chính sách và Phát triển cùng các diễn giả là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: FPT Telecom, Haravan, Clever Group, eDoctor, BambuUp…

8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam

 

Các công nghệ này bao gồm: (1) Internet di động; (2) điện toán đám mây; (3) dữ liệu lớn; (4) trí tuệ nhân tạo (AI); (5) công nghệ tài chính (fintech); (6) Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; (7) robot tiên tiến; (8) chế tạo đắp lớp (Additive Manufacturing).

Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói: “Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 đã cho thấy chúng ta cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Khái quát nền kinh tế số Việt Nam, chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Jacques Morisset cho rằng để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao, Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số, gồm nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.

Tại buổi hội thảo, báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” được trình bày. Báo cáo do AlphaBeta thực hiện. Đây là công ty tư vấn kinh tế chiến lược có kinh nghiệm làm việc với các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức để giải quyết những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt.

Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,73 triệu tỉ đồng (74 tỉ đô la Mỹ) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số

 

Dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm 15-35 tuổi trên 98% (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91%) và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia).

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy việc áp dụng kỹ thuật số rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đại dịch, bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng. Công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của Covid-19. Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,21 triệu tỉ đồng – khoảng 52 tỉ đô la Mỹ) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.

Nhấn mạnh vai trò thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cho biết trong thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục đồng hành bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển về công nghệ số.

Ba trụ cột hành động để Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội số –  Phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước: Các quy định chuyển giao công nghệ quốc tế và cải tiến cơ sở hạ tầng số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số trong nước. Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số, cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.–  Nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên: Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.Phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số: Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.

2 BÌNH LUẬN

  1. Kinh tế số “mang lại giá trị thặng dư” hay là “tiết kiệm chi phí xã hội” 74 tỉ USD? Cũng nên làm rõ nội hàm này để biết được trình độ kinh tế số VN đang đứng ở đâu? Nếu kinh tế số góp phần tạo ra giá trị thặng dư thì chúng ta đang đi đúng định hướng xu thế cạnh tranh phát triển nền công nghiệp 4.0. Còn nếu tiết kiệm chi phí xã hội thì cũng là việc nên làm nhưng thực ra mới chỉ tiếp cận một nửa con đường phát triển mà thôi. Đối với công nghệ 4.0 quan trọng nhất vẫn là tốc độ và hiệu quả.

  2. Khi ước tính ra 74 tỷ USD thực ra vẫn chưa rõ là con số “ròng” hay “tạp” ? Căn bệnh nặng nề thời đại số là tập trung ngân sách mua sắm nhiều, hoành tráng, nhưng thực chất sử dụng không hiệu quả, lãng phí lớn. Rốt cuộc lại, kinh tế số hay thời đại số chỉ góp phần làm giàu thêm túi tiền cho các nhà sản xuất thiết bị, cung cấp dịch vụ phần mềm… Còn ta thì mãi mang gánh nặng thành tích, không thoát ra được vòng lẩn quẩn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới