Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc: Kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng chậm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Trung Quốc: Kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng chậm

Châu Phan

(KTSG) – Trung Quốc là một kỳ tích về kinh tế của thế giới. Trong vòng 30 năm, từ năm 1980-2010, tức chỉ hơn một thế hệ, GDP đầu người của nước này tính theo đô la Mỹ giá cố định đã tăng đến hơn 5 lần. Trên thế giới chưa từng có tiền lệ như vậy, kể cả các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.

Kỳ tích này có tiếp tục tồn tại trong những năm tới? Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải xem nguồn gốc của sự thần kỳ này, đó là tăng trưởng kinh tế cao độ của Trung Quốc trong những năm qua.

Thuộc dạng “vô tiền khoáng hậu”, tăng trưởng GDP của Trung Quốc, như hình dưới đây, đạt trung bình đến gần 10%/năm trong suốt ba thập kỷ từ năm 1980-2010.

Nhưng điều gì dẫn đến tăng trưởng cao độ như vậy? Lý do phải kể đến đầu tiên là xuất phát điểm thấp của Trung Quốc trong những năm 1980. Vào thời điểm năm 1980, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc theo giá cố định mới chỉ là 347 đô la Mỹ (năm 2000 là 1.768 đô la Mỹ). Quy luật là nước càng nghèo thì có tiềm năng tăng trưởng càng nhanh, và ngược lại.

Lý do thứ hai là sự cởi trói về chính sách kinh tế của nhà nước, khởi xướng bởi lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là ông Đặng Tiểu Bình. Nhờ đó, các nhà máy mọc lên như nấm ở các thành phố, nông dân nghèo ào ào di cư ra phố thị để làm việc trong các nhà máy. Thu nhập nhờ thế tăng nhanh chóng. Những thành công ban đầu này dẫn đến những cải cách sâu rộng trên cả nước, đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng kinh tế.

Về mặt kinh tế học thì sự tăng trưởng thần kỳ này không có gì khó hiểu, bởi chính sách cải cách, mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình đã khuyến khích việc liên tục đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn và lao động với các công nghệ ngày càng hiện đại hơn theo tín hiệu của thị trường.

Bước sang đầu thập kỷ 2010, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tuy có chững lại, một phần bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trước đó, nhưng vẫn ở mức đáng mơ ước, trên 9%/năm cho đến trước năm 2013. Kể từ năm này, tăng trưởng đã giảm tốc đáng kể và theo chiều hướng đi xuống rõ nét.

Năm 2013 cũng là năm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lực tối cao ở Trung Quốc. Cùng với đó là sự chuyển hướng trong chính sách của nước này, mà theo giới kinh tế học thế giới thì đó là một chính sách không thân thiện với tăng trưởng.

Thực tế thì chính quyền ông Tập không có ý định hạn chế tăng trưởng, nên có thể nói một cách khác là sự giảm tốc tăng trưởng liên tục của Trung Quốc trong thời gian này là một hậu quả không mong muốn, chứ không phải là chủ ý. Bởi ít nhất thì ông vẫn tham vọng biến Trung Quốc thành một siêu cường cả về kinh tế lẫn quân sự, vượt cả nước Mỹ, mà để làm được điều này thì buộc vẫn phải có tăng trưởng kinh tế mạnh.

Vậy thực chất chính sách của chính quyền ông Tập Cận Bình là gì? Nói gọn trong mấy chữ thì ông ta muốn tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ, chẳng hạn như muốn có sự kiểm soát cao hơn đối với các quyết định quản lý của các công ty Trung Quốc mà chuyện “dẹp” vụ IPO của mảng tài chính Ant của tỉ phú Jack Ma là một trong những ví dụ điển hình.

Ông Benn Steil, Giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York cho biết: “Nguồn vốn của Mỹ hiện đang rẻ, và các công ty Trung Quốc, cũng như công ty Mỹ, không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng này”.

Chính sách kinh tế thời của ông Tập cũng ưu ái hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thể hiện qua tỷ lệ tín dụng ngân hàng đổ vào khu vực này. Nếu như vào năm 2013, tỷ lệ tín dụng đổ vào doanh nghiệp tư nhân là 57% (tăng lên từ mức 48% năm 2010), thì từ sau năm đó tỷ lệ này tụt giảm nhanh chóng, chỉ còn 34% năm 2014, 19% năm 2015 và 11% năm 2016(1).

Trong một nền kinh tế mà các DNNN thường kém hiệu quả nhưng lại được ưu ái lớn như vậy thì đương nhiên nó sẽ kéo tụt hiệu quả chung của cả nền kinh tế. Hiệu quả thấp của DNNN của Trung Quốc có thể thấy rõ qua con số tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân là 3,9%, so với của doanh nghiệp tư nhân là 9,9% vào năm 2018. DNNN chiếm 28% tổng tài sản công nghiệp của Trung Quốc cùng năm nhưng chỉ chiếm 18% tổng lợi nhuận của ngành(2).

Do đó, bên cạnh yếu tố chín muồi của nền kinh tế Trung Quốc (kinh tế Trung Quốc đã ở giai đoạn phát triển cao hơn nhiều so với mấy thập kỷ trước đây nên sẽ phải tăng trưởng chậm lại, như nói ở trên), sự ưu ái quá mức trong phát triển khu vực DNNN chính là một nguyên nhân chính giải thích cho sự đi xuống của tăng trưởng kinh tế thời ông Tập Cận Bình, tương phản với thời tăng trưởng nhanh trên nền tảng cải cách, mở cửa, khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài của ông Đặng Tiểu Bình.

Đến đây, có thể nói rằng sự thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc, xét về tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người, sẽ khó có thể tồn tại trong những năm tới (trên cái nghĩa là sẽ không bị một nước nào khác vượt mặt) chừng nào mà chính sách kiểm soát chặt chẽ và ưu ái quá mức DNNN của ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục được duy trì.

(1) https://www.piie.com/blogs/china-economic-watch/chinas-private-firms-continue-struggle

(2) https://www.china-briefing.com/news/chinas-soe-reform-process/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới