Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Triều Tiên trụ vững trước các lệnh trừng phạt dồn dập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Triều Tiên trụ vững trước các lệnh trừng phạt dồn dập

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Mỹ nỗ lực gây sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân bằng cách vận động Liên hợp quốc (LHQ) tung ra các nghị quyết trừng phạt liên tiếp với mức độ ngày càng gay gắt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên song cách tiếp cận “cây gậy” này dường như không có tác dụng, theo tờ The Wall Street Journal.

Kết cục nào được xem là thắng lợi cho ông Kim Jong-un?

Chờ đợi gì từ bàn nghị sự của Donald Trump và Kim Jong-un?

Kinh tế Triều Tiên trụ vững trước các lệnh trừng phạt dồn dập
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một công trường ở khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma thuộc tỉnh Kangwon, Triều Tiên hồi năm ngoái. Ảnh: KCNA/Getty

Chống đỡ tốt các đòn trừng phạt

Các chỉ số kinh tế cho thấy hoạt động thương mại thường ngày ở Triều Tiên vẫn ổn định. Nhiều người dân Triều Tiên, từng trải qua các điều kiện kinh tế khó khăn hơn nhiều vào thập niên 1990, dường như đang thích nghi với tình thế đất nước bị áp đặt trừng phạt kinh tế khi các lực lượng thị trường đang bén rễ sâu hơn trong nền kinh tế Triều Tiên.

Các nghị quyết trừng phạt khắc nghiệt hơn nhằm vào Triều Tiên bao gồm các hạn chế giao dịch thương mại với nước ngoài được LHQ thông qua dưới sự vận động của Mỹ trong năm 2016 và năm 2017, đã khiến Triều Tiên hứng một số thiệt hại, bao gồm mất nguồn thu ngoại tệ đáng kể từ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa như than và hàng dệt may sang các nước khác như Trung Quốc.

Các nghị quyết này cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài, hạn chế lượng xăng dầu mà Triều Tiên được phép nhập khẩu. Kèm theo đó, Washington thông qua một số lệnh trừng phạt nhằm củng cố hiệu quả thực thi các nghị quyết.

Nhưng trên các phương diện khác, nền kinh tế Triều Tiên dường như vẫn chống đỡ tốt các đòn trừng phạt. Tại quốc gia đang bị cô lập này, giá gạo vẫn ổn định và giá xăng đã giảm mạnh sau khi tăng cao vào mùa thu năm 2017 do LHQ yêu cầu các nước hạn chế xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên.

Đồng won của Triều Tiên vẫn giữ tỷ giá ổn định so với đồng đô la. Các dự án xây dựng tiếp tục được triển khai ở thủ đô Bình Nhưỡng. Sau khi LHQ siết chặt trừng phạt Triều Tiên, nhiều sản phẩm nước ngoài đã được thay thế bằng các sản phẩm địa phương nhờ các nhà máy trong nước gia tăng sản lượng.

Nhiều du khách đến Bình Nhưỡng và một số thành phố lớn ở Triều Tiên cho biết họ thậm chí nhận thấy một số cải thiện trong đời sống hàng ngày của người dân chẳng hạn giá điện và giá than rẻ hơn so với trước đây.

“Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Triều Tiên đang gặp khó khăn”, Giáo sư William Brown ở Đại học Georgetown (Mỹ) đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, nói. Ông cho rằng trên thực tế, có một số dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Triều Tiên đang phát triển, ít nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, vốn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế đất nước.

Nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn

Hình dung một bức tranh chính xác hơn về nền kinh tế Triều Tiên là rất khó vì các dữ liệu chính thức rất ít ỏi và không đáng tin cậy.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Triều Tiên có thể thúc đẩy nền kinh tế bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối.

Kim Byung-yeon, Giáo sư kinh tế ở Đại học quốc gia Seoul, nói rằng nếu các lệnh trừng phạt đang gây tổn thương cho nền kinh tế Triều Tiên, dấu hiệu đầu tiên có thể nhận thấy là doanh số các mặt hàng xa xỉ và hàng hóa lâu bền như áo quần và đồ gia dụng điện tử phải suy yếu. Song không thể quan sát các tín hiệu cảnh báo này ở Triều Tiên do thiếu dữ liệu.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng kinh tế Triều Tiên đã trở nên linh hoạt hơn trong thập kỷ qua. Hệ thống kinh tế tập trung ở Triều Tiên, vốn cho phép nhà nước kiểm soát mọi thứ, tạo việc làm, trả lương và cung ứng thực phẩm cho người dân, đang dần nhường lối cho một mô hình kinh tế năng động hơn dựa vào các doanh nghiệp, đang tạo ra các phương kế kiếm tiền cho người dân.

Sự chuyển đổi này xuất hiện từ nhiều năm trước đây và tăng tốc dưới thời kỳ cầm quyền của ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên nhìn chung đã cho phép các thị trường tư nhân hoạt động tự do hơn cũng như cho phép nông dân bán nông sản dôi dư để kiếm lợi nhuận.

“Thành tích lớn nhất của ông Kim Jong-un là nới lỏng quản lý thị trường”, Joung Eun-lee, nhà nghiên cứu Triều Tiên ở Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, có trụ sở ở Seoul, nhận định.

Khoảng 70% nền kinh tế Triều Tiên giờ đây hoạt động theo xu hướng thị trường, theo ước tính của Kwak In-ok, nhà nghiên cứu kinh tế Triều Tiên ở Đại học nữ giới Sookmyung (Hàn Quốc). Ông nói khi các lệnh trừng phạt siết chặt, các hoạt động thương mại ngầm ở Triều Tiên được mở rộng giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Giáo sư kinh tế Kim Byung-yeon cho biết các hộ gia đình Triều Tiên giờ đây có thể kiếm 60% tổng thu nhập của họ từ các hoạt động thị trường phi chính thức.

Theo các chuyên gia giám sát các khu chợ ở Triều Tiên thông qua hình ảnh vệ tinh, hiện có khoảng 400 khu chợ chính thức ở Triều Tiên. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington, cho hay hiện nay số lượng các khu chợ chính thức ở Triều Tiên đã tăng gấp đôi so với năm 2010.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính GDP Triều Tiên tăng trưởng -3,5% trong năm 2017 song các chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên nói con số này không đáng tin cậy vì không tính đến các hoạt động kinh tế phi chính thức đang ngày càng gia tăng ở Triều Tiên.

Một nhà nghiên cứu Triều Tiên cho biết trong chuyến thăm gần đây đến Triều Tiên, ông chứng kiến “các dự án xây dựng xuất hiện khắp nơi” và “một khối lượng vật liệu xây dựng khổng lồ được vận chuyển”.

Động lực để chuyển sang nền kinh tế thị trường?

Công nhân làm việc ở nhà máy giày Ryuwon ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Các chuyên gia nói rằng các lệnh trừng phạt khắc nghiệt có thể tạo động lực để Triều Tiên chuyển tiếp sang một nền kinh tế vận động theo xu hướng thị trường hơn dù nó không được chính thức ghi nhận. Năm 2013, hai năm sau khi lên cầm quyền ở Triều Tiên, ông Kim Jong-un công bố chính sách “byungjin”, tức phát triển song hành hai ưu tiên hàng đầu của đất nước: kinh tế và quốc phòng.

Ông Kim đã “làm ngơ” cho hoạt động kinh doanh phi chính thức miễn là giới kinh doanh đóng góp nguồn thu cho nhà nước và ông cũng không mạnh tay dẹp bỏ các hoạt động giao dịch sử dụng đồng đô la và đồng nhân dân tệ, vốn bị cấm tại Triều Tiên.

Các chuyên gia kinh tế nói rằng ông Kim dường như duy trì chính sách giữ ổn định tỷ giá đồng won của Triều Tiên với đồng đô la Mỹ bằng cách không in thêm tiền won, một thay đổi giúp kiểm soát lạm phát và cho phép người dân cất giữ tiền mặt mà không sợ bị mất giá.

Năm 2015, ông Kim tán thành các quy định cho phép các công ty nhà nước tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, bao gồm cho phép tự quyết định sản lượng và giá bán.

Theo một báo cáo hồi tháng 6 năm ngoái của Viện Thương mại và kinh tế công nghiệp Hàn Quốc, các nhà máy ở Triều Tiên giờ đây có thể tìm nhà cung cấp và khách hàng của riêng họ miễn là họ đạt được các mục tiêu doanh thu do nhà nước đề ra. Nông dân Triều Tiên cũng có thể bán nông sản dư thừa sau khi đã đáp ứng chỉ tiêu sản lượng của nhà nước.

Thay đổi này cũng khuyến khích các công ty có liên quan đến nhà nước được thành lập bởi những người thuộc tầng lớp giàu có ở Triều Tiên hay còn gọi là “donju”, đang kiếm tiền qua các thị trường phi chính thức và đóng góp nguồn thu nhập ổn định cho chính phủ.

“Ông Kim Jong-un hiểu rằng thị trường không thể vận hành nếu không có các donju. Họ là xương sống của nền kinh tế Triều Tiên”, nhà nghiên cứu cấp cao Lee Hyung-seog ở Viện Chiến lược an ninh quốc gia ở Soeul, nhận định.

Tại chợ Tongil, ngôi chợ lớn nhất ở Bình Nhưỡng, các sản phẩm do Triều Tiên sản xuất như tivi, máy tính bảng đang dần thay thế hàng Trung Quốc. Siêu thị Kwangbok ở Bình Nhưỡng cũng bày bán nhiều chủng loại sản phẩm mang thương hiệu trong nước như áo quần, dầu gội, kem đánh răng.

Marcus McFarland, hướng dẫn viên hãng lữ hành Koryo Tours có trụ sở ở Bắc Kinh, chuyên thiết kế các tour thăm quan Triều Tiên, cho biết: “Chủng loại hàng hóa trong nước đã phong phú hơn”. Ông cho biết các quán ăn ở Bình Nhưỡng giờ đây bán ba loại bia địa phương thay vì chỉ một loại như cách đây hai năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới