Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc hứng đòn nặng do khủng hoảng dịch nCoV

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Trung Quốc hứng đòn nặng do khủng hoảng dịch nCoV

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trung Quốc có thể phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và giảm lãi suất để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tàn phá thêm nền kinh tế đang đối mặt với mức thiệt hại ước tính 62 tỉ đô la trong quí 1-2020 do các hoạt động mua sắm, sản xuất tê liệt ở nhiều nơi trên cả nước.

GDP Trung Quốc có thể tổn thất 2 điểm phần trăm

Kinh tế Trung Quốc hứng đòn nặng do khủng hoảng dịch nCoV
Cảnh tượng vắng hoe tại một khu mua sắm ở Bắc Kinh hôm 28-1. Ảnh: Getty

Tác động kinh tế của dịch virus corona vẫn chưa thể xác định rõ nhưng một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và một số nhà kinh tế nhận định tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể mất 2 điểm phần trăm trong quí 1-2020 vì dịch bệnh này đã khiến nhiều khu vực rộng lớn rơi vào tình trạng tê liệt do các lệnh phong tỏa đi lại. Mức giảm đó đồng nghĩa với việc GDP của Trung Quốc sẽ tổn thất khoảng 62 tỉ đô la Mỹ.

Tăng trưởng năm ngoái của Trung Quốc đã rơi về mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với khối nợ gia tăng và tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại bầm dập với Mỹ.

Virus corona gây viêm phổi cấp, khởi phát TP Vũ Hán, đã giết chết hơn 300 người và lây nhiễm cho 14.380 người chỉ riêng ở Trung Quốc, lớn hơn số ca nhiễm trong thời kỳ dịch SARS bùng phát ở nước này cách đây 17 năm.
Các nhà phân tích ở Công ty dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản) cho rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể bị mất từ 2 điểm phần trăm trở lên trong quí 1-2020, tức có thể rơi về mức 4% so với mức tăng trưởng 6% trong quí 4-2019.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cũng đăng bài viết hôm 31-1, trong đó dẫn lời các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ bị tổn thất 2 điểm phần trăm trong quí đầu năm 2020.

Nỗ lực khống chế virus corona bằng cách tăng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán và buộc các nhà máy đóng cửa có thể giáng đòn nặng nề cho ngành công nghiệp sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu ở Trung Quốc.

Hãng xe điện Tesla (Mỹ) đã buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy mới đi vào hoạt động ở Thượng Hải. Apple đang mất nguồn cung linh kiện từ các nhà cung cấp ở Vũ Hán. Apple đứng trước nguy cơ tổn thất lớn hơn bất kỳ công ty nào khác, nếu dịch virus corona kéo dài vì chuỗi cung ứng của hãng “quả táo cắn dở” tập trung ở Trung Quốc.

Du lịch, ngành công nghiệp tạo ra hàng tỉ đô la doanh thu trong dịp Tết Nguyên Đán, đang điêu đứng vì chính phủ Trung Quốc phong tỏa các trung tâm dân cư lớn và mọi người hoãn các chuyến du lịch vì sợ bị lây nhiễm virus corona.

Nhiều công ty du lịch, hãng hàng không và chuỗi khách sạn đồng ý hoàn tiền cho khách đã đặt vé và đặt phòng trong tháng 2, trong khi một số hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Đà lây lan mạnh của virus corona có thể đe dọa việc làm, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng lên cao hơn, càng làm trầm trọng thêm các khó khăn kinh tế hiện tại của Trung Quốc.

Lực lượng 290 triệu công nhân nhập cư ở các thành phố ở Trung Quốc nằm trong nhóm người lao động đối mặt rủi ro mất việc lớn nhất nếu kinh tế Trung Quốc suy yếu. Nhiều người trong số họ làm việc trong ngành sản xuất, xây dựng hoặc các công việc lương thấp nhưng quan trọng đối với ngành dịch vụ chẳng hạn như nhân viên phục vụ ở các nhà hàng, nhân viên giao hàng.

Nhưng vì nhiều nhà máy và cơ sở kinh doanh ở Trung Quốc vẫn còn đóng cửa, hàng triệu công nhân có thể khó kiếm việc làm sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc vào hôm 2-2.

Tính đến hôm 1-2, có ít nhất 21 tỉnh thành và vùng tự trị ở Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp ngưng hoạt động ít nhất là đến ngày 10-2. Năm ngoái, các khu vực này đóng góp hơn 80% GDP và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Sau khi trở lại làm việc, hơn 10 triệu công nhân nhập cư từ tỉnh Hồ Bắc có thể đối mặt với thái độ kỳ thị của các ông chủ vì họ lo ngại nguy cơ lây lan virus corona từ những người này.

Nhà kinh tế Zhang Ming ở Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc, vốn đang la mối lo ngại lớn của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, có thể lên đến mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Ông cho rằng virus gây viêm phổi cấp này cũng có thể khiến giá hàng hóa tiêu dùng đắt đỏ hơn.

Ngân sách của các hộ gia đình ở Trung Quốc vốn đang thắt chặt vì các khoản nợ của họ gia tăng và cơn khủng hoảng dịch tả heo châu Phi, đẩy giá thịt heo tăng lên mức cao ngất ngưỡng. Giờ đây, theo Tân Hoa xã, giá rau quả cũng đang tăng nhanh khi mọi người đổ xô mua các nhu yếu phẩm để dự trữ trong bối cảnh dịch virus corona vẫn chưa được khống chế.

Cuống cuồng cứu nền kinh tế

Ông Rabi Abeyasinghe (người cầm micro), Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, thông báo ca nhiễm virus corona tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tại cuộc họp báo hôm 2-2. Ảnh: Twitter

Dịch bệnh nCoV nghiêm trọng như vậy nhưng Trung Quốc đã thiếu cảnh giác khi virus corona mới xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái. Trước khi dịch bệnh lan rộng, vấn đề mà chính phủ Trung Quốc lo lắng hơn là tình trạng bất ổn xã hội do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Giờ đây, Bắc Kinh cuống cuồng tìm cách ngăn chặn virus corona tàn phá nền kinh tế. Gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã được giao trọng trách kiểm soát dịch virus corona. Quyết định này là một tín hiệu rõ ràng cho thấy nỗ lực khống chế dịch virus corona là “ưu tiên hàng đầu” của chính phủ Trung Quốc hiện nay, một bài xã luận đăng gần đây trên tờ Nhân dân Nhật báo, nhận định.

Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã triển khai một số biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước sự lây lan nhanh chóng của virus corona.

Chính quyền các địa phương và trung ương đã phân bổ 12,6 tỉ đô la cho chi phí điều trị bệnh nhân và mua sắm thiết bị y tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ bảo đảm thanh khoản khi các thị trường tài chính mở cửa trở lại vào hôm 3-2. Hôm 1-2, Pan Gongsheng, Phó Thống đốc PBoC, nói rằng PBoC sẽ cho cung cấp nguồn quỹ cho vay lại 300 tỉ nhân dân tệ đối với các ngân hàng quốc gia và ngân hàng địa phương ở các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch virus corona để họ hỗ trợ cho vay với mức lãi suất ưu đãi đối với các công ty sản xuất trong lĩnh vực vật tư y tế và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Gongsheng nói PBoC cũng sẽ sử dụng nhiều biện pháp khác nhau bao gồm hạ lãi suất cho vay, cung cấp các khoản vay trung và dài hạn để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vượt qua giai đoạn khó khăn này.

PBoC cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng giãn thời hạn trả nợ đối với các khoản vay cá nhân trong trường hợp khách vay tạm thời mất thu nhập do dịch virus corona, khiến họ không thể trả nợ đúng hạn.

Các ngân hàng lớn ở Trung Quốc cũng đã giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do virus corona. Ngân hàng Trung Quốc (BoC) cho biết sẽ cho phép người dân ở Vũ Hán và những thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc hoãn trả các khoản vay trong vài tháng nếu họ mất thu nhập vì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.

Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa trong những tháng tới để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy giảm nghiêm trọng hơn, theo nhận định nhà kinh tế Trung Quốc Zhang Ming.

Ông dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ rơi về mức 5% trong quí đầu tiên của năm nay nếu dịch virus corona kéo dài đến cuối tháng 3-2020. Ông xem đó là kịch bản lạc quan nhất.

Zhang cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho y tế công cộng và đào tạo việc làm để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông cũng dự báo các chính quyền địa phương sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Ông nói bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm, các thành phố ở Trung Quốc có thể bù đắp cho bất kỳ sự suy yếu nào trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và sản xuất.

Theo ông, PBoC cũng có thể tiến hành nhiều đợt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế. Ông cho rằng sự kết hợp của các biện pháp trên sẽ giúp tăng trưởng của Trung Quốc hồi phục vào quí 2-2020 và giúp tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt khoảng 5,7% cho cả năm.

Dù thấp hơn mức tăng trưởng 6,1% vào năm ngoái nhưng mức tăng trưởng đó khớp với dự báo của nhiều nhà phân tích.

Theo CNN, CNBC

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến ngày 1-2, có tổng cộng 14.380 ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc đại lục, bao gồm 304 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên con số 14.551.

Hôm 2-2, Philippines thông báo ca nhiễm virus corona tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Nạn nhân là một người đàn ông Trung Quốc, 44 tuổi, chết hôm 1-2. Người này cùng với phụ nữ Trung Quốc đến Philippines từ Vũ Hán sau khi đi qua Hồng Kông hôm 21-1. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy người phụ nữ trên dương tính với virus corona. Bệnh nhân đang được điều trị tại một bệnh viện ở Manila.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Philippines Christopher "Bong" Go, Chủ tịch Ủy ban Y tế và Nhân khẩu học ở Thượng viện Philippines, cho biết Tổng thống Philippines đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau.

Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Úc và Singapote đã thông báo cấm hoặc hạn chế nhập khẩu đối với công dân Trung Quốc và bất kỳ người nước ngoài nào đến Trung Quốc trong thời gian gần đây.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới