Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế trên đà phục hồi với lạm phát dần ‘tăng nhiệt’!

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bên cạnh những tín hiệu sáng dần thì bức tranh kinh tế vĩ mô năm tháng đầu năm vẫn còn những gam màu kém tươi sáng, qua đó mang đến những lo ngại nhất định.

Năm tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%. Ảnh: H.T

Kinh tế đang trên đà phục hồi

Tổng cục Thống kê (TCTK) mới đây đã công bố báo cáo về Tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2022 với nhiều điểm đáng chú ý. Bức tranh chung vẫn là sự phục hồi khá tốt trên nhiều lĩnh vực nhờ việc thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ.

Cụ thể, về phía cung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tiếp tục giữ vững xu hướng phục hồi, ước tính tăng 4% so với tháng 4 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay (31-5-2022) đã được điều chỉnh 13 đợt với mức tăng bình quân năm tháng đầu năm lên tới 50% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.

Tính chung năm tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%.

Đáng chú ý, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 có mức tăng cao vượt trội so với mức tăng chung là: sản xuất trang phục (tăng 22%); sản xuất thiết bị điện (tăng 20,4%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 16,8%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 11,6%)…

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành lại giảm, như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 13,8%); sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (giảm 2,6%); khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, khai khoáng khác (giảm 1,7%).

Về phía cầu, các hoạt động tiêu dùng dần trở về mặt bằng trước khi xảy ra dịch Covid-19 cùng nhu cầu du lịch tăng mạnh nhờ sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5 trở nên nhộn nhịp và sôi động.

Theo báo cáo từ TCTK, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tăng lần lượt là 69% và 324%.

Tính chung năm tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%; nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%). Dù chưa hoàn toàn lấy lại mức tăng cao như trước dịch nhưng tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ đang có sự cải thiện khá rõ nét, cho thấy sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước.

Về hoạt động ngoại thương, tính chung năm tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,3% so với cùng kỳ (trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,6%). Về nhập khẩu hàng hóa, lũy kế năm tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,9% (trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%).

Về cơ cấu thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỉ đô. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,6 tỉ đô.

Lạm phát tăng nhiệt

Bên cạnh những tín hiệu sáng dần thì bức tranh kinh tế vĩ mô năm tháng đầu năm vẫn còn những gam màu kém tươi sáng, qua đó mang đến những lo ngại nhất định. Tín hiệu đầu tiên là số lượng các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức khá cao.

Cụ thể, tính chung năm tháng đầu năm 2022, cả nước có 45.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 44,2% so với cùng kỳ); 19.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 6.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điểm thuận lợi của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát ở chỗ nước ta vẫn đang tự chủ được phần lớn nguồn cung lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI) nên lạm phát dù có tăng nhưng nhiều khả năng sẽ không vượt quá xa mục tiêu kiểm soát của Chính phủ.

Tín hiệu kém tích cực thứ hai là lạm phát có xu hướng “tăng nhiệt”. Theo TCTK, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng 4, đồng thời tăng 2,48% so với tháng 12-2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân năm tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021. Như vậy, so với mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ thì mức tăng trong năm tháng đầu năm đã chiếm hơn một nửa, khiến dư địa được phép tăng còn lại của lạm phát trong hai quí cuối năm hẹp đi khá nhiều.

Việc CPI tăng có nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới cũng như giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Cụ thể, giá xăng dầu từ đầu năm đến nay (31-5-2022) đã được điều chỉnh 13 đợt với mức tăng bình quân năm tháng đầu năm lên tới 50% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá gas trong nước cũng tăng 26,6%, góp phần làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,28%, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm… Ở chiều ngược lại, cũng có một số yếu tố giúp làm giảm CPI chung trong năm tháng đầu năm, điển hình như mặt hàng thực phẩm giảm 0,73%, làm CPI chung giảm 0,16 điểm phần trăm; trong đó giá thịt heo giảm 20,8%; giá thịt chế biến giảm 4,23%.

Giá dịch vụ giáo dục cũng giảm 3,71% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ 1 năm học 2021-2022, làm CPI chung giảm 0,2 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Về diễn biến giá cả trong sáu tháng cuối năm, với cuộc chiến Nga – Ukraine còn nhiều phức tạp, chưa biết bao giờ giá nhiên liệu, lương thực mới ngừng leo thang cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được giải quyết triệt để, lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Tuy vậy, điểm thuận lợi của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát ở chỗ nước ta vẫn đang tự chủ được phần lớn nguồn cung lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI) nên lạm phát dù có tăng nhưng nhiều khả năng sẽ không vượt quá xa mục tiêu kiểm soát của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ “dễ thở” hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhằm đảm bảo mức tăng của mặt bằng lãi suất (nếu có) sẽ không quá lớn (chỉ ở mức 0,5-1%), qua đó hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới