Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với khó khăn luẩn quẩn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với khó khăn luẩn quẩn

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Sau khi Covid-19 được kiểm soát ở Trung Quốc, nhu cầu người tiêu dùng phục hồi yếu ớt, buộc giới doanh nghiệp nước này phải sa thải và cắt giảm lương nhân viên. Tuy nhiên, khi thu nhập của người lao động bị tổn thương, họ sẽ hạn chế chi tiêu và điều này lại tác động ngược trở lại giới doanh nghiệp, khiến triển vọng kinh doanh của họ tiếp tục u ám.

Châu Âu lo Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để thâu tóm tài sản công nghệ

Làn sóng vỡ nợ tiêu dùng bắt đầu kích hoạt trên toàn cầu?

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với khó khăn luẩn quẩn
Nhịp sống đã dần trở lại bình thường ở nhiều thành phố ở Trung Quốc nhưng sức chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi yếu ớt. Ảnh: Reuters

Kinh tế vận hành trở lại nhưng nhu cầu còn yếu

Bị thu hút trước cơn bùng nổ du lịch ở thành phố quê nhà Trùng Khánh, năm ngoái, Li Yi quyết định rút một khoản lớn từ số tiền tiết kiệm của anh để kinh doanh khách sạn giá rẻ.

Nhưng chỉ hai tuần sau khi khai trương, khách sạn nhìn ra sông Dương Tử của Yi hứng đòn từ cơn bùng phát dịch Covid-19 mà cho đến nay gây tử vong gần 4.700 người ở Trung Quốc.

Sau hai tháng liền không có khoản doanh thu nào vì ngừng kinh doanh, Li Yi hăm hở mở cửa khách sạn trở lại vào tháng 4 nhưng sớm vấp phải một thách thức khác.

Sau hai tuần đầu tiên của tháng này, chỉ có 2 trong số 11 phòng ở khách sạn của anh có khách thuê cho dù Yi đã giảm giá phòng đến 70%. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, công suất phòng của khách sạn anh luôn lấp đầy.

Anh than vãn: “Tôi biết nhu cầu lưu trú sẽ còn ảm đạm nhưng không ngờ tệ đến mức này. Người dân Trung Quốc vẫn còn ngại đi du lịch. Tôi nghĩ ngành du lịch chỉ sẽ hồi phục vào năm sau trong kịch bản lạc quan nhất”.

Vì không có khách, Yi buộc phải sa thải một nhân viên lau dọn và giảm lương của nhân viên lau dọn còn lại hơn một nửa, về mức tối thiếu 1.350 nhân dân tệ (190 đô la Mỹ)/tháng.

Không chỉ riêng Yi mới phải đối mặt tình cảnh kinh doanh chật vật dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Cuộc sống thường ngày đã quay trở lại ở hầu hết thành phố Trung Quốc, nhưng tổn thương của các khách sạn, nhà hàng, nhà máy và nhiều cơ sở kinh doanh vẫn chưa dừng lại và không ít doanh nghiệp đã rơi vào cảnh phá sản.

Ye Zhenqing, chủ nhà máy sản xuất kính mát ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, cũng đang lo sốt vó khi chứng kiến 2/3 số đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ đã bị hủy vì dịch Covid-19.

Ông đã giảm 30% lương của tất cả 100 nhân viên và trả tiền bồi thường cho 10 nhân viên đồng ý nghỉ việc. “Tôi sẽ cố duy trì nhà máy hoạt động đến tháng 7. Nếu đến lúc đó, tình hình vẫn không cải thiện, tôi sẽ đóng cửa nhà máy trong 3 tháng”, ông nói.

Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, ước tính trung bình cứ 5 nhà máy xuất khẩu ở thành phố này, có 1 nhà máy đã phá sản hoặc dừng hoạt động.

Dewen nói: “Tình trạng dừng kinh doanh có thể tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.

Tổn thương của giới doanh nghiệp còn kéo dài

Việc làm mất mát, thu nhập người lao động bị cắt giảm và những mối lo ngại về triển vọng kinh tế ảm đạm đang tạo ra những điểm yếu trong nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp lo sợ đà suy thoái sẽ kéo dài lâu hơn.

Bruce Pang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược ở Công ty China Renaissance Securities tại Hồng Kông, nói: “Trung Quốc giờ đây phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước và chi tiêu hộ gia đình nhưng những trụ cột mới của nền kinh tế này bị giáng đòn nặng nề do đại dịch Covid-19”.

Trong báo cáo mới đây, chi nhánh ngân hàng Natixis ở Hồng Kông, nhận định: “Tác động tồi tệ nhất của dịch Covid-19 có thể đã qua đi ở Trung Quốc nhưng nền kinh tế nước này sẽ còn chịu áp lực khi tìm cách khôi phục nhu cầu tiêu dùng vốn đòi hỏi thu nhập khả dụng của người lao động phải tăng trưởng dương”.

Jay Chan, một bác sĩ nha khoa ở thành phố Đông Hoản,  tỉnh Quảng Châu hiểu điều này rất rõ. Số khách hàng giảm hơn 70% kể từ khi phòng nha của ông được phép mở cửa hoạt động trở lại trong tháng 4 này.

Ông nói: “Khách ngại đến trừ khi có nhu cầu cấp thiết. Chúng tôi đang mất tiền mỗi ngày”.

Đà phục hồi kinh doanh chậm hơn kỳ vọng buộc Chan phải sa thải 3 trong số 8 y tá. Ông nói: “Chúng tôi sẽ phải sa thải thêm nhân viên nếu tình hình kinh doanh không cải thiện trong vài tháng tới”.

Vị bác sĩ có ba người con này cũng đang thắt chặt chi tiêu. Hàng năm, Chan đưa gia đình đi du lịch nước ngoài hai lần. Nhưng năm nay, ông không lên kế hoạch cho bất cứ chuyến du lịch nào cho dù đại dịch Covid-19 chấm dứt.

Những người lao động Trung Quốc may mắn giữ được việc làm cũng bị giảm thu nhập đáng kể. Xiao Yu, chủ một doanh nghiệp có 4 nhà hàng ở TP. Trùng Khánh, không sa thải ai trong số 80 nhân viên của ông nhưng cắt giảm đến 50% mức lương của họ.

Xiao Yu nói: “Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Dù đã xoay sở mở cửa các nhà hàng trở lại hồi đầu tháng này nhưng số khách ghé đến giảm rõ rệt. Doanh số giảm 50% so với trước đây và vẫn chưa thể bù đắp chi phí”.

GDP của Trung Quốc trong quí 1 tăng trưởng -6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên tăng trưởng âm trong gần 3 thập niên qua. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc đang hy vọng khôi phục kinh tế dựa vào nhu cầu trong nước, vốn đang trở thành động lực tăng trưởng ngày càng quan trọng khi Bắc Kinh nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào ngành sản xuất và xuất khẩu.

Năm ngoái, tiêu dùng trong nước đóng góp gần 60% trong mức tăng trưởng của Trung Quốc khi các cỗ máy tăng trưởng truyền thống như đầu tư và xuất khẩu suy yếu.

Theo dữ liệu mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 17-4, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quí 1 tăng trưởng -6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên tăng trưởng âm trong gần 3 thập niên qua.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng tăng trưởng suy giảm sâu là do các lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng để kiểm soát dịch Covid-19. Họ tin tưởng kinh tế sẽ hồi phục mạnh trong những quí tới.

Nhưng nhiều tuần đóng băng hoạt động kinh tế cộng với ngân sách cần chi tiêu thêm để tái khởi động sản xuất đã “giết chết” nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt tiền mặt.

Luẩn quẩn trong vòng tròn khó khăn

Khi mà nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ ở Trung Quốc đang tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, các chuyên gia kinh tế hình dung một bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới

Bruce Pang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược ở Công ty China Renaissance Securities tại Hồng Kông, nói: “Nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Với tương lai bất ổn phía trước, người tiêu dùng Trung Quốc có thể hạn chế chi tiêu hơn nữa và đó là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc”.

Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á ở Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu trì trệ vì nhu cầu yếu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

“Rất nhiều người dân Trung Quốc đã mất việc hoặc công ty họ đã dừng trả lương vì doanh thu sụp đổ. Nếu mọi người không chi tiêu, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản trong những tuần tới. Nhu cầu yếu sẽ là yếu tố lớn kìm hãm đà phục hồi kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới”, Williams cảnh báo.

Những chủ doanh nghiệp giống như Li Yi, chủ khách sạn ở Trùng Khánh, đang nỗ lực bám trụ bằng cách cắt giảm lương và sa thải bớt nhân viên. Song các chuyên gia kinh tế lo ngại các biện pháp tự cứu lấy mình này sẽ tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn: Khi người lao động Trung Quốc bị giảm lương, họ sẽ chi tiêu ít lại, gây khó khăn cho triển vọng kinh doanh của ngành bán lẻ, ngành khách sạn và các ngành kinh doanh khác.

Vời đà phục hồi kinh doanh yếu ớt, Li Yi bắt đầu cắt giảm chi tiêu cá nhân, bao gồm dừng đi ăn nhà hàng và xem phim hàng tuần.

Anh nói: “Một số người tin rằng ở giai đoạn hậu khủng hoảng Covid-19, nhu cầu sẽ tăng mạnh do bị dồn nén nhưng tôi nghĩ điều đó là không thể. Mọi người đều đang khó khăn. Còn ai có tiền để tiêu chứ?”

Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới