Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc không bật dậy mạnh mẽ như kỳ vọng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi chấm dứt chính sách “zero Covid”, kinh tế tế Trung Quốc không bật dậy mạnh mẽ như mong đợi. Trong hai tháng đầu năm, Trung Quốc ghi nhận sản lượng công nghiệp tăng thấp hơn dự báo, đầu tư bất động sản, doanh số ô tô và đồ gia dụng suy giảm.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng mua sắm trở lại nhưng lại giảm mua ô tô và đồ gia dụng. Ảnh: Bloomberg

Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15-3 cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 tăng 3,5%, phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, doanh số các mặt hàng đắt tiền như ô tô và đồ gia dụng suy giảm. Sản lượng công nghiệp trong cùng kỳ tăng 2,4%, thấp hơn so với mức dự báo 2,6% của các nhà kinh tế.  Đầu tư tài sản cố định tăng 5,5% nhưng riêng đầu tư bất động sản giảm 5,7% trong hai tháng đầu năm sau khi giảm 10% trong năm ngoái. Đầu tư cho hạ tầng và sản xuất tăng chậm hơn kỳ vọng.

NBS cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị tăng lên mức 5,6% trong tháng 2, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ thuộc nhóm tuổi 16-24 vẫn ở mức cao, 18,1%.

Fu Linghui, người phát ngôn NBS giải thích, do tác động của đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt trung bình 4,5%/năm trong ba năm qua. Vì vậy, áp lực lên thị trườngviệc làm là khá lớn.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy du lịch và ăn uống tại nhà hàng đã tăng trở lại, nhưng tổng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức ảm đạm. Trong khi đó, các cuộc khảo sát kinh doanh chỉ ra sự gia tăng đột biến trong hoạt động sản xuất.

“Môi trường bên ngoài còn phức tạp và nhu cầu trong nước không đủ nổi bật, vì vậy, nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc”, NBS cho biết

Theo nhà phân tích Zhou Hao của Guotai Junan Securities, dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chỉ ổn định, thay vì tăng tốc. Điều này chỉ  ra rằng Bắc Kinh cần tung chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng.

Nhà kinh tế trưởng Bruce Pang ở hãng tư vấn bất động sản JLL, cho biết không có nhiều điểm sáng trong dữ liệu kinh tế mới công bố của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông dự báo thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ phục hồi vào cuối năm nay,

Louise Loo, nhà kinh tế của Oxford Economics, nói: “Đà phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc đã diễn ra thực sự nhưng không bùng nổ như mọi người mong đợi”.

Theo Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Nomura, so với các quốc gia khác sau đại dịch, sự phục hồi ở Trung Quốc tương đối yếu.

Tổng số việc làm được đăng tuyển trên các nền tảng tuyển dụng lớn ở Trung Quốc trong hai tháng đầu năm giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022, theo Công ty dữ liệu BigOne Lab có trụ sở tại Bắc Kinh.

Là tuyển dụng lớn nhất trong tháng 1, BYD đã bổ sung thêm 10.000 nhân viên, chủ yếu ở các vị trị sản xuất và kinh doanh. Con số này tăng 400% so với số lượng tuyển dụng trong tháng trước đó.

Trong tháng này, chính phủ Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn, khoảng 5%. Tuy nhiên, hôm 13-3, tân Thủ tướng Lý Cường cảnh báo rằng sẽ không dễ dàng đạt được. Ông nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung vào chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là nhu cầu của người dân về nhà ở, thu nhập, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Khi được hỏi về mục tiêu tăng trưởng GDP, ông Fu Linghui nói rằng việc đặt mục tiêu quá cao sẽ không có lợi để thúc đẩy “sự phát triển chất lượng cao”.

Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, đã chậm lại đáng kể. Nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ đang giảm khi các nền kinh tế lớn đối mặt với lạm phát gia tăng và tăng trưởng trì trệ.

“Với lạm phát cao, một số nền kinh tế lớn có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng toàn cầu. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới, gây áp lực rõ ràng cho  tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, Fu Linghui nói.

Ông lưu ý đà tăng giá cả ở Trung Quốc vẫn tương đối yếu và Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu lạm phát khoảng 3% trong năm 2023. Giới phân tích cho rằng tình trạng lạm phát trầm lắng của Trung Quốc phản ánh nhu cầu nội địa thiếu hụt.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới