Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế toàn cầu đã chạm đáy?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế toàn cầu đã chạm đáy?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Kinh tế toàn cầu dường như đã chạm đáy với dấu hiệu hồi phục rõ ràng của đồng bảng Anh, đồng nhân dân tệ, dầu thô và các thị trường chứng khoán mới nổi, giữa lúc tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và đàm phán thương mại Mỹ-Trung có những tiến triển tốt hơn kỳ vọng.

Kinh tế toàn cầu trước ngưỡng cửa rủi ro

Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa tìm được lối thoát

Kinh tế toàn cầu đã chạm đáy?
Dù vẫn ở trong vùng suy giảm (dưới 50 điểm) nhưng chỉ số PMI ngành sản xuất toàn cầu do Ngân hàng J.P Morgan thống kê, đã dần nhích lên trong ba tháng gần đây. Ảnh: Bloomberg

Các thị trường đồng loạt thăng hoa

Chỉ mới cách đây vài tuần, nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái vẫn còn ám ảnh giới đầu tư. Nhưng giờ đây, họ đã quay lại với những tài sản bị “bỏ quên” trong suốt năm qua, giúp tạo ra một đợt tăng giá tại khắp các thị trường.

Đồng bảng Anh đã tăng giá hơn 6% so với đồng đô la Mỹ sau khi chạm đáy thấp nhất trong nhiều năm. Tuần trước, tỷ giá nhân dân tệ (NDT) so với đô la Mỹ đã về mức dưới 7 NDT ăn 1 đô la lần đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 8.

Sự phục hồi của nhân dân tệ cũng kéo theo một loạt đồng tiền khác tăng giá. Chẳng hạn, các tiền tệ nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng và thương mại toàn cầu bao gồm đồng won (Hàn Quốc) và đô la Úc cũng đang trên đà tăng giá so với đồng đô la Mỹ.

Cổ phiếu ở các thị trường mới nổi cũng bật tăng trở lại sau khi trải qua đợt bán tháo vào hồi đầu năm nay. Cơn tăng giá dầu thô trong thời gian gần đây đã giúp phát động một đợt tăng giá ở các hàng hóa khác từ nguyên liệu đồng cho đến cà phê. Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã leo các mức cao kỷ lục mới.

Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí các bước đi ban đầu hướng đến một thỏa thuận thương mại vào tháng trước, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu và thị trường dầu đã tăng khoảng 7%. Dầu thô và các chỉ số chứng khoán ở Mỹ và châu Âu cũng như các thị trường mới nổi đang hướng đến mức tăng ít nhất 10% trong năm nay.

Đây sẽ là lần đầu tiên hiện tượng tăng giá đồng đều ở các thị trường với mức cao như vậy xảy ra kể từ năm 2009.
Các diễn biến trên phản ánh tâm lý lạc quan bất ngờ của giới đầu tư sau nhiều tháng thận trọng và lo lắng.
Các tài sản an toàn như vàng và đồng yen Nhật Bản đang giảm giá sau khi tăng mạnh mẽ hồi đầu năm nay trước các bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Cơn giảm giá của các tài sản an toàn đưa dòng tiền chuyển sang các tài sản rủi ro hơn. Một số tổ chức đầu tư giờ đây tìm kiếm các kênh đầu tư chứng khoán bên ngoài nước Mỹ vì các cổ phiếu Mỹ tăng giá nhanh hơn các thị trường trên toàn cầu trong nhiều năm qua và đang được định giá tương đối đắt. Giới phân tích nhận định nếu đà tăng của chứng khoán toàn cầu tiếp tục duy trì, các thị trường chứng khoán rẻ hơn ở nước ngoài sẽ đóng vai trò dẫn dắt.

Kinh tế toàn cầu có thể đã qua thời điểm tồi tệ nhất?

Các nhân viên giao dịch cổ phiếu trên Sàn chứng khoán New York. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã leo lên các mức cao kỷ lục mới hồi tuần trước. Ảnh: Reuters

Động lực tăng giá của các thị trường chủ yếu nhờ các tiến triển vượt kỳ vọng trong nhiều vấn đề vốn đè nặng lên tâm lý giới đầu tư phần lớn thời gian của năm nay.

Washington và Bắc Kinh đang đưa các thông điệp cho thấy họ đã tiến gần thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Tại châu Âu, các rủi ro liên quan đến tiến trình Brexit đã giảm đi rõ rệt sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý kéo dài thời hạn cuối cho Brexit đến cuối tháng 1-2020.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson, đã yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 12-12 với hy vọng phá vỡ thế bế tắc của dự luật thỏa thuận Brexit vốn bị Hạ viện Anh bác bỏ nhiều lần trong năm qua.

Các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã đồng loạt hạ lãi suất để ngăn chặn cơn trì trệ của ngành sản xuất xấu hơn. Hơn 50% trong số 58 ngân hàng trung ương trên toàn cầu mà Bloomberg theo dõi đã cắt giảm lãi suất.

Đáng chú ý nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất ba lần trong năm nay và Ngân hàng Trung ương châu Âu (EC) đã hạ lãi suất sâu dưới mức âm, từ âm 0,4% xuống âm 0,5%.

Tại Mỹ, chỉ số PMI ngành sản xuất, do Viện Cung ứng Quản lý ở bang Arizona thiết lập và theo dõi, đã trở lại trạng thái ổn định. Thị trường lao động Mỹ vẫn vững mạnh với 128.000 việc làm phi nông nghiệp được tạo ra trong tháng 10, vượt mức 89.000 theo dự báo của các nhà kinh tế.

Tại châu Âu, có những dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nền kinh tế bắt đầu cải thiện. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật (hai quí tăng trưởng âm liên tiếp) nhưng báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich (Đức) cho biết chỉ số niềm tin doanh nghiệp của nước này đã ổn định trong tháng 10.

Hôm 3-11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết Washington đã có “các cuộc thảo luận hiệu quả” với hãng xe châu Âu. Phát biểu này thắp lên hy vọng chính quyền Donald Trump có thể không áp thuế 25% với các hãng xe châu Âu trong tháng này.

Tại châu Á, lượng hàng bán dẫn tồn kho ở Hàn Quốc trong tháng 9 giảm mạnh nhất trong hơn hai năm qua, một dấu hiệu cho thấy cơn suy thoái của ngành công nghệ toàn cầu đang chấm dứt.

Tại Trung Quốc, Cục Thống kê quốc gia cho biết chỉ số PMI ngành sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 10 về mức thấp nhất kể từ tháng 2 nhưng các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng, bất động sản và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn cầm cự tốt.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà kinh tế ở Ngân hàng Morgan Stanley ghi nhận doanh số thương mại toàn cầu có thể giảm nhẹ 0,6% trong tháng 10 so với mức giảm 1,3% trong tháng 9. Báo cáo cũng cho biết doanh số ô tô và bán dẫn toàn cầu đang ổn định.

“Có một số dấu hiệu sớm cho thấy thời điểm tồi tệ nhất đã qua và nền kinh tế thế giới đang tìm thấy điểm đáy”, Candice Bangsund, nhà quản lý danh mục đầu tư ở Công ty Fiera Capital, nói.

Bà Bangsund cảm thấy yên tâm hơn khi chứng kiến các kết quả vượt mong đợi của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và sự phục hồi trong ba tháng liên tiếp của Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất toàn cầu do Ngân hàng J.P. Morgan thiết lập và theo dõi.

Olivier Marciot, Phó Chủ tịch cấp cao ở Công ty Unigestion, nói: “Chúng tôi nghĩ đã đến lúc tiền được rót vào khắp các thị trường”. Công ty của ông Marciot đang gia tăng đặt cược tài sản ở các thị trường mới nổi.

“Chúng tôi thấy có nhiều lý do tin rằng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 ổn định hơn so với năm 2019”, David Mann, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Standard Chartered, nói.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay nhưng sẽ tăng tốc lên mức 3,4% vào năm sau.

Tỉ phú Paul Tudor Jones, nhà quản lý ở một quỹ phòng hộ, nói: “Không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt các đỉnh cao mới. Môi trường kinh tế đang thực sự thuận lợi nhất cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong ngắn hạn”.

Theo Wall Street Journal, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới