Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế tháng 2 “ngấm đòn” Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế tháng 2 “ngấm đòn” Covid-19

Linh Trang

(TBKTSG) – Tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế đang dần thể hiện ở các số liệu vĩ mô như sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, lượng khách du lịch và đặc biệt là số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Nhưng rất có thể đây chỉ là sự khởi đầu.

Kinh tế tháng 2 “ngấm đòn” Covid-19
Doanh thu bán lẻ hàng hóa, hai tháng đầu năm 2020 ước đạt 674.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 78% trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Ảnh: THÀNH HOA

Sản xuất công nghiệp lo ngại thiếu nguyên liệu

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu mang tính kỹ thuật do số ngày sản xuất trong tháng 2 năm nay nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái (Tết Nguyên đán năm nay tập trung trong tháng 1, trong khi Tết Nguyên đán năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2). Chính vì vậy, để có bức tranh toàn diện hơn thì phải nhìn vào số liệu sản xuất công nghiệp của hai tháng đầu năm. Theo đó, chỉ số này chỉ còn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó động lực chính của sản xuất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,4%).

Sự khó khăn của ngành sản xuất nằm ở nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ là: giày, dép da (tăng 2,1%); quần áo mặc thường (tăng 0,7%); alumin (tăng 1,5%); phân u rê (tăng 0,8%); thức ăn cho gia súc (giảm 0,8%); sắt, thép thô (giảm 4,7%).

Tính chung hai tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 864.000 tỉ đồng, vẫn tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng này là thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Thậm chí, nếu loại trừ tác động của lạm phát (tăng gần 6%) thì mức tăng thật của doanh số bán lẻ chỉ còn khoảng 2-3%.

Sự khó khăn này mới chỉ chớm bắt đầu từ tháng 2 nhưng được dự báo sẽ ngày càng gia tăng trong các tháng tới khi nguồn dự trữ nguyên vật liệu của nhiều doanh nghiệp sản xuất không còn nhiều. Nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc không sớm được thông suốt trở lại, nhiều khả năng sản xuất công nghiệp trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng thấp, thậm chí sụt giảm.

Doanh số bán lẻ tăng thấp nhất kể từ năm 2014

Tháng 2 là tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không còn quá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 864.000 tỉ đồng, vẫn tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng này là thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Thậm chí, nếu loại trừ tác động của lạm phát (tăng gần 6%) thì mức tăng thật của doanh số bán lẻ chỉ còn khoảng 2-3%.

Tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa, hai tháng đầu năm 2020 ước đạt 674.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 78% trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ tăng 9,8% (thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% cùng kỳ năm 2019). Còn doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 95.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 11% và tăng 1,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%). Nhiều địa phương mạnh về du lịch đều có doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống sụt giảm như: Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%; TPHCM giảm 5%. Còn doanh thu du lịch lữ hành ước tính hai tháng đầu năm chỉ đạt 7.400 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 0,9% và tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,8%), trong đó doanh thu của Bình Thuận tăng 5,3%; Đà Nẵng tăng 1,5%; Hà Tĩnh tăng 0,8%; Hải Phòng giảm 0,7%; TPHCM giảm 1,2%; Hà Nội giảm 9,5%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 9,7%; Quảng Nam giảm 12,8%; Thanh Hóa giảm 23,6%.

Khách quốc tế giảm 37% trong tháng 2

Do diễn biến lây lan của dịch Covid-19 dẫn đến các hoạt động siết chặt visa, nhập cảnh với hai thị trường du lịch chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 56% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam), nên việc sụt giảm của lượng khách du lịch trong tháng 2 là điều hoàn toàn không bất ngờ. Cụ thể, khách quốc tế trong kỳ thống kê tháng 2 (21-1 đến 20-2) ước tính chỉ đạt 1,24 triệu lượt người, giảm 37,7% so với tháng 1 và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%; từ châu Mỹ giảm 21%; từ châu Úc giảm 18,4%.

Ngược lại, có một chút tín hiệu tích cực khi khách từ châu Âu tăng 6,1%; từ châu Phi tăng 11,6%.

Tính chung hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, cần lưu ý là số liệu trên mới chỉ thống kê đến ngày 20-2, tức thời điểm dịch chưa bùng phát tại Hàn Quốc và châu Âu. Với những diễn biến mới nhất, nhiều khả năng lượng khách quốc tế sẽ tiếp tục sụt giảm trong các tháng tới, không chỉ từ các thị trường châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc) mà còn từ các thị trường châu Âu (Ý, Pháp…).

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 19,5%

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới giảm cả về quy mô vốn và lao động. Trong tháng 2, tức tháng cao điểm của dịch Covid-19, cả nước có 4.567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 61,8%; 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 121%; 1.186 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 12,4%; và 2.215 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 67,7%.

Cũng trong tháng 2-2020, có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 96.800 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 73.100 lao động, tăng 10,7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 21,4% về vốn đăng ký và giảm 13,5% về số lao động so với tháng 1-2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2 chỉ đạt 10,6 tỉ đồng, giảm 29% so với tháng trước và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung hai tháng đầu năm, có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cũng lên đến 9.400 doanh nghiệp.

Đây là những con số rất đáng lo ngại, cho thấy tác động của dịch Covid-19 đã và đang “ngấm” vào nền kinh tế với mức độ ngày càng tiêu cực. Nhiều khả năng những con số này mới mang tính khởi đầu, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh chắc chắn còn tăng cao hơn nữa. Khó khăn với các doanh nghiệp không chỉ ở câu chuyện về vốn, thị trường tiêu thụ mà còn ở việc thiếu nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đang rất cần những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, không chỉ là hạ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế mà còn là cắt giảm các thủ tục hành chính, cung cấp thông tin, mở ra các thị trường giao thương mới nhằm đa dạng nguồn cung cấp đầu vào cũng như tiêu thụ đầu ra.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới