Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc: Đến lúc phải thay đổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Trung Quốc: Đến lúc phải thay đổi

Guồng máy kinh tế Trung Quốc chuyển động nhanh nhờ sức lực của hàng triệu công nhân di cư.

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp Trung Quốc, cũng giống như doanh nghiệp ở mọi nơi khác, đang điêu đứng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Suy thoái cũng đang làm lộ ra những khiếm khuyết sâu kín của nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Một vùng đất hẹp, khoảng hai giờ lái xe từ đầu này sang đầu kia, nói lên rất nhiều điều về sự chuyển dịch kinh tế của một đất nước rộng lớn. Rẻo đất ở miền nam Trung Quốc này trải dài từ thành phố Quảng Châu – một hải cảng cổ xưa được dành riêng cho tàu bè nước ngoài trước khi ông Mao Trạch Đông trục xuất họ – cho tới Thâm Quyến, một thành phố ra đời sau khi ông Mao mất để làm nơi thí điểm phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Trong thập niên vừa qua, rẻo đất này là một trong những nơi mà guồng máy kinh tế chuyển động nhanh nhất, là trung tâm toàn cầu về sản xuất quần áo, giày dép và hàng điện tử, hoạt động nhờ sức lực của hàng chục triệu công nhân di cư.

Giờ đây, vùng đất này đang trải qua một sự sa sút cũng nhanh chóng như khi nó phát triển. Năm ngoái, hàng ngàn nhà máy, có lẽ là một phần ba hay một nửa số nhà máy tại đây, đã đóng cửa.

Thật khó tìm số liệu thống kê đáng tin cậy, không chỉ vì rất nhiều nhà máy hoạt động trong khoảng tối của luật pháp mà còn vì tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đã quá rõ ràng.

Dòng chảy lao động di cư đã đổi chiều; một số người mới bị mất việc vẫn đang còn quẩn quanh nơi đây (và vài người đã khởi sự một nghề mới: tội phạm đường phố). Những người may mắn thì còn tìm được việc ở các nhà máy đã chuyển vào sâu trong nội địa cho dù tiền lương có thấp hơn.

Trên con đường chạy ngang qua thành phố Đông Hoàn (Dongguan) – một đô thị công nghiệp đang mở rộng nằm vào khoảng giữa Quảng Châu và Thâm Quyến, từng dãy nhà nối tiếp nhau – nhà ở và nhà xưởng – đã treo bảng cho thuê hoặc bán. Các công ty môi giới địa ốc tại địa phương nói người mua không còn hứng thú với các tài sản này nữa; một phần do thiếu nhu cầu tiêu thụ những thứ mà các nhà máy sản xuất ra, phần khác là mối quan tâm tới chất lượng của các bất động sản rao bán: nhiều nhà xưởng được dựng lên vội vàng và được bảo quản rất kém hoặc không bảo quản gì cả.

Luật bất động sản mù mờ của Trung Quốc là một phần khác; người mua không thể biết chắc rằng, tài sản mà họ mua có thật sự là của họ hay không.

Luật bất động sản mù mờ của Trung Quốc là một phần khác; người mua không thể biết chắc rằng, tài sản mà họ mua có thật sự là của họ hay không.

Sự sụp đổ nhanh chóng các hoạt động kinh tế chung quanh thành phố Đông Hoàn chỉ ra rằng các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang phải chịu đựng những cú đấm tương tự như đồng nghiệp của họ ở nhiều nước khác. Cũng đã nổi lên câu hỏi về khả năng tồn tại về lâu về dài của các doanh nghiệp này. Họ từng nằm trong số những thành phần năng động nhất tạo nên cuộc vươn tới phồn vinh một cách nhanh chóng của Trung Quốc. Sự bế tắc của họ có thể chỉ là tạm thời. Nhưng cũng có nhiều người lo rằng họ thực sự bị ràng buộc vào những khiếm khuyết sâu sắc của nền kinh tế Trung Quốc.

Sáu tháng trước đây, các nhà sản xuất Trung Quốc điên đầu vì đà gia tăng của tất cả các loại chi phí, từ lương nhân viên, giá nguyên liệu và năng lượng cho tới lãi suất ngân hàng và thuế má. Lao động có kỹ năng lại thiếu hụt trầm trọng. Kết quả kinh doanh năm 2008, được công bố sau vài tháng nữa, sẽ cho thấy những lực cản này đã kìm hãm rất nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc trong gần trọn năm ngoái.

Bây giờ cũng chính các nhà sản xuất đó lại bị đau đầu vì điều ngược lại: đơn đặt hàng biến mất nhanh chóng. Dữ liệu chính thức về sản xuất công nghiệp tháng 12-2008, nếu có thể tin cậy được, cho thấy một sự sút giảm nghiêm trọng trong tốc độ tăng trưởng hàng năm; dữ liệu tháng 1-2009 thì bị hoãn công bố. Xuất khẩu tháng 1-2009 giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước, và nhập khẩu giảm tới 43,1%. Tháng 2-2009 vừa qua, tình hình còn tồi tệ hơn nữa khi kim ngạch xuất khẩu giảm tới 25,7%.

Hoạt động kinh tế chùng xuống đã kéo theo chi phí sản xuất. Giá nguyên liệu và năng lượng giảm mạnh, thị trường lao động cũng hết nhộn nhịp. Sau nhiều năm liên tục nâng lãi suất và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, các cơ quan quản lý tài chính ở Bắc Kinh bắt đầu cắt giảm cả hai mục này từ tháng 9-2008 và lên tiếng thúc giục ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay.

Lo sợ những hậu quả xã hội của tình trạng thất nghiệp lan tràn, cả chính quyền các địa phương và chính phủ trung ương Trung Quốc đều đảo ngược các chính sách được ban hành vào thời kỳ 2006 – 2008 – các chính sách đã làm gia tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Việc hoàn thuế cho các nhà xuất khẩu được tái tục; các điều luật mới về lương bổng, điều kiện làm việc và phúc lợi của người lao động – một năm trước còn làm gia tăng chi phí sản xuất – nay được vận dụng linh hoạt hơn so với lúc mới ban hành.

Ở thành phố Đông Hoàn, quan chức địa phương không còn lo thúc giục các doanh nghiệp tiến lên sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Các nhà sản xuất các loại hàng hóa sử dụng nhiều lao động, như áo quần và đồ chơi trẻ em, không còn bị áp lực phải chuyển hoạt động đi nơi khác.

Trong gần cả năm 2008, chính quyền địa phương ngầm khuyến khích các cuộc đình công, nay thì họ đứng ra giúp dàn xếp những xung đột giữa chủ và thợ. Nhưng những thay đổi này không đủ sức bù đắp sự giảm sút đơn đặt hàng. Tệ hơn nữa, tình trạng bất ổn xem ra còn sâu sắc hơn nhiều chứ không chỉ là tác động ngắn hạn của một cuộc suy giảm nhu cầu tiêu thụ.

Bảng 1: Sản xuất ở Trung Quốc dựa chủ yếu trên công nghệ có trình độ thấp.

Đa số những thành công đáng chú ý của doanh nghiệp Trung Quốc là dựa trên các hoạt động có hàm lượng công nghệ thấp, tỷ suất lợi nhuận cũng thấp. Nói rộng ra, Trung Quốc là nhà xuất khẩu thuần những mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp và nhà nhập khẩu thuần những mặt hàng tinh vi hơn. Ở các nước giàu, thường xảy ra hiện tượng ngược lại (xem bảng 1).

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc được xây dựng trên nguồn lao động rẻ để sản xuất những mặt hàng tiêu dùng rẻ tiền như quần áo, giày dép. Nhiều doanh nghiệp khác sản xuất những mặt hàng cao cấp hơn như hàng điện tử hoặc đồ dùng thể thao có thương hiệu cho các công ty phương Tây. Khó khăn là ở chỗ nhiều nước cũng có thể làm như thế, đôi khi còn rẻ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Cứ cho là như vậy thì Trung Quốc vẫn còn rất nhiều công ty quan trọng không cần lo lắng về chuyện công việc làm ăn sẽ chuyển sang các nền kinh tế đang phát triển khác.

Hồi tháng 1-2009, tập đoàn tư vấn Boston xác lập danh sách 100 doanh nghiệp “có ý định vươn lên vị trí lãnh đạo toàn cầu”, trong số này có 30 doanh nghiệp Trung Quốc. Không một quốc gia nào khác có thành tích như vậy. Tuy nhiên, hầu như tất cả các công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước, toàn bộ hoặc một phần, và thu lợi nhờ những chính sách bảo hộ trên thị trường nội địa.

Tập đoàn China Mobile chẳng hạn, là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất thế giới xét về số thuê bao, nhưng theo quy hoạch của nhà nước, họ chỉ phải cạnh tranh với một vài đối thủ nội địa. Tình hình cũng tương tự ở các ngành thép, nhôm, năng lượng, tài chính và hàng loạt các lĩnh vực khác mà chính phủ Trung Quốc cho là “mang tính chiến lược”.

Một mô hình tăng trưởng bền vững hơn cho các công ty ít có đặc quyền là tham gia vào các hoạt động có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, dựa trên sự canh tân và chất lượng cao hơn, với những thương hiệu nội địa có sẵn của họ. Tuy nhiên cho đến nay các công ty Trung Quốc đều mang họa bởi tình trạng chất lượng kém, có thực hay do người ta nghĩ vậy. Chỉ một vài công ty xây dựng được thương hiệu được kính nể. Nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng này là hệ thống bảo vệ quyền tư hữu yếu kém (kể cả quyền sở hữu trí tuệ) và một hệ thống tài chính bị bóp méo để ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước. Tình trạng này rất khó điều chỉnh.

Cuộc suy thoái cho thấy đa số doanh nghiệp Trung Quốc thiếu căn bản một cách kỳ lạ. Công ty bị chết dường như chỉ đơn giản là bốc hơi, biến mất mà không để lại dấu vết gì cả. Không chỉ đơn giản là việc xóa bỏ năng lực sản xuất dư thừa, hoặc chuyển cơ sở sản xuất vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Cuộc suy thoái cho thấy đa số doanh nghiệp Trung Quốc thiếu căn bản một cách kỳ lạ. Công ty bị chết dường như chỉ đơn giản là bốc hơi, biến mất mà không để lại dấu vết gì cả. Không chỉ đơn giản là việc xóa bỏ năng lực sản xuất dư thừa, hoặc chuyển cơ sở sản xuất vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Các nhà buôn Hồng Kông năm ngoái còn băng qua biên giới để mua áo quần sản xuất ở miền Nam Trung Quốc thì nay phải bay sang Dhaka, thủ đô Bangladesh. Năm nay hãng Nike sẽ sản xuất nhiều giày thể thao ở Việt Nam hơn là ở Trung Quốc – nhà cung cấp chính của Nike trong suốt 15 năm qua.

Năm 1988, một nhà sản xuất hàng nhựa quy mô nhỏ và bí mật của Đài Loan tên là Công ty Hồng Hải (Hon Hai) đã mở một nhà máy ở Thâm Quyến – nhà máy này từ đó đã lớn lên thành một thành phố với hơn một phần tư triệu công nhân. Công ty tiết lộ rất ít thông tin về những sản phẩm mà chi nhánh Trung Quốc của nó – có tên riêng là Foxconn – sản xuất ra nhưng ai cũng tin rằng nó đang sản xuất máy nghe nhạc iPod cho hãng Apple, trò chơi điện tử cho Nintendo, thiết bị chơi game cho Microsoft và đủ loại máy tính xách tay, sở hữu toàn bộ hoặc một phần, bởi các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Vì thuê mướn một số lượng nhân công khổng lồ, mọi động thái của tập đoàn Hồng Hải đều thu hút sự quan tâm kỹ lưỡng của báo chí địa phương mặc dù bản thân công ty khá kín tiếng. Năm 2007, có lẽ cũng vì những lý do khiến nó di chuyển tới Trung Quốc 20 năm về trước, Hồng Hải đã xây dựng cơ sở mới tại Việt Nam và nghe đâu cơ sở này đang phát triển rất lớn.

Giờ đây, các báo cáo tại Đài Loan tiết lộ, lực lượng lao động của Hồng Hải tại Thâm Quyến sẽ giảm từ 260.000 người xuống còn 100.000 người và sẽ có nhiều việc làm bị chuyển vào sâu trong nội địa. Cho dù những con số này có đúng sự thực hay không thì với tư cách là một công ty xuyên quốc gia rất lanh lẹ, Hồng Hải có khả năng chuyển hoạt động sản xuất đi nơi khác khi tình huống thay đổi. Và không chỉ một mình Hồng Hải làm như vậy.

Phải thừa nhận là các doanh nghiệp có nhiều lý do để tiếp tục bám trụ tại Trung Quốc. Việt Nam, Indonesia và vài nước khác chỉ có một khả năng nhất định trong việc mở rộng sản xuất; vì nếu mở rộng, cơ sở hạ tầng sẽ bị quá tải và kích hoạt xu thế tăng lương. Trung Quốc vẫn còn nhiều lao động giá rẻ. Và điều quan trọng hơn nữa là Trung Quốc có một thị trường nội địa hết sức rộng lớn, hiện vẫn còn được bảo hộ khỏi sự thâm nhập của các nhà sản xuất nước ngoài. Tuy vậy, như những nhược điểm của các nhà sản xuất ở miền Nam Trung Quốc chứng tỏ, những lợi thế này cũng có những hạn chế.

Tỷ suất lợi nhuận cao gắn liền với chất lượng cao. Trong một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức tư vấn thương hiệu quốc tế Interbrand tiến hành với 700 nhà kinh doanh chuyên nghiệp quốc tế, 80% số ý kiến cho rằng chất lượng sản phẩm quá thấp là rào cản quan trọng nhất đối với việc kinh doanh hàng hóa Trung Quốc ở nước ngoài; 2/3 số ý kiến cho rằng “giá rẻ” là thuộc tính chủ yếu của hàng hóa Trung Quốc và chỉ 12% tin rằng chất lượng hàng Trung Quốc đang được cải thiện.

Những ấn tượng như vậy là rất có cơ sở nếu xem xét những cuộc đấu tranh mà các công ty Trung Quốc đang tiến hành ở nước ngoài. Chỉ trừ một vài ngoại lệ, đáng chú ý là tập đoàn Lenovo – người mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM, và Haier – nhà sản xuất tủ lạnh cỡ nhỏ, giá rẻ phù hợp với các sinh viên xa nhà – các thương hiệu Trung Quốc hầu như không có tiến bộ nào. Họ chỉ có thể phát triển hoặc là ở các thị trường mới nổi mà người dân chuộng hàng giá rẻ hoặc là ở những lãnh vực nhạy cảm về giá trong các thị trường phát triển, những lĩnh vực chỉ đòi hỏi tính năng rõ ràng với mức độ canh tân tối thiểu. Hoạt động của các công ty thiết bị viễn thông ZTE và Huawei là những trường hợp như vậy.

“Tiếng tăm” không mấy tốt đẹp của sản phẩm Trung Quốc ở thị trường nước ngoài không chỉ làm tổn thương các công ty Trung Quốc mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp phương Tây kinh doanh hàng Trung Quốc.

“Tiếng tăm” không mấy tốt đẹp của sản phẩm Trung Quốc ở thị trường nước ngoài không chỉ làm tổn thương các công ty Trung Quốc mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp phương Tây kinh doanh hàng Trung Quốc.

Năm ngoái, đối phó với hàng loạt lời than phiền và kiện cáo của người tiêu dùng về đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã ban hành các điều luật tăng cường việc kiểm soát chất lượng. Tất nhiên những nhà sản xuất ở Trung Quốc bị tốn thêm chi phí, nhưng các nhà buôn đồ chơi ở Mỹ cũng thiệt hại, bỗng dưng họ thấy mình không có khả năng xác định độ an toàn của những sản phẩm mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cũng với mối quan tâm tương tự, Ấn Độ đã áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc các loại đồ chơi như xe hơi, xe lửa, búp bê và bộ ghép hình.

Thế thì, tại sao các nhà sản xuất không cố gắng cải thiện chất lượng hàng hóa của họ? Lời giải thích dễ nghe nhất là Trung Quốc hiện đang trải qua những vấn đề y hệt như Nhật Bản trước kia, có điều trong một thời đại mà khách hàng được coi trọng và ưa kiện tụng nên mọi khiếm khuyết đều bị phóng đại lên.

Nhật Bản cũng từng bị lâm vào tình trạng sản xuất hàng kém chất lượng nhưng trong thời kỳ công nghiệp hóa sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cả nước Nhật bị ám ảnh bởi yêu cầu chất lượng, nhất là từ khi họ tiếp thu những bài giảng của giáo sư W. Edwards Deming, bậc thầy về quản trị chất lượng của Mỹ.

Các công ty như Honda đã đè bẹp ngành công nghiệp xe gắn máy của Anh quốc nhờ cung cấp những mẫu xe có chất lượng cao hơn và giá rẻ hơn. Các tập đoàn Sony và Panasonic cũng giành thắng lợi như vậy trước các nhà sản xuất ti-vi và radio của Mỹ. Gần như tất cả các công ty thành công của Nhật đều bắt đầu bằng việc sản xuất vài loại linh kiện cho các công ty khác (hiện nay Sony vẫn còn làm như vậy) nhưng đồng thời họ cũng quyết tâm xây dựng thương hiệu của riêng mình bằng cách làm ra những sản phẩm đặc biệt, có thể phân biệt với sản phẩm của các hãng khác.

Ở Trung Quốc không hề có hiện tượng tương tự. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã ý thức được sự chê bai tràn lan đối với chất lượng của họ. Một vài doanh nghiệp lớn đã bắt đầu thuê các chuyên viên phương Tây có nhiều kinh nghiệm trong các công ty tốt nhất ở Mỹ và Âu châu.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã giật mình trước tình trạng kém chất lượng, bởi vì nó gây ra những hậu quả chết người trên thị trường nội địa được bảo hộ kỹ, nơi người kinh doanh rất dễ thành công trong việc làm hàng nhái, hàng giả. Năm ngoái, sau khi sữa độc làm chết 6 em bé, bà chủ tịch tập đoàn sữa Tam Lộc (Sanlu) – nhà sản xuất sữa cho trẻ em nổi tiếng nhất Trung Quốc – bị tuyên án tù chung thân, hai người cung cấp sữa bị án tử hình.

Chắc chắn rằng rất nhiều sản phẩm chất lượng cao được làm ở Trung Quốc, từ dụng cụ thể dục thể thao, máy nghe nhạc MP3 tới quần áo sang trọng. Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông. Thị trường nội địa và các hội chợ triển lãm đầy hàng hóa mang những thương hiệu gây ấn tượng.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải chẳng hạn, Trung Quốc có hàng chục công ty sản xuất xe hơi quy mô lớn, 300 nhà sản xuất vỏ ruột xe, 1.000 nhà sản xuất xe đạp, vài ngàn nhà sản xuất xe gắn máy đang cạnh tranh với nhau. Trên trang mạng Alibaba.com có hơn 3.500 nhà sản xuất đồng hồ đeo tay và 8.000 nhà sản xuất dao cạo râu quảng bá sản phẩm của mình, đồng thời có vô số những người sản xuất dao cạo râu Gillette giả, đồng hồ Rolex giả để bán trên các góc phố.

Bảng 2: Phần lớn sản phẩm công nghệ cao mà Trung Quốc xuất khẩu đều do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài sản xuất.

Nhưng tại sao những nỗ lực này ít được chuyển hóa thành các thương hiệu mạnh là một điều khó hiểu. Các công ty nước ngoài vẫn chiếm lĩnh việc xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao (xem bảng 2).

Cách lý giải đơn giản nhất có lẽ là sự vô danh phù hợp với nhiều công ty Trung Quốc. Ở thành phố Đông Hoàn có công ty Yue Yuen – một công ty con của tập đoàn Đài Loan Pou Chen, theo mô hình giống như tập đoàn Hồng Hải – chuyên sản xuất giày thể thao cho các thương hiệu hàng đầu ở phương Tây. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn chuyên làm mọi thứ, từ những cây vợt tennis đến những mặt hàng cao cấp thương hiệu Âu châu.

Nhưng bởi vì việc phổ biến rộng rãi xuất xứ chung của các sản phẩm này sẽ không mang lại điều gì tốt lành cho các thương hiệu ấy, người châu Âu thường buộc ghi vào hợp đồng các điều khoản ngăn cản việc tiết lộ tung tích sản phẩm.

Tính vô danh cũng giúp các công ty Trung Quốc tránh được sự dò xét của quan chức và báo chí về các vấn đề điều kiện lao động, vốn hết sức tồi tệ. Nhưng chiến lược này có những hạn chế, tỷ suất lợi nhuận từ việc sản xuất hàng không có thương hiệu thường rất thấp. Việc giữ chân khách hàng có nghĩa là phải chấp nhận cạnh tranh với các đối thủ từ mọi quốc gia có giá lao động rẻ, và như miền Nam Trung Quốc cho thấy, doanh nghiệp loại này thường rất dễ bị xóa sạch khi kinh tế xuống dốc.

Ở Đài Loan, nhiều doanh nghiệp có thời dẫn đầu trong việc sản xuất hàng hóa không có thương hiệu đã dần dần phát triển các sản phẩm chất lượng cao sử dụng thương hiệu của riêng họ; đáng chú ý có các hãng máy tính Acer, Asus và điện thoại HTC.

Trở ngại nổi bật nhất cho việc tạo ra một hoạt động tương tự ở Trung Quốc là sự yếu kém của chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tại sao phải đầu tư vào thiết kế hoặc canh tân công nghệ khi kết quả có thể bị đối thủ cạnh tranh đánh cắp ngay lập tức. Nhận ra rào cản này, chính phủ Trung Quốc đã thông qua những đạo luật mới và tuyên bố hùng hồn về việc hỗ trợ các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn, nhưng việc dàn xếp thì tủn mủn, thực thi pháp luật thì chắp vá. Đa số các bằng sáng chế mà Trung Quốc cấp cho người trong nước vẫn chỉ thuộc vào loại “ứng dụng”, nghĩa là ghi nhận những sự cải tiến chứ không phải cho sự cách tân hoặc thiết kế mới (xem bảng 3).

Bảng 3: Cơ cấu bằng sáng chế mà Trung Quốc được cấp (bên trái) so với các nước khác (bên phải).

Sự yếu kém của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể được coi như một phần của một vấn đề sâu hơn: sự yếu kém của quyền tư hữu nói chung.

Theo một nghiên cứu gần đây về sự canh tân Trung Quốc do tổ chức OECD thực hiện, trước khi đất nước này tái mở cửa vào cuối thập niên 1970, vấn đề quyền tư hữu không hề được đặt ra: nhiệm vụ phát triển và canh tân công nghệ được giao cho các viện nghiên cứu của chính phủ, các nhà máy chỉ nhận lệnh sản xuất. Ngay cả ngày nay cũng chỉ có một số ít công ty có thể hoạt động hoàn toàn độc lập.

Theo ông Yasheng Huang, một nhà kinh tế tại Học viện công nghệ Massachusetts, các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát chiếm đến một nửa nền kinh tế. Như thế cũng chưa nói hết được ảnh hưởng thực tế vì ngay cả các doanh nghiệp tư nhân cũng hiểu rằng sự tồn tại của họ phụ thuộc vào mối quan hệ với nhà nước.

Quyền sở hữu nhập nhằng đã làm méo mó cơ cấu tài chính, quản trị và kế hoạch hóa hoạt động lâu dài. Để tránh né sự kiểm soát sáng đúng chiều sai của nhà nước Trung Quốc, các công ty muốn đăng ký cổ phiếu trên thị trường phải trải qua rất nhiều phương cách lách luật. Tập đoàn Haier chẳng hạn, đăng ký hoạt động ở Bermuda. Việc phát hành cổ phiếu phải được chính phủ phê duyệt và phần lớn kinh phí cho các thủ tục pháp lý phải do các ngân hàng quốc doanh tài trợ. Với những ràng buộc chính trị như vậy, sự thiếu canh tân không phải là điều khó hiểu.

Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân, thường linh hoạt hơn. Nhưng kiếm được tiền là rất khó: tín dụng cho các loại doanh nghiệp này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong doanh số cho vay của các ngân hàng do nhà nước kiểm soát (xem bảng 4).

Bảng 4: Tỷ lệ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng lớn ở Trung Quốc, so với tổng dư nợ.

Nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ là một trong những điều huyền bí lớn của Trung Quốc, nhưng cũng có những manh mối. Trung Quốc đầy dẫy những người kinh doanh tài chính ở chợ đen, bao gồm các tiệm cầm đồ, các công ty “bảo đảm tín dụng” và những doanh nghiệp công nghiệp nhỏ cho vay đến các doanh nghiệp công nghiệp còn nhỏ hơn nữa.

Tuy nhiên, tài chính từ những nguồn này là không chính thức, chỉ có thời hạn ngắn và làm thay đổi bản chất của sự đầu tư. Tiền vốn còn thường phụ thuộc vào quan hệ cả nhân của người chủ hãng, cho nên nó cũng làm méo mó tiến trình ban hành quyết định của cấp quản lý.

Những chướng ngại này không ngăn được Trung Quốc phát triển. Thật vậy, con đường kỳ lạ theo đó đồng tiền, con người và các công ty Trung Quốc đến và đi minh họa cho tính chất dễ thích nghi của đất nước này. Nhưng dù sao đó cũng là những chướng ngại.

Hai năm trước đây, vào một trong những chuyến viếng thăm thường kỳ đến Trung Quốc, Bill Gates nói ông ta vẫn thường tự hỏi, Bill Gates kế tiếp và Microsoft kế tiếp sẽ xuất hiện ở đâu. Trước niềm vui sướng của chính phủ nước chủ nhà, ông đưa ra dự báo nơi đó là châu Á bởi vì những thách thức mà ông đã chứng kiến, cấp độ của nền giáo dục và tác động của công nghệ. Rất dễ hình dung có một người Trung Quốc sẽ đi theo bước chân Bill Gates. Nhưng trong những điều kiện của hôm nay, thật khó tưởng tượng rằng có ai đó trong một công ty ở Trung Quốc có thể làm được điều ấy.

(The Economist, số ra ngày 19-2-2009)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới