Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động thế nào tới Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động thế nào tới Việt Nam

Tư Giang

Kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động thế nào tới Việt Nam
Kinh tế Trung Quốc suy giảm cũng mang lại nhiều lo ngại – Ảnh Những đoàn xe tải chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chực chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn; ảnh TL

(TBKTSG Online) – Kinh tế Trung Quốc suy giảm có những tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam nhưng những tác động này là không đáng kể trong ngắn hạn. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn hơn, theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo bổ sung giải trình về dự thảo kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kế hoạch năm 2016.

Theo báo cáo này, kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy giảm mạnh nhất trong 25 năm qua và khó tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm từ mức khoảng gần 10% giai đoạn 2010 – 2011 xuống còn mức khoảng 7% trong hai quý đầu năm 2015.

Sự phá giá đồng nhân dân tệ và sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã có tác động nhất định đến nền kinh tế nước ta.

Tác động tiêu cực

Về hoạt động xuất nhập khẩu: Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam luôn nhập siêu với mức độ ngày càng lớn. Trong giai đoạn 2005 – 2014, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần, từ mức 2,8 tỉ đô la Mỹ năm 2005 lên mức gần 29 tỉ đô la Mỹ năm 2014 và dự báo khoảng 35 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015.

Về cơ cấu hàng nhập khẩu: một số hàng hóa là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc do đây là nguồn cung cấp có giá cả cạnh tranh với số lượng lớn. Khi đồng nhân dân tệ (NDT) bị phá giá, nhập khẩu nhóm hàng này có khả năng sẽ tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu.

Tuy nhiên, ngay sau khi đồng NDT phá giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD và nới rộng biên độ tỷ giá. Sau các lần điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ, so với cuối năm 2014, đồng tiền nước ta đã giảm giá khoảng 5% so với đô la Mỹ, nhờ đó đã giảm thiểu tác động tiêu cực của việc đồng NDT giảm giá mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc giảm, do đó xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nguyên liệu khoáng sản.

Đây là một bất lợi lớn đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản do mặt hàng này khó chuyển dịch thị trường nếu không xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do đó sẽ có tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc suy giảm một mặt làm giảm nhu cầu nội địa đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; mặt khác có nguy cơ một lượng lớn các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ được chuyển từ tiêu thụ nội địa sang xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp đang trong tình trạng dư thừa công suất, làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam và có thể làm tăng mức độ thâm hụt thương mại.

Lấy mặt hàng sắt thép làm ví dụ; theo một số đánh giá, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc đang vượt nhu cầu trong nước khoảng 70-100%. Lượng sắt thép nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 3,7 lần trong giai đoạn 2011 – 2014, chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu nhập khẩu sắt thép (tăng từ khoảng 22,6% năm 2011 lên 53% năm 2014 và 60% trong 8 tháng đầu năm 2015).

Về thu ngân sách nhà nước từ dầu thô: Suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này giảm mạnh. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế, Trung Quốc hiện đang tiêu thụ khoảng 1/3 lượng dầu mỏ của toàn thế giới

Đồng thời, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại cũng gián tiếp tác động làm giảm tăng trưởng và thương mại toàn cầu, qua đó tạo sức ép làm giảm giá dầu thô. Đối với nước ta, tuy giá dầu giảm tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất trong nước và thúc đẩy tiêu dùng, song điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Như vậy, với những giải pháp, chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, tác động của việc phá giá đồng NDT và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không có tác động lớn trong ngắn hạn, về tổng thể Việt Nam vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ, tỷ giá đã ổn định trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra trong năm 2015.

Tuy nhiên, trong dài hạn, việc suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp chủ động, hữu hiệu để tận dụng những cơ hội, hạn chế những tác động tiêu cực.

Tác động tích cực

Báo cáo phân tích, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn đầu vào sản xuất từ Trung Quốc (máy móc thiết bị, nguyên vật liệu). Do vậy, việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá có tác động tích cực làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong nước, nhờ đó sản xuất trong nước có điều kiện hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, việc kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng cũng có những tác động tích cực đến kinh tế nước ta .

Thứ nhất, giá các mặt hàng cơ bản trên thị trường thế giới sẽ giảm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi sẽ tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của nước ta.

Thứ hai, kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ khiến cho các nhà đầu tư tư nước ngoài đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như Việt Nam.

Dòng vốn FDI đã vào Trung Quốc cũng có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam để tận dụng tiềm năng tăng trưởng cao, giá nhân công rẻ hơn và nhiều cơ hội đang mở ra trước mắt khi Việt Nam chuẩn bị ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP.

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để phụ thuộc ít hơn vào cầu từ bên ngoài và phụ thuộc nhiều hơn vào cầu trong nước. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng theo hướng bền vững hơn được dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực đối với Việt Nam.

Theo đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại ở mức bền vững, và chất lượng của tăng trưởng là tốt, thì lạm phát sẽ ở mức thấp và ổn định. Điều này sẽ tác động tích cực tới việc kiểm soát lạm phát ở những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc như Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng có thể có ảnh hưởng tích cực từ diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc mới đây có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Theo đó, một phần dòng vốn đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường chứng khoán khác, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm kiếm một thị trường thay thế khác an toàn hơn và cũng có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới